MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư

25-03-2018 - 15:34 PM | Sống

Vì sao chuông báo cháy không reo, họng nước cứu hỏa không có nước, không có bảng chỉ dẫn thoát hiểm, hút thuốc trong bãi xe, những cánh cửa chặn khói ở lối thoát hiểm bị mở ra toang hoác? Hãy nhìn thẳng vào mắt chúng mà trả lời.

Tôi muốn hai tấm ảnh xuất sắc này của những đồng nghiệp của tôi ở VnExpress sẽ được đặt làm hình ảnh đầu tiên trong tất cả các màn hình quảng cáo trước và trong mỗi thang máy của tất cả các chung cư và cao ốc văn phòng.

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 1.

Bé lớn 4 tuổi sau khi được mẹ cứu thoát. Ảnh: T.Q.

Tôi muốn đôi mắt của em bé bốn tuổi này cứ vài phút một lần lại nhìn thẳng vào những người lớn đáng tuổi cha mẹ, ông bà của con đang đứng trước cửa thang máy lên các tòa nhà cao tầng, đòi họ trả lời vì sao giữa đêm con đang ngủ say êm ấm thì bị xốc dậy giữa gào thét kêu khóc bốn bề, giữa lửa khói và cái chết xộc đến dễ dàng như mua một que kem.

Tôi muốn cái miệng xinh như nụ hoa của con, đáng yêu của tất cả các em bé khác, giờ rát cháy vì khói độc, sẽ hé mở mãi ra thế này để thốt lên trong câm lặng câu hỏi đó.

Tôi muốn quý vị khi ngồi sấy tóc cho con thật khô trước lúc vào giường mỗi đêm, hãy nhớ đến mái tóc ướt đẫm kịt khói bụi của cháu.

Tôi mong muốn quý vị phải chảy nước mắt khi nhìn vào bầu vú của mẹ cháu, nám đầy khói đen vì ôm hai đứa con lao chạy qua mười mấy tầng nhà trong luồng hơi dữ dội khạc ra từ miệng tử thần.

Tôi muốn quý vị phải run lên khi nhìn vào gương mặt đứa bé mới 15 tháng tuổi đang nhắm mắt ngậm vú mẹ mà giữa vầng trán nhíu lại vẫn hằn rõ cơn hoảng loạn con vừa trải qua.

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 2.

Bà mẹ trẻ bị bỏng hô hấp vẫn cố cho con nhỏ 15 tháng tuổi bú sau khi lên xe cứu thương. Ảnh: T.Q.

Nó ám ảnh tôi. Đứa trẻ thơ như mầm măng nhắm mắt ngậm vú mẹ, cái hình ảnh từ khi có loài người đã là bức tranh miên viễn của bình an và hạnh phúc thì nay chỉ sau một đêm Carina, với tôi nó đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ nhưng khủng khiếp của sự sống bên bờ vực cái chết.

Tôi muốn chúng ta hãy nhìn thẳng vào chúng, mỗi giờ. Những chủ đầu tư, những Ban quản lý các tòa cao ốc, các ông bà hãy nhìn thẳng vào đôi mắt và gương mặt của hai đứa trẻ này. Vì sao chuông báo cháy không reo, họng nước cứu hỏa không có nước, không có bảng chỉ dẫn thoát hiểm, hút thuốc trong bãi xe, những cánh cửa chặn khói ở lối thoát hiểm bị mở ra toang hoác? Hãy nhìn thẳng vào mắt chúng mà trả lời.

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 3.

***

Tôi đang làm việc trong một cao ốc, như hầu hết những nhân viên tư sở ở các đô thị lớn. Và trong vài tháng vừa qua, tôi đã đến nỗi phát chán vì sáng nào cũng phải đi đóng những cánh cửa chặn cầu thang ở tầng lầu tôi làm việc. Lúc thì do cô nhân viên vệ sinh, lúc thì do chính những người đang làm việc trong toà nhà. Các cánh cửa phòng làm việc ra ban công, xuống cầu thang thoát hiểm và chặn giữa các cầu thang bộ thường xuyên mở ra toang hoác, trong khi máy lạnh phía trong cũng thường xuyên chạy nấc cao nhất. Xót của, tôi nhắc phòng hành chính, mấy tháng sau vẫn y nguyên.

Có hôm tôi nghe cô ấy phàn nàn tiền điện tăng vọt, máy lạnh hư thường xuyên, ờ, thì rõ vì sao nó tăng và vì sao nó hư rồi há, nhưng rồi đâu vẫn đó. Sáng sáng cô nhân viên vệ sinh vẫn mở cửa ra hết tầm, cẩn thận chặn miếng bìa cứng để nó không tự động khép lại, chắc là để mùi dung dịch lau nhà bay hết ra "cho nó thoáng". Cánh cửa sổ đã dán mảnh giấy "Không được mở" vẫn có người mở ra khi ngồi đó ăn trưa, cũng cho nó thoáng. Chẳng mấy người thèm với tay đóng kín cái cửa ra ban công. Ừa, thì của chùa mà, hư thì công ty sửa, mắc gì mình mà lo.

Cho đến khi cái chết rờ đến gáy, có lẽ nhiều người vẫn chưa tỉnh ra đâu.

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 4.

Nhiều năm trước, lúc mới ra trường, tình cờ tôi ở trong một chung cư dành riêng cho nhân viên các đơn vị nghệ thuật và báo chí trên TP HCM: Trường múa, Nhạc viện, Đoàn kịch nói, Đoàn cải lương, Đài truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân Việt Nam… Cư dân tuyệt đại đa số là nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, biên kịch, soạn giả, nhà thơ, nhà văn, nhà báo… Được xây dựng trong những năm 60 của thế kỷ trước, ban đầu nó mang cái tên kiêu hãnh Building President, được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng của Sài Gòn hoa lệ. Sau 1975, nó được phân làm nhà ở cho những đơn vị nghệ thuật và báo chí như tôi kể trên.

Và, sau gần 20 năm lừng lẫy, cái họng đổ rác của từng tầng một-vốn quy hoạch rất thông minh-đã không thể xài được, vì dân cư đổ rác loạn xì ngầu. Thay vào đó người ta chỉ cần ném rác đánh 'chíu" một cái qua cửa sổ. Những khoảng thông gió rộng lớn giữa các lô nhà khiến bất cứ phòng nào cũng tràn ngập ánh sáng mặt trời và gió mát, biến thành vô thiên lủng họng rác cá nhân cực kỳ tiện lợi. Ba cụm thang máy chết đứng như Từ Hải giữa trận tiền. Ban đầu vì không có điện chạy thang máy, sau nhiều năm thì… do các quý ông xỉn xỉn lên thì không thèm về phòng, hoặc không kịp về đến phòng, "tưới" luôn vào chân thang, đẫm đìa, "thơm" ngát.

Một thời gian dài các đoàn nghệ thuật khốn đốn, tháng diễn chưa được một đêm, và thế là có một đội ngũ đông đảo nghệ sĩ phải kiếm sống bằng nghề bán cơm, bán tạp hóa, bán đủ thứ cho chính cư dân chung cư, chiếm các đoạn hành lang mà bán. Các bếp than tổ ong rừng rực đặt nồi cơm nồi canh hay cái chảo ắp dầu nóng giãy đặt sát chân người đi. Trên trần, dây điện giăng như trận đồ. Lâu lâu thấy xè xè, đôm đốp, tia lửa bắn ra sáng xanh đẹp như pháo hoa. Ai đó la lên, người ta cúp điện đánh xẹt, thế rồi… lại hòa cả làng.

Đêm nọ, tôi đang ngủ ngon. Thì bỗng bị dựng dậy vì tiếng la hét hỗn loạn, tiếng chân chạy rầm rập. Mắt nhắm mắt mở nghe gào thét "Cháy… cháy". Tôi cứng đơ vì hoảng loạn. Mở cửa ra, hành lang đầy người gào thét. Ở căn hộ chéo lô và nằm trên một tầng, lửa đang bùng bùng, ngùn ngụt, các ô cửa sổ rực lửa không còn nhìn thấy gì bên trong.

May cho chúng tôi là lửa mới chỉ thiêu rụi căn hộ đó và do các hành lang đều hoàn toàn thoáng đãng nên khói tan ngay vào không khí. Bảo vệ xách bình bọt xông vào, vài tiếng sau, cư dân đi ngủ lại khi vẫn còn run lẩy bẩy.

Nhưng nếu là những sự cố khác và chúng tôi cần thoát xuống dưới đường thì tôi chắc đại đa số cư dân sẽ bị nướng sạch. Vì cái bãi giữ xe với hàng ngàn chiếc xe máy xếp sát cứng đã chiếm toàn bộ tầng trệt và đường vào, chỉ còn chừa một lối đi đủ cho một người, sẽ trở thành bãi bom khủng khiếp.

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 5.

… Đó là câu chuyện ở một chung cư cũ rích, xây cách đây hơn 60 năm, và cái thời còn thiếu cả ăn mặc đó, cư dân chung cư thôi thì kém văn minh đến vậy cũng tha thứ cho đi.

Nhưng mà bây giờ sang thế kỷ sau rồi nhé, và các chung cư thường được tận dụng từng mét vuông để kinh doanh, hiếm nơi nào có những hành lang và giếng trời rộng thênh thang mở ra ngoài trời để các bạn ra đấy kiếm không khí trong khi chờ PCCC đến cứu.

Các bạn cũng chẳng còn nghèo khó đến mức phải bày bếp than tổ ong trên hành lang, hàng ngày nấu cơm dĩa nhựa kiếm sống.

Vậy mà, cô bạn Đỗ Thu Hà của tôi, đang sống trong một chung cư tại Phú Mỹ Hưng (TP HCM), à, Phú Mỹ Hưng là "khu dân trí cao" các bạn nhé, cô ấy vừa yêu cầu trên facebook thế này:

"Các bạn làm ơn về nhắc chồng các bạn đừng hút thuốc nơi công cộng, con các bạn đừng tè trong thang máy, người giúp việc nhà các bạn đừng đổ nguyên chậu tàn hoá vàng nóng hừng hực vào họng rác, còn bản thân các bạn đừng đổ nước muối vào bản lề cửa thoát hiểm cho nó chết cứng hoặc chèn gạch cho nó không đóng lại được không?

Các bạn có thể chấm dứt trò chửi bới trên các forum kín của các bạn hoặc thôi report mách lẻo khi chúng mình cảnh báo về nguy cơ cháy nổ do thiết kế tham diện tích, tiết kiệm tiền trang thiết bị ở những toà cao ốc sang chảnh mà các bạn trót xuống tiền ôm cả sàn đợi sang tên kiếm bộn được không?"

Thôi bỏ Sài Gòn đi. Các bạn hãy đọc kỹ thông báo này, của một chung cư tại Hà Nội:

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 6.

Ngạc nhiên chưa? Ủa đâu có gì mà ngạc nhiên, chuyện bình thường ở quận mà! Hỏi bạn bè của bạn đang ở chung cư đi, một tỷ câu chuyện như vậy.

Người ta còn bày la liệt món ăn ra hành lang chung cư dịp lễ Tết, ngồi chen vai thích cánh đến là ấm áp, và phấn khởi đánh chén nâng cao tình làng nghĩa xóm. Ca ngợi một nét văn hóa cần được duy trì. Khi ai đó không hài lòng vì lối đi chung bị chiếm chỗ, chưa nói đến bít hết lối thoát nếu có sự cố thì đã vi phạm quyền sử dụng chung của dân chung cư thì bị lườm rách mắt: "Rõ loại người chẳng biết cái tình là gì!"

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 7.

À vâng nhưng mà cái tình thì trong trường hợp này, nó không mang lại an bình bằng cái lý, cư dân chung cư nhé! Bạn đang sống trong một cái hộp có hàng trăm hàng ngàn ngôi nhà chồng lên nhau lơ lửng giữa trời. Khi có sự cố, trừ phi biết bay như Peter Pan, còn không thì tuyệt đại đa số các bạn phải khi nào chân giẫm lên đất mới tin mình còn sống. Vậy thì đừng giết bản thân và giết hàng xóm vì những cái sự hồn nhiên!

Bạn Đỗ Thu Hà cư dân chung cư của tôi nói thế này: "Tai họa ở khắp nơi, nhưng nó ở trong đầu và trong tay những người hiếm ý thức sống, thiếu vắng khả năng chung sống với cộng đồng như các bạn đấy".

Từ bức ảnh gương mặt 2 em bé ám đầy khói đen: Đừng giết bản thân và hàng xóm vì những sự hồn nhiên khi sống trong chung cư - Ảnh 8.

Còn tôi, tôi nhắc các bạn: hãy kéo chuột lên trở lại và nhìn thẳng vào đôi mắt của cháu gái 4 tuổi kia, lần nữa.

Theo Hoàng Xuân

Trí thức trẻ

Trở lên trên