Từ drama 34 tỷ của Khoa Pug và Johnny Đặng: 5 nguyên tắc khi đầu tư cùng bạn bè - cái số 3 không biết thì tiền mất, “toang” luôn mối quan hệ
Không phải lúc nào làm ăn chung với người quen, bạn bè thân thiết đều tốt.
- 02-12-2021"30 tỷ đồng" trong mắt Khoa Pug là rác, còn với các tỷ phú thế giới thì sao?
- 02-12-2021Khoa Pug đang chiếm vị trí TOP 1 Trending Google tại Việt Nam: Nhân vật này là ai mà đăng clip "tố bạn mới quen lừa 30 tỷ" sau 2 ngày đã đạt 6 triệu view?
- 02-12-2021Khoa Pug thiết lập KỶ LỤC vang dội: Chạm đỉnh tìm kiếm Google, top #1 trending Youtube
Khi mới bắt đầu làm ăn, kinh doanh mà chưa đủ vốn đa phần mọi người đều sẽ chọn huy động từ người quen. Lý do thứ nhất là do ngại ngần thủ tục vay vốn ngân hàng, sợ gánh gồng lãi. Thứ hai là vì suy nghĩ bạn bè gần gũi, hiểu nhau, lại chung tư tưởng làm ăn kiểu gì cũng dễ nói chuyện hơn. Song, không phải lúc nào những chuyện làm ăn với bạn bè đều thành công cả. Drama tình bạn trị giá hơn 34 tỷ đầu tư vào đồng D.coin của Johnny Đặng và Khoa Pug chính là một trong những ví dụ đó.
Đôi bạn từng thân Khoa Pug - Johnny Đặng "tan đàn xẻ nghé" vì tranh chấp khi làm ăn chung
Thật ra trên thương trường, không có chuyện làm ăn nào hoàn toàn thuận lợi hay chỉ gặp phải rủi ro, chuyện hùn hạp với bạn bè cũng thế. Quan trọng nhất là trước khi "chung tay góp vốn" đầu tư với bạn bè, ai nấy cũng nên "lận lưng" cho mình vài quy tắc "bất di bất dịch", có như thế nếu xảy ra rủi ro, cái giá phải trả cũng không đến mức quá nặng nề. Dưới đây là 5 quy tắc nổi bật nhất khi đầu tư cùng bạn bè mà bạn cần biết.
1. Bạn bè ngoài đời chưa chắc là bạn trên thương trường
Đa phần dân tình đều hay suy nghĩ tiền bạc có to cỡ nào cũng không quan trọng bằng tình bạn và thêm tính cả nể, sợ mất lòng nên khi làm ăn chung thường làm qua loa các bước cần thiết ngay từ ban đầu. Song một số người khi lời lỗ, lại chẳng đồng cam cộng khổ được, luôn muốn dành phần hơn cho bằng được, vậy nên mới có chuyện.
Thế nên ngay từ khi quyết định hợp tác với bạn bè, bạn cần phải hiểu trong chuyện làm ăn họ chỉ là đối tác, không đặt yếu tố tình cảm thân thiết, tình cảm lên để giải quyết. Chỉ có xác định rõ như thế từ đầu mới có thể tránh bớt những hậu hại về sau.
2. Làm rõ vai trò, trách nhiệm
Để tránh tình trạng lạm quyền hay tị nạnh rồi tranh giành lợi ích, tốt nhất bạn nên làm rõ vai trò của mỗi người trong hùn hạp đầu tư từ đầu. Hãy phân công việc phù hợp với năng lực của từng người và nêu rõ trách nhiệm mà họ phải nhận lấy khi đảm nhiệm công việc đó. Phân chia rõ vai trò, trách nhiệm còn là một bước quan trọng để đánh giá năng lực của mỗi người, từ đó đưa ra mức lương tương xứng và chia chác lợi nhuận, tiền bạc sau này.
3. Tiền bạc phân minh
Đã là làm ăn, tiền bạc lúc nào cũng phải phân minh. Dù bạn là người đầu tư hay chủ doanh nghiệp, khi dùng một đồng tiền chung nào cũng phải báo cáo lại rõ ràng, tránh bị nghi “ăn bớt", trục lợi cá nhân. Song song với đó, nếu được bạn bè yêu cầu đưa tiền đầu tư, bạn cũng cần nắm rõ tiền của mình được rót vào đâu, sử dụng như thế nào và lời lỗ ra sao. Ngoài ra cũng cần tách biệt tiền lương - khoản dành cho công sức đóng góp của mỗi người khi đầu tư và lợi nhuận - tiền lời của việc đầu tư để phân chia rõ ràng. Đừng chỉ ỷ y vào tình bạn mà ngó lơ những vấn đề đó kẻo có ngày tiền mất mà mối quan hệ cũng "toang" luôn.
4. Thỏa thuận, ký kết giấy tờ đàng hoàng
Làm ăn kinh doanh là câu chuyện liên quan đến lợi nhuận, quyền lợi kinh tế của mỗi người thế nên không thể nào chỉ nói miệng được. Mất lòng trước là được lòng sau, hãy thẳng thắn trao đổi, đưa ra những thỏa thuận và ký kết các loại giấy tờ, cam kết rõ ràng. Nghe thì có vẻ cầu kì, câu nệ nhưng thực tế thì càng thân thiết càng phải rõ ràng mới tránh được những nhập nhằng rồi hiểu lầm, mất đi mối quan hệ tốt. Khi mà mọi thứ đã rõ ràng thì sau này dù xảy ra bất cứ vấn đề gì vẫn có bằng chứng để giải quyết, tránh được xung đột, cãi cọ, kiện cáo không đáng có.
5. Chấp nhận những rủi ro xảy đến
Có nên góp vốn làm ăn với bạn bè hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cho dù bạn có tìm hiểu kỹ như thế nào về tính cách, định hướng, mục tiêu của họ, vẫn sẽ có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Dù là bị lừa mất hết tiền, mất đi mối quan hệ nhiều năm trời, bị rêu rao nói xấu, lợi dụng… đều có thể xảy ra. Khi đã xác định muốn đi cùng nhau, bạn cần chấp nhận tất thảy những rủi ro ấy và chuẩn bị một kế hoạch cho mình từ đầu. Có như thế, bạn mới có thể bỏ đi yếu tố tình cảm, lý trí đưa ra những quyết định khôn ngoan vào giờ khắc quan trọng, tránh được những cái giá nặng nề về sau.
Ảnh: Tổng hợp
Pháp luật và bạn đọc