MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chỗ bị coi thường, "Made in China" trở thành cụm từ khiến thế giới nể phục và đây là bí quyết của người Trung Quốc

26-01-2020 - 11:04 AM | Tài chính quốc tế

Sau rất nhiều năm cụm từ "Made in China" bị đánh giá thấp thì Trung Quốc đang trỗi dậy, kéo theo sự phát triển của smartphone, tàu cao tốc, máy bay tàng hình, mỏ đào bitcoin và những ứng dụng khác của công nghệ cao. Đằng sau đó là sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ với "Made in China 2025".

Trong phần lớn lịch sử loài người, Trung Quốc là quốc gia có tiềm lực công nghệ phát triển nhất thế giới. Lò cao được sử dụng cho luyện kim bắt nguồn từ Trung Quốc, gang cũng vậy. Những đột phá khác trong lịch sử còn có sứ và giấy. Hơn nữa, thuốc súng của Trung Quốc là nguồn gốc của những chiếc tên lửa quân sự đầu tiên trên thế giới.

Chỉ đến thời trung cổ, châu Âu mới bắt đầu bắt kịp sự khéo léo và khả năng của Trung Quốc trong những lĩnh vực này, chủ yếu là "bắt chước". Chỉ với sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ khí châu Âu và các đế chế nước ngoài, thì đến thế kỷ 18 phương Tây mới trở thành đối thủ của Trung Quốc. Ở những thế kỷ sau, bị cản trở bởi hệ thống giáo dục hạn chế, Trung Quốc mới bị "đánh bại" trong 2 cuộc chiến tranh nha phiến, sau đó trải qua sự bất ổn về dân sự và những trận chiến liên miên khiến ngành công nghệ tụt hậu. Do đó, "Made in China" chỉ còn là cụm từ bị đánh giá thấp.

Giờ đây, Trung Quốc đã trỗi dậy, kéo theo sự phát triển của smartphone, tàu cao tốc, máy bay tàng hình, mỏ đào bitcoin và những ứng dụng khác của công nghệ cao. Những quốc gia khác đang chứng kiến với sự lo lắng. Năm 2015, các nhà lãnh đạo đã công bố kế hoạch 10 năm, được rót 300 tỷ USD - "Made in China 2025", với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn, xe điện, AI (cùng nhiều ngành khác) tiên tiến hơn mọi quốc gia khác. Tuyên bố này cho thấy Trung Quốc không còn hài lòng với việc là một nhà sản xuất cho các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ - yếu tố tạo nên những căng thẳng mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi kế hoạch này gần như đi được nửa đường, thì sự xung đột ấy dường như trở nên tồi tệ hơn.

Không phải nhân tài, sự sáng tạo hay đổi mới, đây mới là yếu tố chủ chốt đừng đằng sau sự bùng nổ của công nghệ Trung Quốc! - Ảnh 1.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp và gián điệp chuỗi cung ứng công nghệ và gây gián đoạn cho công nghệ Mỹ khi ngăn chặn không cho tiếp xúc với thị trường đại lục. Bộ Quốc phòng nước này lo ngại về các động thái gián điệp vì mục đích quân sự thông qua các linh kiện có trong thiết bị điện tử của Trung Quốc. Các thượng nghị sĩ Mỹ lo ngại rằng xu hướng liên kết các loại phương tiện chưa được kết nối trước đây như tàu, ô tô với mạng máy tính sẽ giúp Trung Quốc tăng đòn bẩy địa chính trị và có thể trực tiếp điều khiển những phần khác của cơ sở hạ tầng ở các nước khác. Quan điểm của Trung Quốc lại đơn giản hơn: Mỹ đang lạm dụng tiềm lực hiện có để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc về công nghệ.

Nhiều quan điểm về những vấn đề này tập trung vào tiềm lực công nghệ của Trung Quốc và nước này còn thiếu những yếu tố gì, đi sau Mỹ ở những yếu tố gì và phần nào có lợi thế hơn Mỹ. Tuy nhiên, những yếu tố đó lại không giúp đưa ra cái nhìn chi tiết trong việc tìm hiểu tiềm lực của Trung Quốc để thúc đẩy các công nghệ mới hoặc thống trị chuỗi cung ứng, hay tiêu chuẩn để làm nền tảng cho chuỗi cung ứng. Câu hỏi quan trọng ở đây không phải là Trung Quốc có thể tiếp cận những công nghệ nào, mà là họ sẽ xây dựng khả năng tiếp cận và khả năng thúc đẩy sự phát triển công nghệ mới như thế nào.

Đây cũng là trọng tâm của bản báo cáo này. Rõ ràng, sự tương quan giữa 2 cường quốc sẽ có cái kết như thế nào là điều quan trọng. Tuy nhiên, để hiểu được, bạn cần phải hiểu rõ về công nghệ Trung Quốc theo một cách riêng. Chi tiết về quá trình đằng sau sự phát triển công nghệ của quốc gia này là yếu tố chủ chốt để đánh giá về thánh thức lâu dài đến từ sự trỗi dậy của công nghệ tại đây.

Quá trình tìm hiểu những kiến thức đó nên bắt đầu bằng việc xem xét những công nghệ cũ hơn, chẳng hạn như tàu cao tốc hay nhà máy điện hạt nhân. Việc bản địa hoá những công nghệ này gần như đã hoàn thành, các công ty Trung Quốc và doanh nghiệp nhà nước đứng sau đó đã sẵn sàng để xuất khẩu chúng ra toàn thế giới. Do đó, các công nghệ mới đại diện cho một mô hình phát triển được nhà nước lãnh đạo thành công, sự ảnh hưởng mẽ đến công dân và tác động lên nền kinh tế nhằm triển khai những ứng dụng công nghệ trên quy mô lớn.

Không phải nhân tài, sự sáng tạo hay đổi mới, đây mới là yếu tố chủ chốt đừng đằng sau sự bùng nổ của công nghệ Trung Quốc! - Ảnh 2.

Trung Quốc có lẽ là quốc gia được chính phủ kiểm soát nền kinh tế chặt chẽ nhất. Theo một phân tích thực hiện năm 2017 của OECD, khoảng 51 nghìn công ty nhà nước ở Trung Quốc sử dụng khoảng 20 triệu nhân sự và có tổng giá trị là 29 nghìn tỷ USD. Nhiều công ty tư nhân Trung Quốc cho biết rằng họ không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước và thường chịu quy định nghiêm ngặt về việc vay vốn. Khả năng của chính phủ trong việc đảm bảo sự thành công của công nghệ không bao giờ bị giới hạn đối với việc tài trợ, mà nhà nước còn đảm nhiệm trọng trách phòng ngừa rủi ro, ngăn cản tâm lý chống đối và chi tiền cho cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, có 2 yếu tố khác dần trở nên quan trọng hơn quyền lực của nhà nước để trở thành động lực cho sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Thứ nhất là vị thế mà các công ty của họ có trong nhiều chuỗi cung ứng lớn nhất thế giới, điều này cho phép họ dễ dàng tiếp cận với những bí quyết về công nghệ. Là công xưởng của thế giới, Trung Quốc - đặc biệt là khu vực Châu thổ sông Châu Giang, họ hiểu được cách lắp ráp, chế tạo và mang đến một sản phẩm hoàn thiện nhanh nhất có thể.

Lợi thế về địa lý này giải thích tại sao những công ty sản xuất smartphone thành công nhất thế giới được thành lập kể từ năm 2010 đều có trụ sở quanh Thâm Quyến (dù không phải tất cả đều là công ty nhà nước). Sự thành công của họ cũng lan sang những thị trường mới, dựa trên những linh kiện tương tự. Thị trường máy bay không người lái (drone) cũng được "thống trị" bởi Trung Quốc, vì về cơ bản đây là những chiếc điện thoại có cánh quạt.

Thứ hai, quy mô và đặc thù của thị trường Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy sự đổi mới theo cách riêng của họ. WeChat Pay và Alipay đã xuất hiện và chiếm ưu thế tại đây khi nhiều thẻ thanh toán chưa thực sự phổ biến, theo đó các thành phố Trung Quốc đang phát triển theo hướng không tiền mặt. Nhu cầu kiểm soát của chính phủ đã kích thích sự phát triển của cả một ngành công nghệ machine-learning phục vụ cho các dịch vụ bảo mật. Phương Tây không hề ưa chuộng những ứng dụng của các công ty AI Trung Quốc, nhưng họ không thể phủ nhận quy mô trong tham vọng của quốc gia này.

Không phải nhân tài, sự sáng tạo hay đổi mới, đây mới là yếu tố chủ chốt đừng đằng sau sự bùng nổ của công nghệ Trung Quốc! - Ảnh 3.

Không phải mọi đặc thù trong hệ thống của Trung Quốc lại mang đến lợi ích. Sự hỗ trợ của nhà nước thường dành cho những công ty hoặc ngành công nghiệp hoạt động dựa trên yếu tố phi thương mại. Ở "chiến trường" sản xuất chất bán dẫn đầy khốc liệt, chính sách đầu tư của Bắc Kinh phần lớn dựa vào việc theo đuổi những phân khúc có giá trị cao nhất của chuỗi cung ứng, bằng cách bơm tiền cho "phiên bản" Trung Quốc của các công ty nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp ngành bán dẫn thực sự sáng tạo và hoạt động hiệu quả đôi khi lại bị bỏ quên.

Tìm hiểu về sự phát triển công nghệ của Trung Quốc không chỉ cho thấy những chi tiết về đất nước này, mà còn là xu hướng toàn cầu. Một số đã là điều hiển nhiên, như việc các chính trị gia Trung Quốc muốn có năng lượng hạt nhân hay sinh vật biến đổi gen, thì họ sẽ có được chúng.

Một số xu hướng lại khó có thể nhận thấy hơn. Sự thất bại của Trung Quốc trong việc bắt kịp các công nghệ như động cơ đốt trong, hàng không dân dụng và chất bán dẫn cho thấy việc tạo ra những cơ chế phức tạp nhất khó khăn như thế nào. Ngay cả một nền kinh tế hùng mạnh như Trung Quốc cũng không thể bắt kịp một số khả năng đổi mới ở những nơi khác.

Yếu tố đang "treo lơ lửng" đối với sự phát triển công nghệ của Trung Quốc hiện tại là tiềm năng đối với những công nghệ mới nhằm tăng cường, củng cố tiềm lực, và trở thành mối đe doạ với vị trí dẫn đầu của Mỹ. Dẫu vậy, đây không phải là vấn duy nhất đối với họ. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng dân số già, ô nhiễm môi trường và kinh tế giảm tốc. Những điểm mạnh và điểm yếu trong nỗ lực giải quyết những vấn đề này về mặt công nghệ sẽ mang đến những bài học cho các quốc gia khác ở trong bối cảnh tương tự, và đối với những quốc gia không chỉ coi Trung Quốc là đối thủ mà thậm chí là một thị trường phức tạp.

Đối với những quốc gia muốn cùng tồn tại với Trung Quốc, những điểm yếu của họ cho thấy những địa điểm đầu tư tiềm năng. Còn với những quốc gia muốn hạn chế hoặc giảm bớt tiềm lực công nghệ của Trung Quốc, thì việc hiểu về điểm mạnh và điểm yếu là rất quan trọng.

Tham khảo Economist

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên