MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ case study UOB tài trợ tín dụng xanh cho Betrimex, vì đâu giới SMEs Việt chưa thu hút được dòng vốn xanh từ các nhà băng?

20-04-2024 - 07:25 AM | Doanh nghiệp

Theo lý thuyết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mới là đối tượng thụ hưởng chính của các gói vay tín dụng xanh từ các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam. Nhưng thực tế, bởi sự thiếu minh bạch và hiểu biết, khiến nhiều DN Việt khá e ngại khi nghe đến kênh vay vốn này, nên tín dụng xanh vẫn 'chảy vào chỗ trũng' là các DN lớn thay vì SMEs.

THỊ TRƯỜNG 'TÍN DỤNG XANH' ĐANG HẾT SỨC SÔI ĐỘNG

Tín dụng xanh đang là động lực cạnh tranh mới của các ngân hàng trong và ngoài nước tại Việt Nam. Ngoài có thêm kênh để giải ngân vốn vay, thông qua các gói 'tín dụng xanh', các ngân hàng còn thể hiện được trách nhiệm xã hội, khiến việc thực hành ESG có chất lượng hơn.

Theo ông Darryl James Dong - Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam nêu cụ thể: theo ước tính của IFC, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD, theo giá trị hiện tại, cho phát triển, thích ứng và giảm nhẹ. Một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác.

Còn ông Võ Quốc Khánh - Phó Tổng giám đốc Công ty EY Việt Nam chia sẻ ở cuối năm 2023 rằng: nhu cầu cầu tín dụng xanh ở Việt Nam rất lớn. Nhưng tỷ lệ tín dụng xanh/tổng dư nợ nền kinh tế chưa đến 5%, còn các ngân hàng mới bắt đầu câu chuyện tín dụng xanh trong 5 năm gần đây. Nhìn rộng ra thế giới, thì tỷ lệ tín dụng xanh/hệ thống ngân hàng của các ngân hàng liên minh châu Âu gần 8%.

Cụ thể: năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng báo cáo về mức tín dụng xanh với quy mô khiêm tốn, nhưng cuối năm 2023 đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm.

Từ case study UOB tài trợ tín dụng xanh cho Betrimex, vì đâu giới SMEs Việt chưa thu hút được dòng vốn xanh từ các nhà băng?- Ảnh 1.

Những năm trước, tín dụng xanh thường tập trung tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo hoặc năng lượng xanh.

Trong giai đoạn đầu các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam thường ưu tiên các dự án về năng lượng xanh (điện mặt trời/điện gió), bảo vệ môi trường – xử lý rác thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên…Hiện tại, các ngân hàng đã mở rộng tệp khách hàng của mình ra các ngành cụ thể ở từng giai đoạn cụ thể: dệt may, nhựa, nông nghiệp….

Trong tất cả, HSBC, MB, BIDV là những ngân hàng tích cực hoạt động trong mảng tín dụng xanh nhất. HSBC Việt Nam có kế hoạch hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD cho thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2030. Tính đến cuối 2023,HSBC đã hỗ trợ thu xếp được 16%, tương đương gần 2 tỷ USD trong trong kế hoạch nói trên.

Năm 2020, giải ngân cho tín dụng xanh của MB đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 55 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ MB. Dự kiến đến năm 2026, có 15% tổng dư nợ cho vay (khoảng 1,3 triệu tỷ đồng) của MB là tín dụng xanh, tương đương khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Nếu so sánh với tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế tại Việt Nam cùng thời điểm cuối năm 2022 là 4,2%; thì mức độ cấp vốn cho dự án xanh của MB đang lớn hơn gấp đôi.

Gần cuối 2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng cho các DN trong ngành dệt may. Chương trình triển khai đến 30/06/2024 hoặc đến khi giải ngân hết ngân sách.

Mới nhất, UOB thông báo vừa ký kết thoả thuận tài trợ xanh cho BETRIMEX – doanh nghiệp dẫn đầu ngành dừa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên UOB hỗ trợ cấp vốn tín dụng xanh cho một DN nông nghiệp. Trước đó, UOB Việt Nam đã từng cấp tín dụng xanh cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh, tính đến quý IV/2023.

Trên toàn khu vực, danh mục tài trợ thương mại xanh của UOB đã đạt quy mô 44,5 tỷ SGD tính đến cuối năm 2023, vượt mục tiêu 30 tỷ SGD tài trợ thương mại xanh và bền vững vào năm 2025 mà ngân hàng đã đặt ra trước đó.

Từ case study UOB tài trợ tín dụng xanh cho Betrimex, vì đâu giới SMEs Việt chưa thu hút được dòng vốn xanh từ các nhà băng?- Ảnh 2.

Lãnh đạo BETRIMEX và UOB Việt Nam đang tiến hành ký hết hợp đồng tài trợ/nhận tín dụng xanh.

NƯỚC VẪN CHẢY CHỖ TRŨNG

Tuy nhiên, quan sát một vòng thị trường thì chúng ta có thể thấy, cơ hội tiếp cận tín dụng xanh của các SMEs Việt Nam vẫn còn đang rất hạn chế. Nguồn vốn tín dụng xanh của các ngân hàng vẫn chảy vào túi các DN đầu ngành, kể cả Betrimex cũng không hẳn là doanh nghiệp nhỏ. Như HSBC, họ đã rót tín dụng xanh vào Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân, Vingroup hay REE.

Giải thích cho thực trạng này, theo ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB, thì: "Hiện lãi suất ưu đãi tín dụng xanh đang thấp hơn từ 0,5 - 2% so với mức lãi suất thông thường nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng này.

Bởi bản thân các ngân hàng trong quá trình chuyển dịch xanh cũng gặp không ít khó khăn như chưa có khung pháp lý rõ ràng về danh mục phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở cho các tổ chức tài chính huy động vốn, cũng như cấp tín dụng xanh.

Ngoài ra, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay. Trong khi đó, chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn dài hạn, ưu đãi".

Vì vậy, MB đang tạm lấy tiêu chuẩn ESG là cắt giảm khí phát thải nhà kính từ 20% trở lên. Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động nhằm đánh giá doanh nghiệp xanh để cấp tín dụng xanh.

"Việc tìm đúng dự án tốt để tài trợ vốn phát triển xanh của chúng tôi cũng không dễ dàng. Chúng tôi sẽ căn cứ vào 3 P là: people – con người, planed – kế hoạch kinh doanh đúng và profit – lợi nhuận, để quyết định đầu tư hoặc không.

Chúng tôi sẽ xem xét cách DN đối xử với nhân viên – đối tác – khách hàng như thế nào, kế hoạch kinh doanh tác động lên môi trường – con người ra sao, kinh doanh có mang lại lợi ích cho các chủ thể trực tiếp và gián tiếp hay không. DN thực hành ESG phải theo tiêu chuẩn thế giới.

Việc áp dụng tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế như Fairtrade đã giúp BETRIMEX óng góp tích cực hơn cho cho môi trường và cộng đồng; đặc biệt là đảm bảo đời sống, sinh kế của người dân trồng dừa, ổn định vùng nguyên liệu, từ đó thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tạo ra giá trị kinh tế to lớn hơn. BETRIMEX đã biến những người nông dân đơn thuần trở thành nhà quản lý", ông Lim Dyi Chang - Giám đốc cấp cao Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ.

Từ case study UOB tài trợ tín dụng xanh cho Betrimex, vì đâu giới SMEs Việt chưa thu hút được dòng vốn xanh từ các nhà băng?- Ảnh 3.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch BETRIMEX

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tổng giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 900 triệu USD trong năm 2023 theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.

Cây dừa đang tạo ra nguồn thu nhập cho khoảng 390.000 hộ nông dân Việt Nam. Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu khi 1 ha dừa mỗi năm có thể lọc được 70-75 tấn CO2.

BETRIMEX là doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tại Việt Nam, với sản lượng ấn tượng gần 40 triệu lít trong năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ 10% sản lượng của họ bán trong nước, 90% còn lại đang được tiêu thụ ở 70 quốc gia. Trong những năm tới, BETRIMEX luôn đặt kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng sản xuất mỗi năm, chuẩn bị sẵn sàng đối đầu trực tiếp với các đối thủ trên thị trường quốc tế và có thể lên sàn chứng khoán trong năm 2025.

"Là một người quen thuộc với các nghiệp vụ khách hàng, chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn khi hợp tác với UOB. Khi UOB tiếp cận cùng BETRIMEX  thì việc đầu tiên mà họ làm là cùng ăn ở với nhân viên và lãnh đạo DN, để xem cách chúng tôi quản trị - vận hành kinh doanh như thế nào, sau đó họ mới quan tâm đến các chứng chỉ về ESG, tiêu chuẩn chất lượng hay khía cạnh tài chính.

Sở dĩ chúng tôi chọn đồng hành cùng UOB thay vì các ngân hàng trong nước, bởi chúng tôi muốn cho cả thế giới thấy là tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm – quản trị - ESG của BETRIMEX đã vươn tầm quốc tế. UOB có thể đồng hành với BETRIMEX trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Ngoài ra, do BETRIMEX đang có những chiến lược phát triển to lớn và dài hơi, chúng tôi sẵn sàng chào đón bất cứ nhà đầu tư hoặc tổ chức tài chính nào đến hợp tác", bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch BETRIMEX khẳng định.

Cũng theo trải nghiệm của bà Ức My, DN nông nghiệp Việt sẽ không quá khó khăn trong việc tìm kiếm tín dụng xanh; vì DN Việt vẫn đang rất xanh – chúng ta vẫn là nước nông nghiệp và chưa quá công nghiệp hóa. Nếu DN Việt làm trong mảng nông nghiệp, tất cả hoạt động kinh doanh – tài chính đều minh bạch, có thực hành ESG theo tiêu chuẩn quốc tế, thì khả năng thành công khi kêu gọi tài trợ xanh sẽ rất cao.

Vì là người trong nghề (gia đình bà chính là những sáng lập của ngân hàng Sacombank) cũng từng du học ở Úc, nên khi nhận một tập hồ sơ thật dày bằng tiếng Anh từ UOB, bà không cảm thấy hoảng sợ, mà vẫn bình tĩnh đọc và tìm kiếm những thứ hữu ích để dịch sang tiếng Việt. Ngược lại, nếu lãnh đạo DN nào đó thiếu hiểu biết và thiếu tự tin thì sẽ ngay lập tức lo lắng, nhụt chí.

Đồng quan điểm, ông Chung Tấn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM (VSPA), cũng cho rằng: "Một trong những yếu tố tăng trưởng quan trọng mà chúng tôi đã xác định với các công ty thành viên cho những năm 2024 là thu hút thêm đầu tư xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm đơn đặt hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhựa tập trung vào việc cung cấp đầy đủ và minh bạch dữ liệu để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; nhờ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Chỉ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường là chưa đủ; doanh nghiệp nhựa TP.HCM cần cải thiện báo cáo tài chính để thu hút đầu tư".

Theo Quỳnh Như

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên