Từ FTM, nhìn lại những cú lao dốc 'kinh điển' trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Cổ phiếu FTM đang gây "sốc" cho nhà đầu tư bởi chuỗi 25 phiên giảm sàn liên tiếp. Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam còn ghi nhận rất nhiều trường hợp các cổ phiếu giảm sàn trên 10 phiên liên tiếp thậm chí có cổ phiếu giảm sàn đến 34 phiên liên tiếp.
Đợt giải chấp cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân ( HoSE: FTM ) đang là câu chuyện gây sốc cho nhà đầu tư trong những ngày qua và "vào tầm ngắm" của cơ quan quản lý. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 19/9, FTM đã có 25 phiên giảm sàn liên tiếp từ mức 23.650 đồng/cp xuống chỉ còn vỏn vẹn 3.980 đồng/cp. Có thời điểm, tổng khối lượng đặt bán giá sàn lên đến gần 33 triệu cổ phiếu, tương ứng đến 65% tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty này.
Lịch sử giá cổ phiếu FTM. Nguồn: VNDS |
FTM là một trong các trường hợp lao dốc kinh điển trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Lịch sử gần 20 năm giao dịch của thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều trường hợp cổ phiếu giảm sàn trên 10 phiên với dư bán khối lượng lớn.
Một số cổ phiếu có chuỗi giảm sàn liên tục trên 10 phiên. Giá đã được điều chỉnh. |
Đợt giảm sàn liên tiếp của các cổ phiếu có thể kể đến một số các nguyên nhân (1) cổ phiếu bị thao túng giá, trước chuỗi giảm sàn liên tiếp là đợt tăng giá mạnh (2) cổ phiếu đầu cơ hết hạn mức vay margin tại nhiều công ty chứng khoán, bất ngờ bị một hoặt một số công ty chứng khoán giảm tỷ lệ margin (3) báo cáo tài chính sau soát xét/kiểm toán có thay đổi nghiêm trọng về kết quả kinh doanh như chuyển từ lãi sang lỗ nặng...(4) doanh nghiệp gặp sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh.
Với trường hợp FTM, một số công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin và có nguy cơ thiệt hại lớn với cổ phiếu FTM đã có cuộc họp tại Hà Nội. Qua thống kê của các đơn vị này, sơ bộ có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Các tài khoản này có hiện tượng bị kiểm soát giao dịch, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM trong giai đoạn trước.
Theo các công ty chứng khoán, các cá nhân có mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường – nguyên Chủ tịch HĐQT Fortex. Đồng thời, chủ tài khoản không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ được mở tại các công ty chứng khoán nêu trên. Hầu hết các chủ tài khoản đều có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và có liên quan trực tiếp tới ông Lê Mạnh Thường, cụ thể là người thân, bạn bè, nhân viên tại công ty FTM.
Thương vụ kinh điển nhất và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử có cá nhân bị xử lý hình sự về tội thao túng giá chứng khoán là tại Dược Viễn Đông (DVD). Đây được cho là nơi hội tụ đầy đủ nhất của tất cả các tiêu cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam như làm giá cổ phiếu, lập báo cáo tài chính gian dối, sử dụng công ty để lấn lướt đối thủ, lừa đảo nhà đầu tư. Tháng 11/2010, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã bắt giữ ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD, liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán. Dược Viễn Đông phải mở thủ tục phá hàng và nhiều cổ đông phải chịu thiệt hại do tài sản thanh lý cũng không đủ trả hết nợ.
Dù không có những phiên giảm sàn quá dài nhưng giá cổ phiếu DVD đi xuống ‘không phanh’ bởi những đợt giảm sàn từ 5 – 7 phiên đan xen. Từ một cổ phiếu của ngành cơ bản và có nhiều yếu tố đầu tư, DVD giảm từ 120.000 đồng/cp và còn chỉ hơn 2.000 đồng tại thời điểm huỷ niêm yết.
Lịch sử giá cổ phiếu DVD từ đầu năm 2010 tới khi huỷ niêm yết vào cuối năm 2011. Nguồn: VNDS |
Sau Dược Viễn Đông, nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ nặng khi đầu tư vào 2 cổ phiếu "ma" - doanh nghiệp mà trụ sở không tồn tại hoặc chỉ là một quán ăn là Mỏ và Xuất khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) và Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA). Một số lãnh đạo của 2 công ty này, trong đó nổi bật nhất là Chủ tịch HĐQT Phạm Thị Hinh, cùng nhiều cá nhân cũng đã bị khởi tố vì hành vi thao túng giá chứng khoán, làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức...
Cổ phiếu có chuỗi giảm sàn nhiều nhất trên thị trường thuộc về CDO của Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị ( UPCoM: CDO ). Từ 6/12/2016 đến 23/1/2017, cổ phiếu CDO giảm sàn 34 phiên liên tiếp từ 35.000 đồng/cp xuống chỉ còn 3.090 đồng/cp, tương ứng mức giảm 91,2%. Theo giải trình của CDO, nguyên nhân cổ phiếu bị giảm sàn nhiều phiên liên tiếp bắt nguồn từ tin đồn ông Nguyễn Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty bị bắt trong khi ông này đang theo học một khóa học quản lý cấp cao tại Mỹ với thời hạn 3 tháng, cùng nhiều tin đồn khác khiến các công ty chứng khoán dừng cho vay margin.
Ngày 4/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang - nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội, về tội "thao túng giá chứng khoán" đối với cổ phiếu CDO.
CDO bị HoSE quyết định hủy niêm yết từ ngày 6/8/2018 để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư do doanh nghiệp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Trên thị trường UPCoM, giá cổ phiếu CDO chỉ còn 1.000 đồng/cp.
Lịch sử giá cổ phiếu CDO. Nguồn: VNDS |
Đứng thứ 2 về chuỗi giảm sàn dài nhất thị trường là của cổ phiếu An Tường An ( HoSE: ATG ). Từ 15/12/2016 đến 25/1/2017, cổ phiếu ATG giảm sàn 29 phiên liên tiếp từ 12.450 đồng/cp xuống chỉ còn 1.020 đồng/cp, giảm 87%.
Tiếp đến, cổ phiếu TNT của CTCP Tài nguyên ( HoSE: TNT ) với 25 phiên giảm sàn liên từ 29.900 đồng/cp xuống 5.310 đồng/cp. Hai cá nhân đã bị phạt vì thao túng giá cổ phiếu TNT là bà Lương Thị Thu, bị phạt 550 triệu đồng do sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNT. Người thứ 2 là ông Hoàng Đức Dũng đã sử dụng 2 tài khoản đứng tên mình và 24 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu TNT. Ngoài số tiền phạt 550 triệu đồng, ông Hoàng Đức Dũng còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 491 triệu đồng.
Hai cổ phiếu của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành ( HoSE: TTF ) và CTCP NTACO ( UPCoM: ATA ) là những trường hợp điển hình của việc "phù phép" báo cáo tài chính khiến giá cổ phiếu lao dốc. Đối với Gỗ Trường Thành, kiểm toán phát hiện báo cáo tài chính quý II/2016 thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng bán, khiến doanh nghiệp lỗ tới hơn 1.128 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Sự cố trên khiến TTF giảm sàn 24 phiên liên tiếp và mất 81,4% giá trị, kéo theo hàng loạt thay đổi sau đó như Vingroup ngừng hợp tác, ông Mai Hữu Tín vào tiếp quản thay cho cha con người sáng lập Võ Trường Thành.
Lịch sử giá cổ phiếu TTF. Nguồn: VNDS |
Tương tự, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng được công bố của NTACO cho thấy số dư hàng tồn kho thời điểm cuối năm 2015 là con số 0. Trong khi đó, báo cáo tự lập được công bố cách đây chưa lâu ghi nhận số dư hàng tồn kho của doanh nghiệp này vào thời điểm cuối năm 2015 là xấp xỉ 365 tỷ đồng. Điều này dẫn tới công ty phải trích lập dự phòng hơn 100 tỷ đồng, khiến lợi nhuận quý IV/2015 từ lãi 52 tỷ sang lỗ hơn 420 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ đồng.
Lịch sử giá cổ phiếu ATA. Nguồn: VNDS |
Thường các vụ việc cổ phiếu giảm sàn liên tục có liên quan đến một số yếu tố như thao túng giá cổ phiếu hay "phù phép" báo cáo... nhưng cú lao dốc cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 ( HoSE: YEG ) lại đến từ những sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh. Đang ở vị thế là một trong số các cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường với gần 350.000 đồng/cp, đóng cửa phiên 19/9 YEG chỉ còn 64.300 đồng/cp. Có thời điểm, YEG giảm sàn 13 phiên liên tiếp và mất gần 61% giá trị.
Nguồn cơn đến từ việc cuối tháng 3, Yeah1 nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) từ ngày 31/3/2019 đối với các công ty liên quan có hoạt động liên quan đến mảng YouTube gồm SpringMe, Yeah1 Network và ScaleLab. Sau thông báo của YouTube, Yeah1 bán lại 100% cổ phần tại ScaleLab cho các chủ sở hữu trước đây nhưng giá phụ thuộc tình hình kinh doanh ScaleLab. Trong quý II, công ty phải trích lập 30% giá trị khoản phải thu khác từ việc chuyển nhượng ScaleLab (12 triệu USD), không loại trừ khả năng tiếp tục tăng tỷ lệ trích lập dựa trên diễn biến thị trường.
Vụ việc trên ngay lập tức ảnh hương đến kết quả kinh doanh của Yeah1 khi ghi nhận mức lỗ hơn 117 tỷ đồng chỉ riêng trong quý II/2019. Sau 6 tháng Yeah1 báo lỗ hơn 107 tỷ đồng.
Người đồng hành