MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ giải Nobel Y Sinh 2020: GS Đào Văn Long phân tích căn bệnh nguy hiểm 1 triệu người Việt đang mắc

07-10-2020 - 10:10 AM | Sống

Tại Việt Nam ước tính có khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh sẽ âm thầm tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Giải thưởng Nobel Y Sinh năm 2020 đã được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice vì những phát hiện tinh tế dẫn đến việc xác định một loại virus mới, virus Viêm gan C .

Ông Harvey J. Alter là nhà khoa học người Mỹ tại Viện Y tế Quốc gia (NIH). Ông Michael Houghton là nhà khoa học người Anh làm việc tại Trường ĐH Alberta (Canada). Còn ông Charles M. Rice là chuyên gia về virus học người Mỹ tại Trường ĐH Rockefeller.

Theo Ủy ban Nobel, cả 3 được vinh danh vì đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan giai đoạn cuối.

Viêm gan siêu vi C vô cùng nguy hiểm, lây qua đường máu

Theo GS Đào Văn Long - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Hoàng Long, viêm gan siêu vi C là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Nó được xếp vào là một trong các thủ phạm gây ung thư gan.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan virus rất cao. Ngoài viêm gan B, thì ước tính có khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C.

Nguyên nhân bệnh viêm gan C, GS Long cho biết, là do Hepatitis C virus (HCV) gây ra.

HCV sau khi xâm nhập vào máu sẽ tấn công vào gan, và làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Mặt khác, virus viêm gan C sẽ phát triển, nhân lên nhanh chóng khiến cơ thể không sản sinh kịp kháng thể để phòng ngừa viêm gan C.

 Từ giải Nobel Y Sinh 2020: GS Đào Văn Long phân tích căn bệnh nguy hiểm 1 triệu người Việt đang mắc - Ảnh 1.

Thủ phạm đánh bại gan là virus viêm gan.

Sau khi virus viêm gan C tấn công vào gan, sẽ sinh sôi nảy nở trực tiếp phá hủy tế bào gan, làm tổn thương và hủy hoại các tế bào gan. Lâu dần, gan sẽ bị mất chức năng của nó.

Virus viêm gan C lây nhiễm từ người này qua người khác chủ yếu qua đường máu, khi máu của người bệnh nhiễm virus HVC truyền sang máu của người lành.

Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con, qua con đường tình dục, nhưng phương thức lây truyền qua đường máu là phổ biến nhất như: tiêm thuốc bằng kim bị nhiễm bệnh, sử dụng hoặc tái sử dụng các thiết bị y tế chưa được khử trùng đúng cách, nhận truyền máu hoặc các chế phẩm máu không được sàng lọc đầy đủ, sử dụng các vật dụng có tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh.

Những người có thói quen dùng chung kim tiêm hay ống chích, xăm mình, châm cứu xỏ lỗ tai không vô trùng tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan C.

Biến chứng nguy hiểm của viêm gan C

GS Long cho biết viêm gan C chia thành 2 giai đoạn: viêm gan C cấp tính và viêm gan C mạn tính.

Ở giai đoạn cấp tính, virus phát triển trong vòng 2 tuần đầu đến 6 tháng sau khi virus xâm nhập vào máu của người. Khoảng 25% các trường hợp nhiễm viêm gan C có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Ở giai đoạn mãn tính, virus vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong gan. Virus gây ra viêm gan và tăng nồng độ của nhiều men gan, các tế bào gan bị chết, tổn thương gan có thể lan rộng và dẫn đến xơ gan.

Khi xơ gan, mô xơ xâm lấn và thay thế mô gan bình thường, làm hỏng những chức năng quan trọng của gan như tiêu hóa và giải độc. Khoảng 20% bệnh nhân viêm gan C bị xơ gan.

Xơ gan là một bệnh nặng không thể phục hồi, bệnh sẽ tiến triển đến ung thư gan nếu không được phẫu thuật ghép gan.

 Từ giải Nobel Y Sinh 2020: GS Đào Văn Long phân tích căn bệnh nguy hiểm 1 triệu người Việt đang mắc - Ảnh 2.

GS Đào Văn Long

Điều đặc biệt đáng lo lắng đó là bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Việc điều trị viêm gan C, trước đây thuốc điều trị viêm gan C rất đắt. Một liệu trình điều trị kéo dài hàng năm và chi phí lên tới hàng trăm triệu, với nhiều tác dụng phụ của thuốc đi kèm, hơn nữa tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt khoảng 40%.

Nhưng hiện nay với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho hàng triệu người bệnh.

Để phòng viêm gan C, bác sĩ Long nhấn mạnh dựa theo cơ chế lây truyền của bệnh, cách tốt nhất là hạn chế tối thiểu việc tiêm chích không cần thiết và không an toàn; thực hiện truyền máu và các sản phẩm máu cũng như thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn an toàn; không xăm trổ, sử dụng ma túy có dùng chung dụng cụ tiêm chích; quan hệ tình dục an toàn với người bị nhiễm virus viêm gan C…

Theo Ngọc Anh

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên