MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự hào một ngày ăn 3 bữa hết 33 nghìn, 1 tháng không đi cafe: Gen Z điên cuồng "tiết kiệm trả thù"

03-10-2024 - 15:03 PM | Sống

Đây là xu hướng sống tiết kiệm nhất có thể đang được Gen Z khắp nơi quan tâm, thay vì chi tiêu bạt mạng như trước.

Ăn ba bữa hết 33 nghìn…

Một cô gái 24 tuổi, tên An Hoa đã đăng tải trên WeIbo câu chuyện tiết kiệm của mình sau 1 năm tốt nghiệp và đi làm, thu hút hơn 300 nghìn lượt đọc. Cô cho biết trong 3 tháng trở lại đây đang cố gắng cắt giảm chi phí hàng tháng xuống còn 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng) và ăn ba bữa một ngày với giá 9,5 nhân dân tệ (khoảng 33 nghìn đồng). 

Ngoài tiết kiệm tiền ăn, cô còn tìm cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày bằng cách đi phương tiện công cộng tới chỗ làm, không mua sắm quần áo, giày dép nếu không thực sự cần thiết. Cô cũng không đi cafe hay tham gia các bữa tiệc cùng bạn bè.

Tự hào một ngày ăn 3 bữa hết 33 nghìn, 1 tháng không đi cafe: Gen Z điên cuồng "tiết kiệm trả thù"- Ảnh 1.

Cô gái ngày nào cũng phải đau đầu vì các khoản chi tiêu, nên cố gắng tìm cách tiết kiệm. Ảnh minh họa.

Lý do được cô gái này đưa ra để lý giải cho lối sống tiết kiệm này của mình là vì đã thất nghiệp được một quãng thời gian dài, mới tìm được công việc mới nhưng mức lương không cao. Cô bạn cũng tham khảo trên mạng xã hội, thấy nhiều người trẻ áp dụng và thành công nên làm theo.

Theo tờ Chinatimes, ngày nay không khó để tìm ra các bài đăng về xu hướng tiết kiệm. Những nội dung như “làm thế nào để tiêu 50 nghìn trong một ngày”, “Tôi đã tiết kiệm được 100 triệu trong 1 năm như thế nào”,... trên mạng xã hội. Thậm chí, những người trẻ dùng mạng xã hội còn chia sẻ các mục tiêu tiết kiệm cực đoan hơn, tạm gọi là xu hướng “Tiết kiệm để trả thù” trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Theo đó, các bạn sẽ “bóp chặt chi tiêu” hết mức có thể, duy trì những bữa ăn 10-15 nghìn đồng, mua hàng giá rẻ, hạn chế đi du lịch, cafe cùng bạn bè,... Tại Việt Nam, xu hướng tiết kiệm này cũng được hưởng ứng. Series những bữa cơm “5k hai người ăn thoải mái”, “1 tuần không tiêu quá 100 nghìn”,... được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng.

Để giảm chi tiêu, nhiều người chủ động tìm kiếm những ưu đãi, giảm giá khi ăn uống hoặc mua sắm tại các trung tâm thương mại lớn. Thậm chí, nhiều bạn trẻ cũng lên mạng xã hội để tìm “Đối tác tiết kiệm” - mua chung hàng hóa với giá rẻ hay cho - nhận đồ khi cần thiết để không phải chi quá nhiều tiền cho việc mua sắm. Thay vì đi ăn nhà hàng, cafe với bạn bè hằng ngày, hằng tuần thì nhiều bạn trẻ chọn dành thời gian đó cho công việc, về nhà với người thân,....

Xu hướng "Tiết kiệm trả thù": Tiết kiệm chứ đừng khắc nghiệt

Có thể thấy, giờ đây sự dư giả, thoải mái vung tiền cho đồ hiệu,... không còn là thứ để nhiều bạn trẻ hào hứng khi khoe nữa mà có vẻ như các bí quyết tiết kiệm hay tài khoản tiền tiết kiệm được bao nhiêu mới là thứ khiến họ tự hào. Càng tiết kiệm càng trở thành hình mẫu khiến nhiều người thần tượng.

“Tiết kiệm trả thù” ý chỉ việc giảm mạnh mức tiêu dùng và tiết kiệm càng nhiều càng tốt, đã trở thành xu hướng trong giới trẻ nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam trong khoảng 1 năm trở lại đây. Điều này trái ngược với xu hướng “tiêu dùng trả thù” trước đó, với tâm lý mua những món đồ đắt đỏ, ăn tiêu thoải mái với phương châm “ta chỉ sống một lần trong đời” của vài năm về trước.

Tự hào một ngày ăn 3 bữa hết 33 nghìn, 1 tháng không đi cafe: Gen Z điên cuồng "tiết kiệm trả thù"- Ảnh 2.

Nhiều người dù bận rộn vẫn tự đi chợ, mua hàng giảm giá và tự nấu ăn. Ảnh minh họa.

Sở dĩ rộ lên xu hướng này là bởi một phần do làn sóng suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19, đến nay, vẫn có nhiều công ty không trụ nổi phải đóng cửa, cắt giảm và sa thải nhân viên. Gen Z, những cô, cậu bạn vừa mới ra trường chật vật tìm việc, đồng lương trở nên eo hẹp hơn. Thế nên, lúc này, lựa chọn sống tiết kiệm hơn là điều mà bất kỳ ai cũng quan tâm, hướng đến. Bởi, tiết kiệm là sự chủ động mà bất kỳ ai cũng thực hiện được.

Jia Miao, trợ lý giáo sư tại cơ sở Thượng Hải của Đại học New York, cho biết: “Việc thanh niên từ chối chi tiêu là một hiện tượng đang thực sự xảy ra ở Trung Quốc. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiết kiệm tiền khi nhận ra rằng rất khó tìm được việc làm. hoặc tăng thu nhập của họ”.

Hơn nữa, ngày nay nhiều bạn trẻ cũng hướng đến lối sống "Financial Independence, Retire Early" (Tự do Tài chính, Nghỉ hưu Sớm) nên làm quần quật và tiết kiệm hết mức có thể ở quãng thời gian của tuổi trẻ, với nhiều người là điều đương nhiên.

Tự hào một ngày ăn 3 bữa hết 33 nghìn, 1 tháng không đi cafe: Gen Z điên cuồng "tiết kiệm trả thù"- Ảnh 3.

Họ cũng tính toán để sống tiết kiệm hơn về mọi mặt trong cuộc sống. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, ngày nay xu hướng độc thân cũng được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Thế nên, để đảm bảo cuộc sống một mình sau này, nhiều bạn trẻ cho biết họ nỗ lực làm việc hơn, “cày ngày cày đêm” ở giai đoạn trước 30, tiết kiệm để kiếm được thật nhiều tiền. Đến khoảng năm 40 tuổi sẽ có thể mua được 1 căn nhà cho riêng mình, dành thời gian đi du lịch hoặc ở bên gia đình.

Song, tiết kiệm không đồng nghĩa với việc khắc nghiệt với chính bản thân mình. Nhiều người trẻ cũng đưa ra những ví dụ về việc tiết kiệm quá mức trong việc ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hay việc nên có những khoảng nghỉ tiết kiệm ngắn hạn, để nạp lại năng lượng cho bản thân. Đồng thời, cũng đừng nên tiết kiệm quá mức những nhu cầu sinh hoạt bình thường, những khoản đầu tư cho sức khỏe, giáo dục,....

Theo Trần Hà

Phụ nữ số

Trở lên trên