MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ cuộc đua tranh của "chiếc khiên" Messi và "thanh kiếm" Ronaldo: Bài học dụng quân cũ kỹ của người lãnh đạo sẽ hủy hoại cả Teamwork

22-06-2018 - 11:14 AM | Sống

Đi sai một nước cờ, có thể thua cả trận cờ.

Đứng trước nguy cơ phải chia tay sớm Worldcup 2018 ngay từ vòng bảng sau thảm bại 0-3 trước Croatia, Argentina đã gây nên cơn sửng sốt trong làng túc cầu. Một lần nữa, thiên tài bóng đá Lionel Messi lại được đưa lên bàn cân so sánh với Cristiano Ronaldo, giống như cách họ (bị coi) là kỳ phùng địch thủ với nhau suốt hơn chục năm qua.

Sự "im thin thít và lặn mất tăm" của M10 hay lối chơi bùng nổ của CR7 có vai trò cầm chịch trận đấu như thế nào, tôi sẽ không bàn tới, bởi vấn đề này, các chuyên gia bóng đá có cái nhìn sâu sắc và trình độ hơn nhiều. Ở cương vị là một độc giả, tôi chỉ đặt câu hỏi: Tại sao cùng đối diện với một vấn đề về sự tôn sùng cá nhân trong đội tuyển, nhưng các đời HLV gần đây của Argentina sử dụng Messi lại thua hoàn toàn so với Fernando Santos - HLV của Bồ Đào Nha đã sử dụng Ronaldo?

BLV bóng đá Dũng Phan cắt giải rất thú vị: "Dường như không khó để tìm ra câu trả lời: Messi ở Argentina là "khiên", còn đồng đội của anh là "thân". Một chiếc khiên đồng bảo vệ 10 người núp sau.

Trong khi đó, Ronaldo ở Bồ Đào Nha là "kiếm", đồng đội của anh là "bao". Giống như 10 người là chiếc vỏ bao để che chở Ronaldo, còn CR7 sẽ là thanh kiếm được tuốt ra khỏi bao để tiêu diệt đối thủ."

Trung vệ Pepe của Bồ Đào Nha nói rằng: "Chúng tôi luôn muốn Ronaldo hạnh phúc", còn tiền đạo Sergio Aguero của Argentina lại bảo: "Đá ở Argentina rất dễ".

Hai phát biểu đã chứng tỏ hai kiểu dụng binh khác nhau hoàn toàn. Cho nên chuyện chúng đưa đến hai kết quả khác nhau hoàn toàn về Messi và Ronaldo ở cấp ĐTQG là điều có thể dự đoán".

Từ cuộc đua tranh của chiếc khiên Messi và thanh kiếm Ronaldo: Bài học dụng quân cũ kỹ của người lãnh đạo sẽ hủy hoại cả Teamwork - Ảnh 1.

Trong khi Messi ở Argentina thất bại liên tục, thì thành công liên tục đến với Ronaldo tại Bồ Đào Nha. Nhưng đối diện với tình cảnh đó, HLV Jorge Sampaoli có vẻ như vẫn không thay đổi chiếc "khiên". Bằng chứng là ngay sau cú bầm dập trước Croatia, thuyền trưởng của Argentina đã phát biểu trước truyền thông: "Messi không thể đưa đội bóng đến chiến thắng vì Argentina như đám mây che phủ tài năng của cậu ấy. Đóng góp của Leo bị hạn chế vì đội bóng không thể kết dính với cậu ấy theo cách cần thiết".

Các đời HLV của ĐT Argentina gần đây khi nhận nhiệm vụ chỉ có một mục tiêu: tạo mọi điều kiện cho Messi tỏa sáng. Họ chưa bao giờ để ý đến phần còn lại. Rõ ràng, không nghi ngờ gì, thất bại của Argentina bắt nguồn từ thuật dụng binh của các nhà chiến lược.

Nhưng đó, không chỉ là chuyện sân cỏ.

Hầu hết, khi làm việc, mỗi chúng ta đều sẽ gặp những cá nhân giỏi giang, vượt trội. Họ được đánh giá là "con át chủ bài" của team, là linh hồn của các jobs, là "người ghi bàn" quyết định trên các cuộc đàm phán quan trọng. Lẽ dĩ nhiên, trọng trách trên vai họ nặng hơn những người bình thường khác. Vấn đề then chốt nằm ở nhà quản lý, ở các ông "sếp", đó là cách tổ chức, kết dính "con át chủ bài" này với các cá nhân khác tạo nên một tập thể đồng thuận, sắc bén. Đừng quên, một lá bài không thể tạo nên một ván bài.

Khi làm việc, bất cứ ai cũng hi vọng bản thân phát huy hết khả năng trong công việc, như vậy vừa có thể nhận được thù lao nhiều hơn, lại vừa được lãnh đạo và đồng nghiệp công nhận, tôn trọng. Nếu người cầm quân tạo điều kiện cho các chiến binh của mình có cơ hội phát huy khả năng của mình, thì sẽ khích lệ được tính tích cực và chủ động của họ. Tất cả cùng bỏ công bỏ sức tư duy, tổ chức, vận hành, rõ ràng tốt hơn việc một cá nhân động não và nai lưng thực hiện.

Việc dồn gánh nặng lên một cá nhân duy nhất chỉ gia tăng áp lực chứ không thể tạo kết quả tốt. Vô hình chung, những người đứng sau cá nhân tài năng kia tự cảm thấy vị trí của mình không quan trọng nên chỉ gắng làm "tròn vai" là làm nền cho ngôi sao duy nhất tỏa sáng. Đó chính là điều tối kị trong teamwork.

Herry Ford từng nói: "Đến với nhau là một sự khởi đầu, song hành cùng nhau là sự tiến bộ, làm việc cùng nhau là sự thành công" để nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác trong bất kỳ một tổ chức nào. Và vị CEO huyền thoại của Apple, Steve Jobs cũng đã nhắn gửi: "Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nhưng nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau". Bóng đá hay công việc, bạn không thể đi một mình.

Theo Mục

Trí thức trẻ

Trở lên trên