Từ ACB, nhìn lại các thương vụ thoái vốn đình đám của Dragon Capital
Dragon Capital đang muốn bán hơn trăm triệu cổ phiếu ACB, khoản đầu tư dài hơi nhất của quỹ. Dragon Capital cũng từng có các đợt thoái vốn đình đám tại Sacombank, Vinamilk, REE, PC1, DIC Corp…
Cổ phiếu ACB lập đỉnh, Dragon Capital thoái vốn sau 25 năm đầu tư
Là quỹ đầu tư quy mô lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản quản lý hàng tỷ USD, hoạt động cơ cấu danh mục của Dragon Capital rất được giới đầu tư quan tâm. Mới đây nhóm này thông báo sẽ thoái gần 108 triệu cổ phiếu Ngân hàng Á Châu ( HoSE: ACB ).
Asia Reach Investments Limited (ARIL) và First Burns Investments Limited (FBIL) đăng ký bán toàn bộ hơn 107,8 triệu cổ phiếu, gần 5% vốn. Ngược lại DC Developing Markets Strategies PLC đăng ký mua 5 triệu đơn vị.
Giá cổ phiếu ACB từ khi lên sàn chứng khoán đến nay. Đồ thị Stockbiz.vn
Thanh khoản ACB khi niêm yết HoSE có sự sôi động hơn với trên 10 triệu cổ phiếu mỗi phiên, so với 5-7 triệu đơn vị trước đây. Đáng chú ý là phiên 19/2 có thanh khoản cao kỷ lục trên 31 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu sau khi lập đỉnh hơn 33.250 đồng/cp đầu tháng 3 đang điều chỉnh về vùng 32.000 đồng như hiện tại.
Với lượng đăng ký bán 107,8 triệu cổ phiếu trên, khối lượng này tương đương với thanh khoản 9 phiên giao dịch gần nhất của ngân hàng. Lượng cổ phần này cũng có giá trị thị trường gần 3.500 tỷ đồng.
Cổ đông nước ngoài vẫn luôn nắm giữ tối đa 30% vốn tại ngân hàng này, trong đó một số quỹ thuộc Dragon Capital đã nắm giữ cổ phiếu từ năm 1996. ACB là một trong những khoản đầu tư dài hơi nhất của quỹ đầu tư được thành lập năm 1994 này.
Cổ phiếu thường ra sao khi Dragon Capital rút vốn?
Chiến lược của Dragon Capital thường đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, với khung thời gian khoảng 5-7 năm. Tuy nhiên một số trường hợp có thể kéo dài cả chục năm như ACB, Vinamilk hay Sacombank…
Sau 10 năm gắn bó với Sacombank ( HoSE: STB ), Dragon Capital đã nói lời chia tay khi bán ra cùng lúc hơn 61 triệu cổ phiếu trong năm 2011. Để thoái vốn thành công, bên bán đã chuyển nhượng bằng giao dịch thỏa thuận cho các đối tác nước ngoài do Sacombank đàm phán và chỉ định.
Thời điểm đó cổ phiếu STB giao dịch ở vùng giá khá thấp chỉ khoảng 7.000 đồng/cp. Tuy nhiên cổ phiếu tăng mạnh sau khi quỹ thoái vốn, lên hơn 17.000 đồng/cp vào cuối tháng 4/2020, tương đương mức tăng hơn 140% trong chưa đầy một năm.
Giá cổ phiếu STB tăng mạnh sau khi Dragon Capital thoái vốn nửa cuối năm 2011. Đồ thị: Stockbiz.vn | |
Sacombank sau khi Dragon Capital rút lui bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Năm 2012, ông Trầm Bê thay thế nhà sáng lập Đặng Văn Thành điều hành ngân hàng. Tuy nhiên kết quả hoạt động của Sacombank dưới thời ông Trầm Bê ngày càng đi xuống, đặc biệt là sau cuộc sáp nhập với SouthernBank vào cuối năm 2015.
Lợi nhuận ngân hàng năm 2015 chưa đến 700 tỷ đồng và năm 2016 chỉ còn 100 tỷ đồng, do phải dành gần hết lợi nhuận làm ra để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu của SouthernBank sau sáp nhập. Giữa năm 2017, ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT và thực hiện tái cơ cấu.
Vinamilk ( HoSE: VNM ) cũng là một khoản đầu tư trên chục năm của Dragon Capital, nhưng dần được bán ra khi công ty gặp áp lực về tăng trưởng. Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ 2 tỷ USD do Dragon Capital quản lý - lần đầu đưa Vinamilk ra khỏi top 10 danh mục vào cuối năm 2018. Trong khi giai đoạn 2011-2013, cổ phiếu sữa này từng chiếm gần 30% giá trị tài sản ròng của quỹ.
Thực tế cho thấy giai đoạn 2016 -2020, Vinamilk dù vẫn có tăng trưởng đều đặn về doanh thu và lợi nhuận nhưng mức tăng trưởng ở mức một con số. Tuy nhiên, việc một số quỹ thoái lui tại Vinamilk một phần cũng ảnh hưởng bởi cuộc chạy đua mua cổ phần chi phối của Jardine Cycle & Carriage và Tập đoàn F&N.
Giá cổ phiếu VNM trong thời gian này lại tăng mạnh, đạt đỉnh hơn 130.000 đồng/cp (đã điều chỉnh giá) vào cuối năm 2018. Tính trong giai đoạn đầu 2016 đến cuối năm 2018, cổ phiếu VNM tăng giá hơn 200%.
Giá cổ phiếu VNM tăng mạnh lên vùng đỉnh vào cuối năm 2018. Đồ thị: Stockbiz.vn |
Dragon Capital cũng bắt đầu thoái vốn của Cơ điện lạnh ( HoSE: REE ) từ đầu năm 2015. Đến tháng 9/2016, quỹ chuyển nhượng 15,5 triệu cổ phiếu REE cho AIMS Asset Management và không còn là cổ đông lớn.
Sau khi quỹ ngoại rút lui, cổ phiếu REE đã bắt đầu tăng giá mạnh từ vùng 25.000 đồng/cp từ cuối năm 2016 lên khoảng 40.000 đồng/cp vào cuối năm 2017 và tiếp tục xu hướng tăng cho đến nay.
Giá cổ phiếu REE bật tăng khi Dragon Capital thoái vốn cuối năm 2016. Đồ thị: Stockbiz.vn |
Quỹ lớn nhất Việt Nam gần đây còn chuyển nhượng toàn bộ hơn 23 triệu cổ phiếu Xây lắp điện 1 ( HoSE: PC1 ) vào tháng 5/2020, khi cổ phiếu ở vùng giá 15.000 đồng/cp. Đến nay cổ phiếu PC1 đang giao dịch quanh vùng đỉnh 28.000 đồng/cp, tức tăng giá hơn 80% trong chưa đến một năm.
Hay cuối năm 2020, Dragon Capital đã bán hết 67,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ hơn 22% vốn DIC Corp ( HoSE: DIG ) khi cổ phiếu có giá quanh 25.000 đồng/cp. Đến nay cổ phiếu bất động sản này tăng giá hơn 20% lên vùng 30.000 đồng/cp.
Nhìn lại quá khứ, các thương vụ thoái vốn lớn của Dragon Capital rất được quan tâm bởi thường có chuyển giao quan trọng về mặt cổ đông, như Him Lam Land vào DIC Corp, AIM Asset mua REE, người Thái nắm cổ phần Vinamilk... . Những sự chuyển giao về mặt cổ đông lớn cũng thường thúc đẩy giá cổ phiếu biến động mạnh như đã từng xảy ra.
NDH