Từ Apple, Panasonic đến hàng loạt ông lớn muốn đổ bộ vào Việt Nam, nhưng thị trường có gì để đón sóng dịch chuyển?
"Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trong cuộc họp gần đây. Điều này đặt trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh tìm cách thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển mạnh.
- 26-05-2020Việt Nam học được gì từ kinh nghiệm Hàn Quốc trong chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư?
- 25-05-2020Hà Nội muốn huy động gần 1.000 tỷ đồng xây dựng 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu
- 25-05-2020Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra, xác minh công ty Tenma Việt Nam hối lộ cán bộ
- 25-05-2020Quảng Nam tung gói kích cầu Thank you, tri ân y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 bảo vệ người dân
Từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đến nay là Covid-19, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến được cân nhắc hàng đầu khi các ông lớn nước ngoài muốn dịch chuyển đầu tư.
Những cái tên như Apple, Nintendo, Samsung… trong thời gian gần đây đã liên tục bắn ra các tín hiệu về việc đặt nhà máy ở Việt Nam trong thời gian tới, hay gần đây là Panasonic. Tờ Nikkei Asian Review cho biết nhà máy sản xuất đồ gia dụng của hãng này tại Thái Lan sẽ đóng cửa để chuyển sang Việt Nam nhằm gia tăng hiệu suất.
"Sản xuất và cung cấp sản phẩm từ Việt Nam đến các thị trường đơn lẻ sẽ thuận lợi hơn so với việc tiếp tục sản xuất ở Thái Lan", ông Marukawa, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam nói.
Theo nhiều chuyên gia nước ngoài, Việt Nam có sức hấp dẫn của một thị trường tiêu dùng gần 100 triệu dân, con số tương đối lớn. Lực lượng lao động đông đảo, chi phí thấp, môi trường chính trị, kinh doanh ổn định. Tăng trưởng kinh tế cao, năng động. Mặt khác, về địa lý, Việt Nam cũng ở gần Trung Quốc, thị trường 1,4 tỷ dân.
Ghi nhận của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO cho biết Việt Nam hiện là sự lựa chọn số 1 ở Đông Nam Á để sản xuất.
Tuy nhiên, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khó có thể hấp thụ được toàn bộ sự dịch chuyển từ thị trường 1,4 tỷ dân, quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm 20% thương mại toàn cầu. Trung Quốc đến nay đã tạo thành một chuỗi cung ứng tinh vi, phức tạp với hiệu quả rất cao mà không một quốc gia nào nếu đứng đơn lẻ có thể gánh vác được.
Do vậy, ngay cả khi Việt Nam rất hấp dẫn thì dòng vốn vẫn toả đi. Và trong bối cảnh thị trường có sự dịch chuyển như vậy, nhiều nước khác cũng đang chủ động vươn lên và cạnh tranh đón FDI.
Ấn Độ có thể xem là 1 đối thủ đáng gờm. Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường có trên 1 tỷ người do vậy không thể phủ nhận được tiềm năng thị trường. Nước này hiện đã tung ra các chính sách để lôi kéo các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ bằng các gói ưu đãi đặc biệt. Cụ thể như mức thuế doanh nghiệp giảm từ 25% xuống 17%, một trong những mức thấp nhất ở châu Á.
Hay Indonesia có quy mô dân số là 270 triệu người, với các chính sách hấp dẫn cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam trong việc đón sóng đầu tư. Lần gần nhất, một vài tờ báo trong khu vực đã đưa tin đồn đoán về việc 27 doanh nghiệp Mỹ sẽ dịch chuyển sang nước này.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Việt Nam cần tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển sau đại dịch, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao.
Ông nhấn mạnh: Cách thu hút dòng vốn đầu tư trong tình hình mới cần dịch chuyển.
"Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía", Thủ tướng nói. Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Thủ tướng theo đó đã đồng ý với đề xuất thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư đóm sóng dịch chuyển sau Covid-19. Ông cũng đặc biệt lưu ý về việc giải quyết các điểm nghẽn của các nhà đầu tư như mặt bằng, nguồn nhân lực.
Chia sẻ trên truyền thông về việc thành lập tổ công tác đón sóng FDI, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng tổ công tác phải có tầm nhìn, đưa ra luật chơi rõ ràng, để kiểm soát theo hướng ưu tiên dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
"Hiện nay trung ương đã trao cho địa phương nhiều quyền chủ động thu hút đầu tư nước ngoài nên cũng cần có một cơ quan để kiểm soát dòng vốn đầu tư FDI. Để chọn lọc được dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao thì cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát dòng vốn đầu tư", ông nói.
Theo ông, các dự án đầu tư FDI lớn nên được đánh giá theo mức độ ảnh hưởng ở tầm quốc gia. Và để tránh vỡ quy hoạch thì rất cần có chỉ đạo từ cấp cao. Ông lưu ý: trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới cần chú ý tới đẳng cấp của doanh nghiệp FDI chứ không chỉ chú ý đến quy mô vốn đầu tư lớn. Vốn lớn nhưng chỉ tập trung vào lắp ráp thì cũng không nên đánh giá cao.