MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: "Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực"

21-06-2022 - 09:45 AM | Sống

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: "Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực"

“Ngày mới khởi nghiệp, để tiết kiệm chi phí, tôi cố gắng tự làm hết mọi việc từ may rèm, in bảng hiệu… Sáng mai khai trương thì 3 giờ sáng tôi vẫn đang lau nhà, treo đồ… Tuy vất vả nhưng rất hạnh phúc vì được sống đúng với niềm đam mê của mình” – CEO Nguyễn Ngọc Trâm kể về ngày đầu của thương hiệu váy hoa Lép.

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Nguyễn Ngọc Trâm - CEO của Lép, diễn ra tại văn phòng trụ sở công ty. Phòng làm việc của Ngọc Trâm có diện tích chỉ khoảng 25m2, nằm phía sau phòng may mẫu.

Khi tôi đến, cô đang thảo luận cùng các thợ may để gấp rút hoàn thiện mẫu cho BST mới. Nữ CEO sinh năm 1993 ăn mặc đơn giản nhưng rất thu hút ánh mắt của người đối diện. Cô đích thị là một phụ nữ đầy nữ tính nhưng cũng rất cá tính, giống như những chiếc váy của Lép vậy…

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực - Ảnh 1.

Học ĐH ngoại thương, tại sao chị lại lựa chọn khởi nghiệp với thời trang?

Tôi yêu thích may vá, thời trang từ rất nhỏ nhưng điều kiện gia đình không cho phép theo học ngành thiết kế tương đối tốn kém. Bởi vậy, tôi lựa chọn học ngoại thương để học về kinh tế, hiểu hơn về kinh doanh.

Ngay từ năm thứ 3 ĐH, tôi đã đi làm thêm, dành dụm tiền để đi học về may và thiết kế và vẫn luôn ấp ủ nhất định sẽ làm gì đó liên quan đến thời trang.

Khi tốt nghiệp ĐH năm 2015, tôi quyết định khởi nghiệp với một thương hiệu thời trang nhỏ. Nhưng thiếu kinh nghiệm, non nớt khi đánh giá về sản phẩm, thị trường, nên sau hơn 1 năm dự án đã kết thúc.

Sau khi thất bại ở thương hiệu thời trang đầu tiên, thì tôi gần như trắng tay…

Hồi 2017, tôi rất thích mặc váy hoa. Khi tìm trên thị trường những chiếc váy yêu thích thì tôi nhận thấy 2 vấn đề: các sản phẩm nhập từ Trung Quốc thì có vải rất xinh, nhưng form dáng và cắt may rất tệ.

Các thương hiệu váy của Việt Nam thời điểm đó thì thường chỉ đồ công sở, dành cho những người 40-50 tuổi, họa tiết không phù hợp với những cô gái 25-30 tuổi như tôi.

Tôi suy nghĩ về một thương hiệu thời trang do chính mình thiết kế, cắt may dành cho những cô gái như mình. Và rồi, cùng năm đó, tôi mở thương hiệu thứ 2, chính là Lép.

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực - Ảnh 2.

Vì sao chị không nhập hàng về để bán như nhiều người khác, mà lại đi học may, thiết kế?

Vì rất thích sáng tạo ra những thứ mang dấu ấn của chính mình, tôi chỉ có 1 cách là phải tự làm ra những sản phẩm đó thôi.

Tôi tự thiết kế, cắt may những chiếc váy đầu tiên và đăng trên fanpage Lép với suy nghĩ là giới thiệu những sản phẩm do chính mình làm ra tới những người có cùng gu thời trang…

Khi đăng những sản phẩm đầu tiên trên fanpage, tôi chỉ định bán online thôi, nhưng rất nhiều khách hàng tha thiết đề nghị muốn tới tận nơi để thử đồ. Tôi đã làm tạm một phòng thử đồ nhỏ ngay tại phòng trọ nơi mình ở với giá treo đồ, gương… Tiền thân của Lép chỉ đơn sơ thế thôi. (cười)

Khi bắt đầu, tôi cũng chưa nghĩ xa xôi được rằng những sản phẩm của mình sẽ đi tới đâu…. Nhưng rồi đã 5 năm trôi qua, và bây giờ tôi có Lép.

Cái tên Lép có ý nghĩa như thế nào?

Khi chọn tên cho thương hiệu tôi muốn tìm kiếm một cái tên có sức gợi và dễ nhớ. Thật tình cờ là, từ Lép đọc lên cũng có sự gợi cảm sexy, khiến người ta liên tưởng đến sự nữ tính và cả cá tính.

Thời điểm đó, quan điểm phổ biến về một người phụ nữ quyến rũ là có sự tròn đầy, nảy nở. Với những cô gái hơi "lép" họ cảm thấy tự ti vì nghĩ rằng đó là một khuyết điểm. Với Lép, tôi mong muốn tạo nên những chiếc váy mềm mại, bay bổng với màu sắc họa tiết đẹp để những cô gái diện Lép tự tin vào chính mình.

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực - Ảnh 3.

Đến khi nào thì Lép có cửa hàng chính thức đầu tiên?

Shop thời trang tại nhà hoạt động sau khoảng 1 tháng thì gặp một số vấn đề. Vì đông khách hàng tới thử đồ quá, xe cộ và sự ồn ào gây ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh và bị nhiều người phàn nàn.

Vậy là tôi quyết định tìm một cửa hàng chính thức rộng rãi ngoài phố cho khách dễ tìm hơn. Cầm trong tay số tiền dành dụm tôi tìm thuê một căn nhà nhỏ ở trên đường Phan Phù Tiên với giá 12 triệu.

Vốn ít, tôi cố gắng tự làm mọi thứ để co kéo mọi chi phí. Ngày đầu tiên khai trương đã thành công tốt đẹp với doanh thu tới vài chục triệu. Khi đó, tôi mừng quá, "chắc là giàu rồi" (cười).

Vài tháng sau tôi mở cửa hàng tiếp theo ở Phạm Ngọc thạch, đối với tôi đó là một quyết định liều lĩnh vì mặt bằng trên các con phố thời trang rất đắt đỏ, mà còn phải dành giật đàm phán rất lâu mới có thể thuê được.

Dần dần, mỗi năm tôi mở thêm 2-3 cửa hàng. Sau 5 năm, chúng tôi có 17 chi nhánh ở khắp 3 miền. Chúng tôi tự làm, tự tích lũy, không có ông lớn nào chống lưng cả.

Mất bao lâu để Lép cho ra đời 1 BST mới?

Lép theo đuổi mô hình có rất nhiều sản phẩm để khách hàng có sự lựa chọn. Sau đó, những sản phẩm nổi bật sẽ được sản xuất nhiều hơn nên thời gian để ra một mẫu cũng rất nhanh để bắt kịp thị trường.

Phòng thiết kế của Lép từng có 10 người, tung ra tới 50 sản phẩm/tháng. Chúng tôi liên tục cải tiến, không ngại dùng nhiều phép thử để tìm ra kết quả đúng. Mặc dù tỉ lệ kết quả đúng chưa cao lắm. Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng tôi nhìn nhận lại xem cách mình làm có sai không, cải tiến như thế nào.

Sản phẩm Lép vừa có sự nữ tính, sinh động bay bổng với các họa tiết hoa lá vừa chỉn chu, thanh lịch… Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là: Chúng tôi luôn giữ tinh thần chung đó và kết hợp với các trend của thị trường. Một thương hiệu thời trang muốn phát triển phải luôn luôn cân bằng giữa yếu tố định vị thương hiệu và xu hướng của thị trường.

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực - Ảnh 4.

Từ 1 shop thời trang trong ngõ nhỏ, đến nay Lép đã có tới 17 cửa hàng ở khắp 3 miền, đặt tại những vị trí đẹp ở phố lớn. Điều gì thôi thúc chị phát triển Lép ở phạm vi rộng như vậy?

Lép là một trong những thương hiệu chọn hướng đi lạ khi ngay từ đầu đã đánh ở cả 3 miền. Trong khi rất nhiều thương hiệu phát triển tốt ở miền Bắc nhưng lại rất khó vào miền Nam được.

Thực ra, dòng sản phẩm của Lép rất phù hợp với thị trường Sài Gòn nóng quanh năm. Phụ nữ Sài Gòn ưa thích những mẫu váy phóng khoáng và sexy một chút… Trong khi đó, phụ nữ Hà Nội ưa thích những sản phẩm có sự thanh lịch, nữ tính, dịu dàng. Do tính chất thời tiết, sản phẩm dành cho thị trường Hà Nội phải thay đổi liên tục theo thời tiết…

Để phát triển ở cả 3 miền, Lép phải liên tục thay đổi, cải tiến để ra sản phẩm mới. Nhưng tôi cho rằng, bước qua giới hạn an toàn của bản thân thì mới có thể phát triển được.

Phát triển 17 cửa hàng sau 5 năm thì cũng bình thường lắm. So với thị trường, Lép vẫn chỉ là 1 thương hiệu rất nhỏ vì nhiều các ông lớn khác trong ngành thời trang với hàng trăm chi nhánh.

Khó khăn lớn nhất khi điều hành 17 cửa hàng như vậy là gì?

Điều khó khăn nhất với tôi liên quan đến quản trị. Khi làm ở quy mô nhỏ, vấn đề chỉ là quản trị bản thân. Bởi mình là người làm hết, làm tốt hay không tốt thì chỉ là vấn đề điều chỉnh bản thân mình.

Nhưng khi đã có quy mô lớn hơn, nhiều nhân sự thì làm thế nào để cái tốt lan tỏa và duy trì đến từng nhân viên từ thợ may tới nhân viên bán hàng, kiểm soát chất lượng công việc và nuôi sống được nhân viên thì đó là câu chuyện rất mới mẻ với tôi. Tôi đã phải học hỏi rất nhiều.

Tôi cho rằng, sức người tốt thì tự nhiên tiền sẽ về. Còn khi không có năng lực thì dù có ông lớn chống lưng cũng chỉ làm tốn tiền của người khác.

Chị định hướng Lép như thế nào trong tương lai?

Lép khai thác thị trường ngách, nhưng phân khúc không quá rộng vì thế trong tương lai tôi hướng tới mở rộng tập khách hàng.

Tôi là người không sợ sai. Tôi cho rằng chỉ khi nào mình không làm thì mình mới không sai. Khi sai thì mình rút kinh nghiệm và thay đổi để tìm cách khác thôi. Tôi luôn tìm kiếm những người đồng hành thực sự giỏi để có thể đi xa hơn

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực - Ảnh 5.

Lép từng đầu tư khá nhiều cho Marketing với những clip viral trên MXH. Hiệu ứng của cách marketing đó ra sao?

Lép là một thương hiệu thích kể chuyện. Lép dành rất nhiều thời gian và công sức để đi kể chuyện, qua từng video, từng bài viết hay cuộc thi trong cộng đồng các cô gái Lép, truyền đi một thông điệp "làm sao để phụ nữ chúng ta hạnh phúc hơn?". Tôi muốn xây dựng một câu chuyện thương hiệu nhất quán theo một phong cách sống: cổ vũ phụ nữ sống hạnh phúc, sống rực rỡ…

Chúng tôi muốn những câu chuyện và những sản phẩm của mình giúp những người phụ có góc nhìn cuộc đời tích cực hơn, hạnh phúc hơn. Qua đó, có thể muốn khắc sâu tính cách của thương hiệu. Bởi thế các video viral thường không quá chú trọng kết quả về sale.

Tất nhiên, một thương hiệu cũng như một cá nhân, có cá tính thì sẽ có người thích, người không. Tôi luôn tôn trọng sự khác biệt quan điểm của mỗi người vì thế, với những góc nhìn khác, Lép luôn tiếp thu và ghi nhận.

Trên mạng xã hội, group trao đổi váy Lép là 1 trong số những group hoạt động sôi nổi. Việc KH lựa chọn mua váy áo pass có ảnh hưởng như thế nào đến sức mua đối với các BST mới?

