MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ cái "bắt tay" của Samsung với Bộ Công thương đến cách giải cho bài toán gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp Việt chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, dù bị đánh giá là rất khó khăn, nhưng vẫn có thể làm được, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Năm 2017, xuất khẩu Việt Nam đạt được kết quả rất tốt, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khối FDI chiếm đến 70% xuất khẩu. 

Việc xuất khẩu cũng bị đánh giá là không mang lại nhiều lợi ích gia tăng cho phía Việt Nam. Đây cũng là một lý do, bên cạnh chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường... được nhiều chuyên gia dùng để phản đối khối FDI, theo ông Nguyễn Văn Toàn.

Thu hút vốn FDI ở hiện tại và tương lai vẫn là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam muốn phát triển có chất lượng, bền vững, phải giải quyết được bài toán nâng cao giá trị gia tăng cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Muốn làm được điều đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước", ông Toàn cho biết. Ông cũng nói thêm rằng chỉ khi làm được như vậy, các doanh nghiệp Việt mới có thể cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các công ty nước ngoài – tức làm công nghiệp phụ trợ. Và người Việt sẽ được hưởng lợi từ những điều này.

Dẫn ra một nghiên cứu, ông Toàn cho biết Việt Nam đang tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá toàn cầu khoảng 21%, trong khi Thái Lan là 30%, Malaysia là trên 45%. Theo ông, chỉ cần Việt Nam nâng được lên bằng Thái Lan, thêm khoảng 10%, thì đã là kết quả rất tích cực. Ông cũng nhấn mạnh điều này là khó nhưng không phải không làm được.

Samsung là một trong những yếu tố, theo vị chuyên gia này, có thể thay đổi một vài cục diện.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết 4 năm trước Hiệp hội cùng Samsung tổ chức hội thảo về công nghiệp phụ trợ. Tập đoàn này khi đó trưng bày rất nhiều sản phẩm mà không một doanh nghiệp Việt nào thời điểm đó có thể làm được. Lúc đó, Việt Nam cũng chỉ có 10 vendor, cung cấp những sản phẩm không có hàm lượng công nghệ cao. Tuy nhiên đến nay, số lượng nhà cung cấp đã tăng lên thành 220, trong đó có 63 vendor cấp 1.

"Nó nói lên nỗ lực của doanh nghiệp Việt, của Samsung cũng như sự vào cuộc của các cơ quan Chính phủ", ông Toàn nói.

Bên cạnh đó, ông cũng nhận định việc mới đây, Samsung và Bộ Công thương "bắt tay" hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Nếu không có gì thay đổi, khi chương trình này kết thúc, Việt nam sẽ có 200 chuyên gia người Việt, đủ năng lực để tư vấn, đào tạo lại cho các doanh nghiệp cung ứng trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đó là những hạt nhân để đào tạo nhân rộng cho các doanh nghiệp trong cả nước, từ đó tạo sự lan toả tác động đến quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, theo ông Shim Won Hwan - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn nhận định đây là một tín hiệu tích cực mà Việt Nam không nên chỉ dừng lại với Samsung.

"Chúng ta phải áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia khác. Cần có các chính sách ưu tiên để họ làm như vậy. Cả hai bên đều có được lợi ích của mình", ông nói.

Cũng theo ông, các doanh nghiệp Việt cần phải tận dụng cơ hội khi có những tập đoàn lớn quốc tế đang hiện diện. Bởi nhiều năm trước đó, ngành công nghiệp phụ trợ, dù rất muốn phát triển, nhưng vẫn loay hoay bởi không có đầu ra. Cung cấp cho những tập đoàn này là bước đầu tiên của sản phẩm phụ trợ Việt Nam trước khi đủ khả năng lớn mạnh hơn, tham gia xuất khẩu ra nước ngoài.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên