Từ bác xe ôm, bà nội trợ đến cô hoa hậu đầu tư khác nhau thế nào: Người dân hãy đầu tư chứ đừng "chơi" chứng khoán!
Năm 2021 được đánh giá là một năm thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt kỷ lục và vẫn tiếp tục tăng lên. TTCK Việt Nam ngày càng chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ khi cả số lượng và chất lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch ngày càng được cải thiện và gia tăng.
- 27-12-2021Điều gì đã giúp 1 caddie trẻ tuổi trên sân Golf có thể trở thành "huyền thoại" chứng khoán, tăng tài sản gấp 700 lần? Bí quyết thật ra ai cũng biết, nhưng hiếm người làm được
- 22-12-2021Sau Mai Phương Thúy, thêm một Hoa hậu lên show kiếm tiền nói về chứng khoán: "Em chỉ là người muốn kiếm tiền, đầu tư hay đầu cơ cũng được"
Theo số liệu từ UBCKNN, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2021 ngày càng tăng trưởng cả về chất lẫn về lượng. Tính đến cuối tháng 10/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7,46 triệu tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP.
Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hiện nay, số tài khoản mở mới mỗi tháng lên đến hơn 120.440 tài khoản, gấp 3,5 lần so với mỗi tháng của năm 2020. Sự gia tăng liên tục của các nhà đầu tư đã giúp cho thanh khoản thị trường sôi động đạt mức cao lịch sử trung bình giao dịch trên 1 tỷ USD mỗi phiên, có phiên còn lên tới hơn 2 tỷ USD.
Giao dịch của những nhà đầu tư các nhân hiện đang chiếm tới hơn 90% giá trị giao dịch toàn thị trường. Họ đã giúp cho thị trường giao dịch sôi động với mức thanh khoản tăng mạnh chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chương trình Phố tài chính số phát sóng ngày 27/12 đã có sự góp mặt của những nhà đầu tư ở nhiều tầng lớp. Các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán ngày càng đa dạng từ bà nội trợ, bác xe ôm, sinh viên cho tới nhân viên văn phòng, hay người nổi tiếng. Mỗi người có một "phong cách" đầu tư chứng khoán khác nhau.
Trong đó, bà Thu hiện đang sinh sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội với công việc nội trợ tại nhà. Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 50 để lui về chăm sóc gia đình, bà Thu cũng tích góp được một khoản tiết kiệm. Trước đây, bà Thu lựa chọn đầu tư vào mua vàng, gửi tiết kiệm để tích lũy. Gần đây, bà Thu nghe theo con gái đầu tư vào chứng khoán, với mong muốn có một khoản sinh lời với số tiền nhàn rỗi.
Không chỉ có các bác nội trợ, ông Phúc, 60 tuổi, với công việc làm xe ôm tại ngã ba đường Mỹ Đình hàng ngày, cũng bắt đầu tham gia đầu tư chứng khoán theo bạn bè, với mong muốn có thêm thu nhập."Tôi làm nghề này đã lâu rồi, do ảnh hưởng của dịch Covid nên tôi tìm đến các phương pháp đầu tư sinh lời khác. Hiện nay tôi đang mua trái phiếu theo một người bạn có con làm ở ngân hàng", ông Phúc chia sẻ.
Chị Trang, 28 tuổi, đang làm thợ trang điểm tại Hà Nội cũng tìm hiểu và tham gia vào kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2021 và thu được những kết quả tích cực.
Đối với chị Trang, chứng khoán là một kênh đầu tư rất thú vị. Kết quả đầu tư của chị Trang trong năm 2021 tương đối tốt so với kỳ vọng. Chị Trang hy vọng năm 2022 thị trường sẽ phát triển hơn và kết quả đầu tư sẽ tốt hơn nữa.
Làn sóng nhà đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021 trở nên ngày càng sôi động với sự tham gia của lớp giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau. Phan Hòa, sinh viên năm 4 trường Đại Học Kinh Tế, trong thời gian gần đây Hòa đã sử dụng khoản tiền nhàn rỗi của mình để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
"Em là sinh viên chuyên ngành Kinh tế, hiện tại em có tham gia đầu tư chứng khoán, kết quả đầu tư năm 2021 của em cũng có kết quả khá ở một số mã cổ phiếu. Tuy nhiên thì em cảm thấy bản thân vẫn còn hạn chế nhiều kiến thức cũng như phương pháp đầu tư nên em nghĩ là vào năm 2022 thì em sẽ tìm hiểu thêm kiến thức đầu tư chứng khoán và đầu tư thêm mảng khác như chứng khoán phái sinh", Hòa chia sẻ trong chương trình.
Theo các chuyên gia, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng bắt đầu giảm từ đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế khi các khoản tiền gửi của họ đáo hạn, đặc biệt là đầu tư vào chứng khoán. Chính vì thế, đối tượng các nhà đầu tư ngày càng đa dạng. Chị Yến là một nhân viên văn phòng 27 tuổi cũng bắt đầu tham gia và tìm hiểu về thị trường chứng khoán. Vì tính chất công việc văn phòng làm 8 tiếng một ngày, chị Yến quyết định đầu tư vào các quỹ ETF để vừa tiết kiệm thời gian, vừa sinh lời đều đặn.
Trong khi đó, Hoa hậu Đông Nam Á năm 2014 Phan Hoàng Thu dù bận rộn với các lịch trình nhưng cũng không bỏ qua cơ hội từ thị trường chứng khoán. Và dù là một nhà đầu tư mới có mong muốn khoản đầu tư sinh lời tốt nhưng cô cho biết, cô không chạy theo những "tin đồn" mà tập trung tìm kiếm những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng cao để đầu tư, vì bản chất thị trường chứng khoán là giúp huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, nên ở góc độ nhà đầu tư, cô muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để có kết quả tốt.
"Thu nhận thấy rằng trong những năm trở lại đây thị trường chứng khoán rất là khởi sắc. Đặc biệt là năm 2021, kết quả kinh doanh của một số công ty cũng rất tốt, và kết quả đầu tư của Thu cũng có sự khả quan, và Thu hy vọng rằng trong năm 2022 mọi thứ sẽ khởi sắc hơn nữa và đặc biệt thị trường chứng khoán trong nước sẽ ngày càng tốt hơn", Phan Hoàng Thu chia sẻ trong chương trình.
TTCK Việt Nam ngày càng chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ khi cả số lượng và chất lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch ngày càng được cải thiện và gia tăng. Theo VSD, Tổng số tài khoản mở mới trong 11 tháng năm 2021 đạt hơn 1, 32 triệu tài khoản, tăng 229,7% so với cả năm 2020.
Theo BTV Mùi Khánh Ly, những nhà đầu tư cá nhân là rất đa dạng. Họ đến từ những lĩnh vực, những thành phần khác nhau trong xã hội. Và mặc dù trung bình một ngày có tới hơn 12.000 tài khoản được mở mới, và hiện nay số người dân đầu tư chứng khoán ở Việt Nam đang chiếm khoảng 4% trên tổng dân số. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, đây là con số này còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và còn nhiều tiềm năng ở phía trước.
Theo các chuyên gia, làn sóng nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán lần này khác hẳn làn sóng trước đây. Các nhà đầu tư có sự hiểu biết hơn và chịu khó tìm kiếm các thông tin, học hỏi kiến thức về thị trường. Họ cũng tiếp cận với các công nghệ tốt hơn các thế hệ trước.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý, thì hiện nay số người dân có tài khoản chứng khoán ở Việt Nam đang là hơn 4 triệu tài khoản, chiếm khoảng 4% trên tổng dân số. Tuy nhiên, con số tài khoản hoạt động thường xuyên chỉ có khoảng 1 triệu tài khoản. Như vậy thực tế số nhà đầu tư giao dịch thực tế trên thị trường là vẫn còn khiêm tốn, trong khi con số này ở một số nước trong khu vực đã là 10-20% tổng số dân. Chính vì vậy, tiềm năng các nhà đầu tư tham gia vào thị trường vẫn còn lớn.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, dù chất lượng nhà đầu tư có sự cải thiện, nhưng vẫn còn hiện tượng các nhà đầu tư muốn đầu cơ, chạy theo các "tin đồn" trên thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng trước các quyết định để tránh những hệ luỵ không đáng có.
Cơ quan quản lý và các thành viên trên thị trường cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán, qua đó giảm thiểu những rủi ro đối với các nhà đầu tư, cũng như là tạo niềm tin vững chắc đối với thị trường. Những giải pháp can thiệp đó giúp thị trường phát triển mạnh mẽ nhưng bền vững, để người dân đầu tư chứng khoán chứ không phải là "chơi" chứng khoán.