Đó là một trào lưu trong cộng đồng người tiêu dùng. Đó cũng là một cách tái sử dụng, tăng vòng đời của sản phẩm một cách rất văn minh.

Cũng có những khách hàng yêu thích Lép nhưng không có điều kiện để mua quá nhiều sản phẩm. Thì những hội nhóm đó giúp khách hàng có được chiếc váy yêu thích.

Về ảnh hưởng tới doanh thu, thú thực tôi cũng không đo đếm nên không rõ. Còn việc BST mới Lép có đủ hấp dẫn để khách hàng mua sản phẩm mới hay không thì đó liên quan đến công việc nghiên cứu sản phẩm tốt hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn của chúng tôi.

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực - Ảnh 6.

Ở 1 số cơ sở của Lép, có rất nhiều các anh đưa vợ, người yêu tới chọn váy. Có vẻ Lép được lòng cả phụ nữ và đấng mày râu?

Khách hàng của Lép trộm vía đều được chồng chiều. Những người có gu ăn mặc hợp Lép thì nhìn chung có gia đình hay những mối quan hệ hạnh phúc. Thế nên, họ thường được bạn trai/chồng đi mua váy.

Thậm chí, tôi còn được nhân viên gửi cho đường link một hội anti Lép lập bởi các ông chồng: Lép khiến cho vợ mua quá nhiều váy, tôi phải anti thương hiệu này. Đó là một câu chuyện vui về sự ảnh hưởng của Lép các ông chồng! (cười).

Chồng chị thì sao?

Chồng tôi rất chiều vợ. Khi mới khởi nghiệp với Lép, chồng, khi đó còn là người yêu, là người đồng hành với tôi. Đàn ông thì không quan tâm tới váy vóc, nhưng anh vẫn làm vì đây là đam mê của vợ.

Khi đó, tôi chỉ là một cô thợ may với tâm hồn bay bổng, đam mê váy vóc. Nếu không có sự hỗ trợ về quản trị của chồng, có lẽ tới nay Lép chỉ có 1 cửa hàng thôi vì tôi chẳng thể quản lý được. Với tôi, chồng chính là người hỗ trợ giúp tôi đạt được ước mơ.

Sau 5 năm khởi nghiệp, tôi nhận ra làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực! Tới thời điểm này, tôi đã trưởng thành hơn và đã có thể chịu trách nhiệm cho công việc của mình. Chồng tôi bắt đầu tách ra để theo đuổi những lĩnh vực đam mê riêng của mình.

Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực - Ảnh 7.

Công việc điều hành công ty bận rộn, chị cân bằng giữa cuộc sống và gia đình ra sao?

Tôi không phải kiểu phụ nữ ba đầu sáu tay giỏi cân bằng công việc và gia đình đâu. Bởi công việc điều hành kinh doanh rất tốn thời gian. May mắn khi có chồng đồng hành trong công việc, nhưng tôi cũng luôn tìm cách để giải quyết mọi việc nhanh nhất, cố gắng dành thời gian chất lượng cho con dù không nhiều.

Tôi cho rằng, mình sống tròn vai ở từng hoàn cảnh. Ở công việc thì quyết liệt, ở nhà là một người dịu dàng, vui tính. Không lẫn lộn vai trò của mình. Trong công việc tôi có thể là một nữ cường, cá tính, nhưng khi trở về với người đàn ông của mình thì tôi là 1 cô gái bánh bèo chính hiệu. Tôi cho phép mình là một người vợ yếu đuối, cần sự chở che của chồng.

Đối với tôi, Lép không chỉ bán váy, mà còn cổ vũ phụ nữ có một phong cách sống phóng khoáng, rực rỡ và yêu đời, giống như slogan của Lép vậy: Live gorgeous!

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Thu Hoài
Hải An
Theo Trí Thức Trẻ
https://cafef.vn/tu-9x-tay-trang-toi-ba-chu-thuong-hieu-17-chi-nhanh-ceo-lep-chia-se-lam-thoi-trang-mong-mo-la-chua-du-can-cai-dau-lanh-de-nhin-vao-thuc-te-va-chiu-ap-luc-20220620084229469.chn

Thu Hoài

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên