MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chuyển sản xuất ô tô về Mỹ đến làm thép ở Việt Nam

Chuyển sản xuất ô tô về Mỹ thay vì Mexico, tân Tổng thống Mỹ cam kết sẽ xem xét lại một số quy chế về môi trường quá mức bởi nước Mỹ đang cần việc làm. Còn tại Việt Nam, câu chuyện “làm thép” cũng có những điểm tương tự.

Ngày 24/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với 3 tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ (General Motors, Ford và Fiat Chrysler) để thảo luận và thúc đẩy mục tiêu: tăng cường đầu tư của các công ty này để sản xuất tại Mỹ (thay vì Mexico) cho lượng ô tô tiêu thụ tại Mỹ. Về phía chính phủ, Trump cam kết sẽ dùng chính sách thuế và xem xét lại các chế tài trong đó có qui chế về môi trường đang làm cho việc sản xuất ô tô tại Mỹ không cạnh tranh (giá thành cao).

Cam kết này của Trump khi được đăng tải trên tờ The New York Times gây ra nhiều tranh cãi, mà đa số là những lo ngại về vấn đề môi trường. Bình luận về sự kiện này, trên trang cá nhân, ông Trần Vũ Hoài – một doanh nhân có thời gian làm việc nhiều năm với các tập đoàn Mỹ, cho rằng rất ít người nhìn nhận cuộc thảo luận theo đúng bản chất của nó… Doanh nhân hiện là Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại Tập đoàn Unilever Việt Nam, dẫn bình luận của một chuyên gia bảo vệ môi trường ở Mỹ nhưng bảo vệ Trump: “Cái mà Trump và 3 công ty đang nói tới là việc tháo bỏ những những chế tài quá mức (over-regulation), trong đó có chế tài môi trường, hiện đang làm cho việc sản xuất ô tô tại Mỹ không cạnh tranh, khiến họ mang đầu tư sang Mexico và nước ngoài”.

Ông Trần Vũ Hoài cũng nhận định thêm là cách thảo luận của nhiều người ở Mỹ về vụ ô tô cũng tương tự như kiểu bình luận về chuyện chính sách cho “làm thép” ở Việt Nam của cư dân mạng – điều mà hầu hết đều không biết rõ ràng.

Nước Mỹ đã thay đổi

Trên thực tế, không riêng gì ngành sản xuất ô tô, đã từ lâu các nhà máy được di chuyển ra khỏi nước Mỹ không chỉ vì lợi thế nhân công hay nguyên nhiên vật liệu rẻ hơn ở nước khác. Một lý do khác là nước Mỹ luôn có những yêu cầu rất cao để bảo vệ môi trường từ thuế phí đến các tiêu chuẩn kĩ thuật khác. Trước thời ông Trump, mỗi năm Chính phủ Mỹ chi 45 tỉ USD ngân sách cho môi trường và các quy định môi trường, thông qua 269 chương trình do 28 cơ quan liên bang phụ trách. Chỉ trong 8 năm qua, quy định của các chương trình này đã khiến khu vực tư nhân tiêu tốn 64 tỉ đôla.

Chưa rõ ông Trump sẽ điều chỉnh bao nhiêu trong số các quy định này và có thật là ảnh hưởng đến môi trường nước Mỹ như một số người gọi là “lo lắng thái quá” hay không. Tuy nhiên có một bài học cần nhắc lại là các quốc gia luôn phải cân nhắc bài toán đánh đổi giữa chất lượng môi trường và hiệu quả sản xuất. Các nước đang phát triển thường lựa chọn hạ thấp các tiêu chuẩn môi trường để ưu tiên thu hút đầu tư.

Nước Mỹ, theo chiến lược của ông Trump hiện giờ cần việc làm. Đó không hẳn là quay lại, nói đúng hơn là sự chuyển hướng. Chính sách của Trump là mang việc làm về Mỹ và phải bỏ đi những cái quá mức khiến cho Mỹ không còn cạnh tranh, mang người ta đến với thế giới thực.

Những tranh luận về ngành sản xuất ô tô của Mỹ dẫn chúng ta đến một câu chuyện nổi bật năm qua của ngành thép Việt: Có nên làm thép hay không? Và nếu làm thì đâu là thế giới thực của ngành sản xuất thép?

Thế giới thực của ngành sản xuất thép tại Việt Nam

Cú sốc môi trường mà Formosa gây ra ở miền Trung năm qua dễ khiến người ta có ác cảm với ngành thép mà quên đi mất một thực tế là năm nào Việt Nam cũng nhập siêu thép (năm 2016, nhập siêu các sản phẩm thép lên tới 7 tỷ USD).

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô. Nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô. Nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn

TS Trần Du Lịch, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng cho rằng, một đất nước không làm thép, làm cơ khí tốt sẽ không đi lên công nghiệp hóa được. Vấn đề quan trọng là có sự cạnh tranh lành mạnh dưới một cơ sở pháp lý bình đẳng, minh bạch.

Như vậy, bức tranh ngành thép Việt Nam nói chính xác hơn là vừa thừa vừa thiếu. Việt Nam thiếu “thép sạch”, “thép tốt” và “thừa” những loại thép như Formosa. Và vấn đề là chúng ta làm thế nào để làm làm thép sạch và đảm bảo chất lượng?

Dù làm gì thì cũng cần phải nhớ bài học “đánh đổi”, thép Việt không giống như ô tô Mỹ. Dù muốn hay không sản xuất thép vẫn là một trong những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao bên cạnh dệt nhuộm, giấy, nhiệt điện và than.

Câu chuyện xây dựng những nhà máy thép ở Việt Nam không hẳn giống với việc chuyển ngành sản xuất ô tô về Mỹ. Tuy nhiên, cả hai đều dẫn tới chung một góc nhìn rất thực, nước Mỹ cần việc làm và Việt Nam vẫn cần thép!

Bùi Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên