Từ chỗ có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất bất ngờ lọt top các nước tiêm vaccine thành công nhất thế giới, điều kỳ diệu gì đã xảy ra với quốc gia này?
Tháng 5/2020, cả thế giới bất lực khi chứng kiến Covid-19 oanh tạc qua từng nước. Nhưng Chile, họ đã sớm có kế hoạch của mình.
- 21-02-2021Thất nghiệp vì dịch Covid-19, các đầu bếp vẫn tạo ra những ổ “bánh mì yêu nước” miễn phí cho người nghèo ở Đà Nẵng
- 20-02-2021Cả thế giới đang bỏ quên Cuba, một "cao thủ" vắc-xin trong đại dịch COVID-19
- 20-02-2021Nguyên nhân khiến một số người trở thành bệnh nhân siêu lây nhiễm COVID-19
Đó là thời điểm cuối tháng 5/2020. Cả thế giới khi đó gần như bất lực chứng kiến Covid-19 oanh tạc từ đất nước này sang quốc gia khác - thứ sau này được gọi là "làn sóng dịch bệnh đầu tiên". Bắt đầu từ Trung Quốc, rồi Ý, Anh, và nhiều thành phố tại Mỹ lần lượt trở thành những điểm nóng của dịch bệnh. Sau mùa xuân, dịch bệnh tấn công dần xuống Nam Mỹ.
Đến ngày 27/5, Chile - cùng với Peru - trở thành 2 quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới trong thời gian 7 ngày - theo số liệu của OWID (website thống kê độc lập của ĐH Oxford, Anh). Chile nhanh chóng vượt mốc 80.000 ca nhiễm, với hơn 800 ca tử vong.
Nhưng 9 tháng sau đó, Chile hiện tại đang ở một vị thế khác. Trong khi một số quốc gia Mỹ Latin như Nicaragua chưa được tiếp cận mũi vaccine nào, đất nước 19 triệu dân đã nhận được hơn 1 triệu liều vaccine vào ngày 9/2/2021. Con số sẽ lên 2 triệu vào ngày 22/2 tới đây, và tốc độ miễn dịch của người dân cũng nhanh chóng được cải thiện.
Với tỉ lệ 12,43 trên 100 người, Chile hiện đang là đất nước có tỉ lệ tiêm chủng trên đầu người đứng thứ 5 thế giới, chỉ sau Israel (79,48), UAE (53,43), Anh (24,3) và Mỹ (17). Họ thậm chí còn làm tốt hơn nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU - 5,19) và Trung Quốc (2,82), đồng thời hơn Brazil - đất nước Mỹ Latin có tỉ lệ cao thứ 2 (2,77) tới hơn 4 lần.
Điều kỳ diệu gì đã xảy ra?
Để lật ngược tình thế thảm họa, chính phủ Chile đã quyết định dồn toàn lực để có được vaccine, loại nào cũng được. Đến nay, Chile đã thu xếp mua được 35,7 triệu liều, nghĩa là họ có đủ khả năng tiêm chủng cho hơn 90% dân số.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Chile - Tiến sĩ Enrique Paris, đất nước hiện đang tiếp nhận 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNtech, cùng 10 triệu liều của Sinovac. Sau đó, họ đạt được thỏa thuận tham gia chương trình Covax (của WHO), hợp tác thêm với Johnson & Johnson và Astrazeneca để có được con số 35,7 triệu.
Bác sĩ Elmer Huerta, chuyên gia chính sách y tế tại Mỹ Latin cho biết chiến dịch của Chile đã thành công. "Họ (Chile) đã không ngần ngại ký hợp đồng với các nhà sản xuất vaccine, từ Sinovac, Pfizer tới AstraZeneca. Mấu chốt nằm ở chỗ Chile sớm nhận ra sự cần thiết của việc ký với nhiều hơn một nhà cung cấp. Hiện tại ở Mỹ Latin, Chile nằm ở vị thế rất tốt để ký kết, và điều đó giúp họ có lợi thế," - Huerta nhận định.
Niềm tự hào của quốc gia
Nhà chức trách Chile thời gian gần đây đang cực kỳ bận rộn, tìm cách biến mọi địa điểm công cộng họ có trở thành trung tâm tiêm chủng. Như tại ĐH Công giáo Chile ở Santiago, khu vực vốn dành cho sinh viên chơi đùa đã được chuyển cơ sở y tế, và là một trong số rất nhiều trung tâm tiêm phòng Covid-19 của đất nước này.
Gabriela Valderrama, một cư dân tại Santiago đã được tiêm mũi đầu tiên tại ngôi trường này. Cô mô tả quy trình là cực kỳ ấn tượng và được điều hành rất tốt.
Không chỉ trường học và tòa nhà chính phủ, rất nhiều cơ sở tiêm vaccine lưu động đã được mở ra, như ở trung tâm thương mại hoặc sân vận động bóng đá.
"Một mặt là mua vaccine và khiến nguồn vaccine trở nên dễ tiếp cận, mặt khác là làm sao để tiêm được cho người dân. Đó là vấn đề công tác vận chuyển đối mặt. Chile sở hữu hệ thống phân phối và chương trình tiêm chủng rất tốt. Đất nước đã mở ra các trung tâm tiêm phòng ở những nơi chiến lược - gần và thuận tiện," - trích lời tiến sĩ Huerta.
Edgardo Cruz (71 tuổi), cư dân tại Santiago cũng được tiêm ở đó. Ông cho biết bản thân cảm thấy rất tự hào vì những gì đất nước đã làm được.
"Giờ chúng tôi là hình mẫu của quốc tế. Tôi nghĩ việc mua vaccine từ tháng 5 năm trước đã mang lại thành quả," - Cruz nói. Các thông điệp về giãn cách xã hội và sử dụng khẩu trang cũng được thống nhất rất tốt tại Chile.
Trong khi các quốc gia khác đang gặp nhiều khó khăn để quyết định đối tượng được tiêm vaccine sau những người tuyến đầu chống dịch, nhà chức trách tại Chile có những sắp xếp rất rõ ràng. Sau tuyến đầu, họ sẽ tập trung vào người cao tuổi, giáo viên, dược sĩ, cảnh sát...
Việc sở hữu dân số với quy mô khá nhỏ (19 triệu) cũng là một lợi thế không nhỏ. Nghĩa là mỗi mũi vaccine được tiêm sẽ giúp họ tới gần hơn mục tiêu miễn dịch cộng đồng cho toàn quốc. Đây là điều mà những nước như Brazil, Trung Quốc hay khối EU sẽ không thể có trong một sớm một chiều.
Bộ Y tế Chile đặt mục tiêu tiêm chủng cho 5 triệu người vào cuối tháng 3/2021, và đạt tỉ lệ tiêm chủng tới 4:5 sau nửa năm.
Nguồn: CNN
Pháp luật và Bạn đọc