MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chức có là gì so với nỗi đau, sự mất mát, thưa Bộ trưởng?

05-01-2017 - 15:25 PM | Xã hội

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm và cả từ chức nếu dự án théo Cà Ná xảy ra hệ lụy xấu. Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, không thể lấy chính “niềm tin nhân dân” đặt lên bàn cân cùng với quyền lợi chính đáng của người dân, với môi trường dân sinh.

Là người từng trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Công Thương về dự án thép Cà Ná tại diễn đàn Quốc hội, qua theo dõi báo chí việc trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về Dự án thép Cà Ná vừa qua, theo nhìn nhận của đại biểu Hiền là bộ trưởng muốn tạo sự tin tưởng và khẳng định trách nhiệm với vai trò là một tư lệnh ngành đối với một dự án công nghiệp đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên, đại biểu Hiền cho rằng, vì đây là dự án chưa được phê duyệt và hiện vẫn đang tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học. Trước đó, các nhà khoa học, các chuyên gia về kinh tế cũng đã đưa ra các luận điểm, phản biện đầy quan ngại về vấn đề môi trường, về nguồn vốn, về công nghệ...

“Bản thân của bộ trưởng cũng chia sẻ rằng “thời điểm này chưa thể nói đến bất kì một chi tiết nào về dự án, chưa thể nói là dự án “oan nghiệt” hay có hiệu quả, vì như vậy là võ đoán”. Vậy thì việc Bộ trưởng khẳng khái, quyết liệt bảo vệ một Dự án bất chấp sự phản đối của chuyên gia, người dân thì có vội vàng quá không, có dễ dãi quá không, có trách nhiệm không?”, đại biểu Hiền nêu.

Cũng theo đại biểu đoàn Phú Yên, qua sự cố môi trường do Fomosa gây ra, chúng ta thấy rất rõ rằng khi một thảm họa xảy ra, việc quy trách nhiệm cá nhân hay tập thể lãnh đạo cũng không thể bù đắp cho sự mất mát của nhân dân. Thiệt hại, tổn thất đều là người dân gánh chịu đầu tiên.

“Khi một dự án còn gây nhiều tranh cãi, mà việc lường trước những hệ lụy đã được các nhà khoa học phản biện, lập luận có cơ sở, người dân phản đối vì đã có bài học nhãn tiền thì không thể gọi đó là sự “mường tượng” được. Càng không thể mang chức danh Bộ trưởng để cam kết bảo lãnh cho một dự án chưa rõ ràng của một tập đoàn kinh tế tư nhân, để mặc cả với môi trường dân sinh.

Việc từ chức hay chịu trách nhiệm trước pháp luật có là gì so với nỗi đau, sự mất mát mà đất nước phải gánh chịu, người dân phải nhận lãnh. Bộ trưởng và Bộ Công thương còn có nhiều việc để làm, chứ không chỉ sống chết gì phải làm thép cho bằng được”.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền.

“Chiếc ghế” Bộ trưởng có thể là sinh mệnh chính trị của cá nhân Bộ trưởng, nhưng chức danh Bộ trưởng là do Chính phủ giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn, mà Quốc hội là do dân bầu ra, là niềm tin của nhân dân dành cho.

Đó không phải là một chức danh dễ dàng mang ra đánh cược với sự phát triển kinh tế của đất nước khi mà nền kinh tế của Việt Nam chưa đủ sức để làm công nghiệp nặng, không thể lấy chính “niềm tin nhân dân” đặt lên bàn cân cùng với quyền lợi chính đáng của người dân, với môi trường dân sinh.

Việc từ chức hay chịu trách nhiệm trước pháp luật có là gì so với nỗi đau, sự mất mát mà đất nước phải gánh chịu, người dân phải nhận lãnh. Bộ trưởng và Bộ Công thương còn có nhiều việc để làm, chứ không chỉ sống chết gì phải làm thép cho bằng được”, bà Hiền thẳng thắn nêu quan điểm.

“Tôi rất mong, Bộ trưởng muốn tạo dựng niềm tin của người dân về dự án này, thì hãy tiếp tục bình tĩnh lắng nghe, tiếp thu và tư duy tích cực những phản biện tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước, với người dân của các chuyên gia. Càng vội vàng thì càng trả giá đắt”, đại biểu khuyến cáo.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên