Từ 1/7/2022, chính thức bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử
Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022.
- 21-11-2019Đã đến lúc chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử?
- 23-10-2019Hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử: Đâu là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp?
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 gồm 17 chương 152 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 151 (Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2022). Tuy nhiên, Luật cũng quy định về việc khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực trước ngày 1/7/2022.
Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Tổng cục Thuế lưu ý, trong trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.
Theo đại diện Tổng cục thuế, việc quy định cụ thể về áp dụng hóa đơn điện tử trong Luật Quản lý thuế đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc áp dụng hóa đơn điện tử trên diện rộng; góp phần giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian và hạn chế sai sót. Đồng thời, giúp tăng cường tính minh bạch; giúp cơ quan thuế theo dõi được các hoạt động kinh tế; giảm rủi ro của các giao dịch không chính thức.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Quản lý thuế số 38 có một số nội dung nổi bật được “cải tiến” so với Luật hiện hành như: kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế, mở rộng quyền người nộp thuế, làm rõ, quản lý chặt hơn đối với giao dịch liên kết,...
Cụ thể, người nộp thuế sẽ có nhiều quyền lợi đa dạng như: được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Ngoài ra, người nộp thuế cũng có quyền được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật…
Luật này cũng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế so với Luật hiện hành như: thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020. Theo Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, hiện công tác xây dựng các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn chỉnh, đảm bảo Luật có thể đi vào cuộc sống. Tổng cục Thuế cũng như Tổng cục Hải Quan đã được Bộ Tài chính giao xây dựng những nội dung này, trong đó, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng 4 Nghị định và Tổng cục Hải quan xây dựng 1 Nghị định.
“Hiện Tổng cục Thuế đã hoàn thiện dự thảo các nghị định hướng dẫn, được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành 2 nghị định, đó là: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, các Nghị định và Thông tư còn lại cũng đang được thực hiện các bước theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Huy cho biết.
VOV