Từ cuộc ly hôn của bà Diệp Thảo và ông Nguyên Vũ: Hạnh phúc thường bắt đầu trong gian khó, nhưng lại tan vỡ khi ta sắp chạm đến cái viên mãn của cuộc đời
Mưa trở thành bão, thảo nguyên hóa chiến trường, cuộc hôn nhân của bà Diệp Thảo và ông Nguyên Vũ rốt cục đã "trật bánh" ở đâu?
- 22-02-2019Cứ bảo “tiền nhiều để làm gì” khi hôn nhân thất bại, nhưng Bill Gates và Mark Zuckerberg đã chứng minh: Giàu đến mấy cũng có thể hạnh phúc, quan trọng là phải nhớ những nguyên tắc này!
- 22-02-2019"Tiền nhiều để làm gì...": Đàn ông sợ vợ bỏ vì nghèo, phụ nữ sợ chồng bỏ khi giàu, làm sao để hôn nhân đừng tan vỡ vì tiền?
Những ngày qua, cuộc kiện tụng của hai vợ chồng Lê Hoàng Diệp Thảo và Đặng Lê Nguyên Vũ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên trở thành tâm điểm khi tình hình ngày càng trở nên căng thẳng.
Nhiều người cảm thấy háo hức, ra sức tranh luận, chia phe và ủng hộ người mình cho là đúng. Người cảm thấy ngán ngẩm vì cứ như đang xem một bộ phim truyền hình Hong Kong dài tập đầy tính drama và sặc mùi tiền. Riêng bản thân tôi, lại cảm thấy buồn cho họ.
Là một người chưa trải qua hôn nhân, nhưng lại sống trong một gia đình khiếm khuyết vì bố mẹ ly hôn từ nhỏ; đối với tôi, tình cảm gia đình thật sự là thứ khó nắm bắt, huống hồ là gìn giữ. Người ta từng ngưỡng mộ cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm của ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo, với 4 đứa con và một thương hiệu quốc sản đáng ngưỡng mộ. Nhưng rồi thì sao, chẳng ai ngờ đến một ngày cả hai lại đứng trước tòa, chỉ thẳng mặt nhau để nói những câu đầy hằn học xoay quanh hai chữ "gia tài".
Cách đây khoảng một năm, bài phỏng vấn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng khiến dư luận rung động vì lần đầu tiên, công chúng có cảm giác được bước vào bên trong lâu đài tâm tư của bà chủ cà phê Trung Nguyên, sau tin đồn rạn nứt của vợ chồng từ rất lâu trước đó. Phải nhấn mạnh là "rung động", vì khác hẳn sự "rúng động" của bây giờ, bà Thảo cách đây một năm nói về chồng mình bằng tình yêu và sự bao dung của một người vợ.
Bà Thảo gần như nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của công chúng khi phải gồng gánh gia đình, tự trở thành trụ cột của mái ấm với bốn đứa con trong khi chồng mình đột nhiên biến thành một con người khác sau 49 ngày tuyệt thực. Nhiều người lúc đó chỉ trích ông Vũ bạc bẽo, thay lòng, thậm chí là kì quặc vì bỏ bê vợ con dù bản thân vô cùng khỏe mạnh.
Thế nhưng trong suốt phiên tòa hôn nhân và phân chia tài sản gia đình họ những ngày qua, dư luận đã rẽ thêm nhiều hướng, trong đó có không ít người đứng về phe ông Vũ. Đã có quá nhiều thông tin về những phiên tòa, những lời đôi co, những câu nói đầy chua chát được nhồi vào đầu dư luận. Ai sai, ai đúng thì mỗi người đều có một cách nhìn. Còn tôi, điều khiến tôi buồn không chỉ vì chính tay họ đã làm tan vỡ một tổ ẩm. Tôi buồn vì đáng ra họ phải hạnh phúc hơn cả những gì mọi người từng nghĩ.
"Diệp Thảo" và "Nguyên Vũ" đều là những cái tên không đại trà, chẳng những thế nó còn mang một duyên nợ. Một người là cỏ xanh, một người là mưa đầu mùa. Mưa đến mang theo sự sống, khiến cỏ sinh sôi và trở thành một cánh đồng xanh ngát. Có thể nói Trung Nguyên chính là hiện thân của "thảo nguyên xanh" mà hai người họ đã kết tinh với nhau.
Tôi vẫn nhớ cái cảm giác bồi hồi pha một chút ngưỡng mộ khi đọc những dòng bà Thảo kể về mối tình thuở hồng hoang với ông Vũ. Mối nhân duyên từ cuộc điện thoại đến tổng đài 108 ở Gia Lai đã tạo nên sự gắn kết đặc biệt của "cỏ" và "mưa", một cách đầy cảm hứng.
Khi xem bộ phim Dear Ex trên Netflix đầu năm nay, lúc Tống Chính Viễn gặp Lưu Tam Liên tại nơi làm việc của bà ấy lúc đã hết giờ làm việc và bắt đầu một cuộc nhân duyên đầy thăng trầm, tôi thực sự đã nhớ đến câu chuyện của bà Thảo và ông Vũ.
Rốt cục, họ cũng giống như Chính Viễn và Tam Liên, phải đi đến chỗ không vẹn tròn. Dù ông Vũ khác với Tống Chính Viễn, không ai nói đến việc ông có một gia đình khác bên ngoài hay một người thương nào đó ngoài bà Thảo, nhưng ông để mất vợ mình cũng bằng chính những thứ mà mình đã từng hấp dẫn bà.
Tôi không đánh giá việc ông Vũ đi thiền và thay đổi cuộc sống sau đó như thế nào, vì không phải người trong cuộc. Nhưng tôi mơ hồ hiểu được cái cảm giác say mê điều gì đó của ông ấy đến mức khiến cho người vợ của mình cảm thấy lạc lõng, đó là một phần trong sự lãng mạn của người đàn ông.
Người ta vẫn hay nghĩ "lãng mạn" gói hẹp trong một cuộc tình, qua những sự quan tâm và những cử chỉ lịch thiệp. Nhưng ngẫm lại, một gia đình êm ấm hay một mối tình nồng thắm vẫn là những điều dễ kiếm được trong cuộc sống thực tế. Những thứ gọi là lãng mạn đối với phụ nữ cực kì giản đơn như vậy, một mái nhà và một người đàn ông làm chỗ dựa.
Trong khi sự lãng mạn đối với đàn ông hoàn toàn khác. Đó là khát vọng đổi đời, là mục tiêu tỷ phú, là khao khát chinh phục một điều gì đó, là thứ mà bà Thảo khẳng định nếu xem là tài sản thì ông Vũ sẽ giàu hơn bất cứ ai.
Chính sự lãng mạn đó đã khiến cô tiểu thư giàu có Lê Hoàng Diệp Thử gửi đơn nghỉ việc ở bưu điện để làm vợ người doanh nhân khởi nghiệp Đặng Lê Nguyên Vũ, quyết tâm trở thành hậu phương để anh ta yên tâm đánh Đông dẹp Bắc, chinh phục đỉnh cao nhất cuộc đời.
Trong bài hát Xin Lỗi của Hồ Tiến Đạt có viết: "Có tình yêu vượt qua mùa đông, gục chết sau đêm mùa xuân", một câu hát đau lòng và khó lý giải nhưng lại thực tế đến khó chịu. Khi Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam, hai vợ chồng trở thành tỷ phú, 4 người con lại thành tài thì cũng là lúc những gì tưởng chừng hạnh phúc nhất lại lung lay.
Nếu bạn hiểu những gì tôi nói, thì bạn sẽ hiểu được vì sao bánh răng của gia đình họ lại trật nhịp ngay lúc guồng máy đang chạy tốt nhất. Bởi vì đến cuối cùng, ông Vũ vẫn là một người lãng mạn mang lý tưởng chinh phục. Còn bà Thảo thì không, bà đã không giữ được sự mộng mơ của thuở ban đầu khi trở thành một người vợ có tất cả, nhưng rồi lại bị tước mất chỗ dựa tinh thần.
Tôi không phân định ai đúng ai sai, cũng không đứng về phe người nào, tôi chỉ tiếc vì cả hai đã không đi đến cùng cái viên mãn mà cuộc đời đã từng dành cho họ. Nó tựa như một câu chuyện lãng mạn và buồn man mác.
Mùa mưa chỉ kéo dài vài tháng trong năm, mưa đầu mùa lại càng đi nhanh như gió, đến rồi đi như một cuộc hành trình bất tận. Trong khi cỏ chỉ đứng yên một chỗ và lớn lên từng ngày, nở hoa rồi xum xuê như một đại ngàn, bằng sự tưới mát của mưa và cả ý chí của riêng nó.
Nhưng rồi đến một mùa nào đó bất ngờ nắng hạn, cỏ vẫn không vì thế mà héo khô. Để đến khi mưa quay trở về, cỏ đã thành cánh rừng tự lúc nào và không cần mưa nữa. Và thế là mưa cũng hóa thành bão giông, trút lên thảo nguyên những cơn thịnh nộ ngút trời. Câu chuyện của bà Thảo và ông Vũ rốt cục lại buồn như thế.
Tôi chợt liên tưởng đến bộ truyện tranh Kaze Hikaru của tác giả Watanabe Taeko. Kamiya từng nói với đội trưởng Okia, người mà cô hằng ngưỡng mộ và tin tưởng, rằng anh ta giống như một con gió tự do. Kamiya thấy mình như cọng cỏ, chỉ có thể ngẩng đầu nhìn gió đến mức trống rỗng. Okita ôn tồn đáp lại, rằng "cỏ thật kiên định khi đứng trên mặt đất, nở ra những nụ hoa nhỏ […], biết đâu gió cũng muốn mang cỏ theo cùng.
Thế nên, cỏ hãy cứ lung lay, để gió biết mình vẫn còn ở đó". Đoạn thoại này đã trở thành kinh điển với fan của bộ truyện, với những người hiểu ra tình yêu đẹp như thế nào khi ta biết dịu dàng và trân trọng những điều tốt đẹp nhất ở đối phương, có như vậy, ta sẽ bỏ qua được tất cả.
Nhiều người tặc lưỡi tiếc cho thảo nguyên của đôi vợ chồng doanh nhân từng được ngưỡng vọng nay đã trở thành bãi chiến trường đầy mùi thuốc súng và những mục tiêu bá quyền. Nhiều người cảm thấy sợ bà Diệp Thảo khi một người vợ tuyệt vời nhất cũng có ngày trở thành ác quỷ, đấu với chồng mình vì gia sản.
Cũng có người cảm thấy giận ông Nguyên Vũ vì đã quá chiều chuộng bản ngã của mình mà bỏ bê những giá trị tinh thần đằng sau các cuộc chinh phục của đàn ông. Nhưng rốt cục, thứ họ đánh mất không gì khác ngoài sự nhường nhịn và tin tưởng của ngày xưa. Khi con người ta đã có trong tay vật chất, ta sẽ nghĩ mình có tất cả. Nhưng hóa ra thứ ta đánh mất từ lúc nào lại là sự dịu dàng mình đã từng vì nhau khi còn hàn vi.
Helino