MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ dấu ấn chuyển đổi số mạnh mẽ để du lịch Việt Nam ‘cất cánh’

20-01-2023 - 15:51 PM | Kinh tế số

Du khách sử dụng vé điện tử khi vào Văn Miếu-Quốc Tử Giảm - Ảnh: VGP/Tâm Anh

Du khách sử dụng vé điện tử khi vào Văn Miếu-Quốc Tử Giảm - Ảnh: VGP/Tâm Anh

Năm 2022, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành du lịch Việt Nam là triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số. Chúng ta đã nhìn thấy sự năng động, tích cực của ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, kết nối di sản với danh thắng, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh…

Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh

Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số. Trong đó, tập xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam: Gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí… Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương tích hợp thông tin vào hệ thống.

Xây dựng kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh: Trong đó Tổng cục Du lịch phối hợp với các bên liên quan xây dựng và triển khai ứng dụng hướng dẫn du lịch ảo tại điểm đến, xây dựng bản đồ số du lịch...

Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch chính thức đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành khu di tích, tạo thuận lợi cho khách tham quan. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang tiếp tục làm việc với các điểm du lịch khác để hỗ trợ áp dụng hệ thống vé điện tử này.

Đồng thời, Tổng cục Du lịch phát triển các ứng dụng, tiện ích công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch như: Ứng dụng "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel"; Ứng dụng "Quản trị và kinh doanh du lịch"; Thẻ du lịch thông minh trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia; Trang vàng du lịch Việt Nam…

Xây dựng nền tảng số (https://ats.vietnamtourism.gov.vn/) giới thiệu rộng rãi về các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN như homestay, du lịch cộng đồng, thành phố du lịch… và đặc biệt là tích hợp tài liệu, chương trình đào tạo, quy trình chứng nhận tiêu chuẩn và thủ tục đăng ký tham dự Giải thưởng Du lịch ASEAN. Qua đó, hỗ trợ các địa phương, khu điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng triển khai, nâng cao chất lượng dịch vụ, định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, chủ động ứng dụng công nghệ, tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh. Các hoạt động này đã giúp duy trì kết nối thông tin thị trường trong thời kỳ dịch bệnh, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam vẫn liên tục gia tăng, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi sau dịch bệnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng nhằm tập hợp trí tuệ sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch; lan tỏa tinh thần doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Từ dấu ấn chuyển đổi số mạnh mẽ để du lịch Việt Nam ‘cất cánh’ - Ảnh 1.

Ứng dụng iMuseum VFA của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá là dễ sử dụng và mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Năng động xây dựng sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, ấn tượng

Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp cũng tích cực, năng động trong việc chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, trong đó tiêu biểu là những địa phương trọng điểm du lịch như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, TPHCM…

Hoạt động ứng dụng công nghệ diễn ra sôi nổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong quản lý điểm đến đã áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại như thực tế ảo, thực tế tăng cường, hình ảnh 360 độ, 3D… để đưa ra nhiều sản phẩm mới mẻ, độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho du khách.

Hà Nội đã phát triển các ứng dụng du lịch thông minh như Visit Hanoi, MyHanoi với các tính năng như là trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách. Các điểm đến như bảo tàng, làng nghề, di tích như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đã phát triển hệ thống thuyết minh tự động và nhiều công nghệ hiện đại khác phục vụ du khách đến tham quan. Đơn cử như áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách… qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị. Ứng dụng các công nghệ mới như 360, 3D, FLYCAM, Mapping… trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới, không chạm.

Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot "Da Nang Fantasticity", công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).

Dịch vụ tham quan bằng xe bus 2 tầng City Tour Hop On-Hop Off ở TPHCM được áp dụng công nghệ mới kết hợp dữ liệu số về giao thông và du lịch, cùng dữ liệu sở thích của du khách để thiết kế các tour tuyến phù hợp, bán vé và thanh toán online, tích hợp Wi-Fi (miễn phí) và thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ.

Thanh Hóa đã áp dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường trên ứng dụng điện thoại thông minh để tái hiện sinh động hình ảnh các điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Pù Luông…

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Sovico… tiên phong xây dựng hệ sinh thái tiện ích thông minh của mình một cách hệ thống, bài bản, công phu, cho phép đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành kinh doanh, chất lượng phục vụ khách hàng và đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Các công ty lữ hành cũng đã thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Triển khai các ứng dụng kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D,…

Đẩy mạnh số hóa các điểm di sản, danh thắng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa các điểm di sản, danh thắng. Triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử tại các điểm di tích, loại bỏ vé giấy truyền thống và thay thế bằng việc sử dụng vé điện tử quét mã QR vào cổng, có thể sử dụng 1 vé duy nhất cho cả một đoàn khách.

Đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm di sản, danh thắng trên các nền tảng số. Trong đó, cần tận dụng tối đa các nền tảng số như website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh. Đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch như: Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, 3D, 360 độ… có tính ứng dụng rất cao trong vận hành các lĩnh vực dịch vụ lưu trú du lịch, cung cấp thông tin cho du khách, nâng cao trải nghiệm cho du khách ở điểm đến…

Bên cạnh đó, những công nghệ mới này cũng sẽ hỗ trợ số hóa các điểm đến du lịch. Trên thực tế, phương thức bảo tồn truyền thống mặc dù rất quan trọng nhưng cũng bộc lộ các hạn chế theo thời gian. Việc số hóa các giá trị di sản và quảng bá trên các nền tảng số sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, đa dạng của các địa phương trong cả nước.

Giờ đây hầu như tất cả các khâu trong hành trình du lịch đều có thể được thực hiện trên môi trường số, đặc biệt là tìm kiếm thông tin, đặt phòng, đặt vé máy bay và dịch vụ du lịch. Các doanh nghiệp cũng gia tăng việc giao dịch hợp đồng điện tử. Với các giải pháp bảo đảm an ninh, bảo mật ngày càng chặt chẽ, việc tiến hành giao dịch, thanh toán trực tuyến ngày càng được ưa chuộng bởi sự thuận tiện.

Các doanh nghiệp du lịch, điềm đến cần quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhằm tiêu chuẩn hóa hoạt động, dịch vụ ngang tầm quốc tế, khu vực, giúp nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, hỗ trợ các điểm du lịch, danh thắng có thể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tự nhiên theo hướng bền vững.

Theo Diệp Anh

VGP

Trở lên trên