MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 1/5, trái cây lót bằng rơm rạ sẽ không được xuất khẩu vào Trung Quốc

01-03-2019 - 20:50 PM | Thị trường

Thông tin trên được ông Trần Thanh Hòa, Phó Cục Trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông Sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ tại hội thảo “Cập nhật thông tin và yêu cầu thị trường – Định hướng phát triển xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc cho sản phẩm nông sản và trái cây” được tổ chức tại TPHCM ngày 1/3.

Theo đó, từ ngày 1/5 tới, các xe chở trái cây dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Theo ông Hòa, Công ước bảo vệ thực vật quốc tế có một tiêu chuẩn về kiểm dịch, yêu cầu các nguyên liệu, bao bì có nguồn gốc thực vật phải áp dụng biện pháp kiểm dịch thực vật quốc tế. Theo đó, tất cả các vật dụng bằng gỗ, kể cả bao bì máy móc đều phải có giấy chứng nhận khử trùng.

"Nếu tiếp tục sử dụng rơm rạ để lót trái cây, thì rơm rạ phải được khử trùng trước khi sử dụng làm nguyên liệu lót" – ông Hòa nói. Theo đó, ông Hòa cho rằng các doanh nghiệp có thể dùng các loại lưới xốp để làm vật liệu lót thay thế cho rơm rạ như trước đây.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản với kim ngạch nhập khẩu nông sản tăng bình quân 8,8%/năm, chiếm khoảng 10% toàn cầu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng gạo, cao su, trái cây, cá tra… của Việt Nam. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2018, Trung Quốc chiếm tới hơn 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều lợi thế trong giao thương như thị trường truyền thống, sát biên giới với Việt Nam, việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng, có nhiều nét tương đồng về văn hóa và đặc biệt Trung Quốc là thị trường rất lớn với dân số đứng đầu toàn cầu.

Trên thực tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém. Có thể thấy, con đường xuất khẩu tiểu ngạch bao giờ cũng có nhiều rủi ro vì không có sự ràng buộc pháp lý giữa người mua và bán.

Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước đây. Chính phủ hai nước đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Ông Shi Xin Biao, Chuyên gia thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty XNK Liaocheng Xinghao cho biết, trong 10 năm tới, tốc độ tăng về nhu cầu trái cây của Trung Quốc sẽ chững lại, trong khi yêu cầu về chất lượng thì lại được nâng lên. Cùng với đó, giá cả sẽ có mức dao động lớn hơn, chất lượng của các loại trái cây sẽ phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đối với sản phẩm trái cây và rau quả, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng tìm hiểu mùa vụ tại Trung Quốc để trồng các mặt hàng rau quả phù hợp và không trùng đúng mùa vụ của họ, tránh trường hợp được mùa mất giá.

Hiện có 8 loại trái cây đã được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Hiện Việt Nam đang đàm phán đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thị trường đối vói sầu riêng, bưởi, chanh leo, dừa, na, roi, măng cụt, khoai lang và bơ. Trong đó, Việt Nam đã gửi hồ sơ của các loại trái và sầu riêng, bưởi và na. Riêng trái măng cụt đã thống nhất quy trình, chỉ chờ ký thỏa thuận về kiểm dịch thực vật là sẽ được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

"Hôm qua, Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam sắp sếp danh mục các loại quả yêu cầu mở cửa theo thứ tự ưu tiên để bên đó xem xét. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét và sẽ lấy ý kiến các bên về thế mạnh của từng loại trái để đưa ra thứ tự mở cửa cho từng loại" – ông Hòa thông tin.

Theo Nguyễn Hiền

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên