Từ đầu năm đến ngày 15/3, cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD
Đến trung tuần tháng 3/2024, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 145,6 tỷ USD, với cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (từ ngày 1 - 15/3), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 16,67 tỷ USD. Đáng chú ý, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3 có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng này đã đưa quy mô kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/3 lên xấp xỉ 75,9 tỷ USD, tăng 20,57% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 3 đạt 15,5 tỷ USD. Có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô trong khoảng thời gian này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/3, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 69,7 tỷ USD, tăng 15,78% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm đến ngày 15/3, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 145,6 tỷ USD, với cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD.
Riêng trong lĩnh vực rau quả, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thống kê sơ bộ số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 3/2024 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tiếp đà hồi phục từ cuối năm ngoái, qua đó tạo tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, ngoài nhóm nông lâm sản có mức tăng khá, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị cũng có sự bứt phá rõ rệt.
Dữ liệu 2 tháng đầu năm 2024, có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi, trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; EU ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%...
Sự khởi đầu thuận lợi ngay từ các tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024.
Công thương