Từ "cõi chết" trở về, sinh vật tưởng tuyệt chủng vẫn sống tốt, khỏe mạnh
15 năm sau khi bị liệt vào danh sách tuyệt chủng, sinh vật này mới được "giải oan".
- 25-08-2023Sinh vật tí hon hứa hẹn giải mã bí ẩn lớn nhất lịch sử ngành hàng không khiến 239 người biến mất không dấu vết
- 29-07-2023Sinh vật tuyệt chủng sống dậy sau 46.000 năm đóng băng ở Nga
- 31-05-2023Sinh vật lớn cỡ 200 km2 nắm giữ “thuốc giải” đặc trị biến đổi khí hậu mà nhiều quốc gia mơ ước
Một loài cá được cho là đã tuyệt chủng cách đây 15 năm đã khiến các nhà khoa học ngạc nhiên sau khi được tìm thấy đang sống khỏe mạnh trong tự nhiên.
Sự tuyệt chủng tạm thời của cá Houting
Houting, một loài cá sống ở các cửa sông Biển Bắc - vùng biển cổ trên thềm lục địa châu Âu - được chính thức xếp vào danh sách tuyệt chủng vào năm 2008 trong Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Houting, được biết đến với tên Latin là Coregonus oxyrinchus, là một loài cá trắng nhỏ từng bơi ở sông suối khắp châu Âu.
Loài cá Houting chính thức công nhận là tuyệt chủng vào năm 2008. Hình ảnh này được tạo ra vào năm 1785. Ảnh: Schmidt, F. G/Wikimedia Commons
Vào giữa thế kỷ 20, khi nghề cá phát triển và môi trường sống thay đổi, Houting không còn xuất hiện các con sông, khiến nhiều người tin rằng nó đã biến mất vĩnh viễn.
IUCN sau đó đã xếp loài cá này vào danh sách tuyệt chủng - một hiểu lầm mà 15 năm sau các nhà khoa học mới vỡ lẽ.
Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu từ Đại học Amsterdam (Hà Lan) và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) đã trích xuất DNA từ nhiều mẫu Houting được bảo tồn trong bảo tàng, có niên đại lên tới hơn 250 năm tuổi.
Tiếp theo, họ so sánh DNA của những con cá Houting trong bảo tàng này với DNA từ nhiều loài anh chị em của nó hiện đang tồn tại, trong đó có loài cá trắng châu Âu (Coregonus lavarretus).
Cá trắng châu Âu (Coregonus lavaretus) là loài cá nước ngọt phổ biến ở châu Âu, thường được gọi là Lavaret hoặc Whitefish Ảnh: Federica Grassi/Getty Images
Kết quả, các nhà sinh vật học hầu như không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt di truyền nào giữa cá Houting và loài cá trắng châu Âu. Chúng giống nhau về mặt di truyền đến mức chúng có thể được coi là một phần của cùng một loài.
Trong phần kết luận của nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí BMC Ecology and Evolution , các nhà khoa học đã mô tả cách họ phân lập DNA ty thể từ cá.
Cuối cùng, tất cả các mẫu của loài cá Houting được kiểm tra đều xếp vào cùng nhóm với cá trắng châu Âu (Coregonus lavarretus).
Tác giả nghiên cứu Rob Kroes thuộc Đại học Amsterdam nhận xét: "Cá trắng châu Âu khá phổ biến ở Tây và Bắc Âu, cả ở sông hồ nước ngọt, cửa sông và biển.
Bởi vì chúng tôi không tìm thấy sự khác biệt về loài giữa loài cá Houting trong quá khứ và cá thịt trắng châu Âu ngày nay, nên chúng tôi không coi loài cá Houting này đã tuyệt chủng".
Vậy, tại sao cá Houting bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2008?
Rob Kroes giải thích: "Thường xảy ra sự nhầm lẫn về việc một số loài động vật có phải là cùng một loài hay không. Đặc biệt là cá. Chúng thường có nhiều biến đổi về đặc điểm hình thái trong một loài.
Một hình ảnh cho thấy một con cá trắng. Houting, một loài cá trắng được cho là đã tuyệt chủng, thực chất là cùng loài với một loài phong phú có tên là cá trắng châu Âu, hiện vẫn sinh sôi và phát triển trong tự nhiên. Ảnh: ISTOCK / GETTY PLUS
Trong trường hợp này, các nhà sinh vật học từ lâu đã cho rằng cá Houting là một loài khác với cá thịt trắng châu Âu do chiều dài của mõm và số lượng mang của chúng.
Nhưng những đặc điểm này không phù hợp để nói rằng Houting là một loài khác. Nghiên cứu DNA của chúng tôi hiện đã chứng minh điều đó".
Sau phát hiện này, các nhà khoa học sẽ tiến hành đổi tên Latin cho loài cá Houting này. Tuy nhiên, việc đổi tên vẫn cần nghiên cứu kỹ thêm trước khi công bố chính thức.
Như vậy, không phải Houting đã tuyệt chủng, chỉ là môi trường sông ngòi mà chúng ưa thích trước đây không còn phù hợp nữa và chúng đã đi đến nơi khác sinh sống. Chính xác hơn, chúng chưa bao giờ tuyệt chủng ngay từ đầu.
Nguồn: Scitechdaily, Newsweek
Báo Giao thông