MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự hỏi bản thân 4 câu hỏi này, nếu 3/4 là có - bạn đang là một trong những người trẻ kiệt quệ vì công việc

12-06-2019 - 14:47 PM | Sống

Nếu tìm thuật ngữ “burnout” trên mạng, bạn sẽ được trả về hàng nghìn kết quả với câu chuyện về thế hệ người trẻ kiệt quệ và mệt mỏi. Nhận diện một người trẻ kiệt quệ trong đám đông không khó như chúng ta vẫn tưởng với những câu trả lời đơn giản đến vậy.

8 giờ tối mà deadline công việc vẫn còn, stress.

Một tuần không có ngày nào được về trước 11 giờ tối, ngủ mỗi đêm 4 tiếng, stress.

Một bài kiểm tra không ưng ý, một lần bị phản bội, tháng này sao tăng cân nhanh quá, stress.

Chúng ta sẽ cảm thấy áp lực trong cuộc sống từ ngày này qua ngày khác, ở một khoảnh khắc nào đó, dù có cố lẩn tránh nó cũng sẽ tìm đến bạn. Tuy nhiên với nhiều người, áp lực dường như "bức tử" cuộc sống của họ, ngồn ngộn đầy dồn nén, đẩy nhiều người vào tình trạng kiệt quệ, căng thẳng và ghét mọi thứ xung quanh. Đó chính là sự kiệt quệ của millennial người ta luôn đề cập.

Tự hỏi bản thân 4 câu hỏi này, nếu 3/4 là có - bạn đang là một trong những người trẻ kiệt quệ vì công việc - Ảnh 1.

Tình trạng kiệt quệ từng được xem như một vấn đề liên quan tới việc quản lý cuộc sống; tuy nhiên tổ chức WHO đã coi đây như một triệu chứng liên quan đến công việc do tình trạng căng thẳng liên tục xảy ra. Rõ ràng, việc gắn tình trạng kiệt quệ "burnout" này với người trẻ là có lý do khi họ chính là lực lượng lao động chính ở tất cả các quốc gia trên thế giới với cường độ làm việc căng thẳng, cuộc sống nhiều vấn đề với những cuộc khủng hoảng hiện sinh. Giữa thời đại công nghệ gắn chặt với cuộc sống, dù chúng ta không muốn, công việc vẫn lởn vởn quanh mình 24/7 khi email luôn trong tình trạng sẵn sàng thông báo, các group làm việc trên Facebook và Skype đầy ắp tin nhắn bất kể ngày đêm.

Chúng ta không cần phải tới bác sĩ mới có thể biết mình đang ngày càng kiệt quệ, đờ đẫn như "đàn zombie" mỗi sáng đổ ra đường tại khắp các đô thị. Hãy thử hỏi bản thân 4 câu hỏi này thôi, nếu câu trả lời đều là có, đến lúc bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình.

Đã có người bạn thân nào khuyên bạn nên bớt thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhiều hơn không?

Nhắn tin cho Quỳnh, cô bạn thân đang làm ở một tòa soạn báo, lúc nào tôi thấy nó đang ở một chỗ nào đó và làm việc: Khi đi ăn với bạn cũng cầm theo máy tính, nửa đêm vẫn đang ngồi viết bài, sáng sớm tinh mơ dậy sớm trực sự kiện vì lệch múi giờ… Facebook và Instagram của Quỳnh lúc nào cũng đầy những status bóng gió về sự uể oải, ủ rũ, mệt mỏi và căng thẳng. Ai cũng biết điều ấy, chỉ có nó - hoặc là không hiểu, hoặc là lờ đi sự mệt mỏi của bản thân vì không muốn bỏ một công việc đầy hấp dẫn.

"Khi nào thấy mệt quá thì xin nghỉ vài ngày, cho bản thân chút thời gian nghỉ ngơi. Mày mới 24 tuổi chứ không phải 44 tuổi để chỉ có lấy công việc làm niềm vui", tôi trả lời một Insta story của nó.

Con bé òa khóc nức nở; như thể bao cảm xúc dồn nén bỗng trào dâng thành cảm xúc. Nó biết về một điều gì đó không bình thường diễn ra trong mình, nhưng để lừa dối bản thân và tiếp tục với công việc không phải sinh viên nào mới ra trường cũng có, Quỳnh lờ đi sự kiệt quệ của bản thân.

Tự hỏi bản thân 4 câu hỏi này, nếu 3/4 là có - bạn đang là một trong những người trẻ kiệt quệ vì công việc - Ảnh 2.

Không ai nghĩ mình lại rơi vào vấn đề mà hàng triệu người mắc phải; những người trẻ được tiếp xúc với nhiều thông tin về các vấn đề tâm lý sức khỏe đều nghĩ "mình có thể kiểm soát được cuộc sống của mình". Đôi khi lờ mờ nhận ra vấn đề của bản thân và tinh thần, ta cũng ngó lơ coi như không tồn tại. Để người khác nhìn thấy, nhận ra và phải nhắc về vấn đề của mình - vốn không phải chuyện ai cũng quan tâm, thực sự bạn cần ngẫm nghĩ về vấn đề này.

Trong vài tháng gần đây, đã bao giờ bạn cáu giận về công việc, đồng nghiệp hay khách hàng?

Tôi đoán là hàng tuần. Xung đột trong công việc là điều không tránh khỏi. Có người coi đó là động lực để thay đổi, số khác tích lũy dần và bản thân cảm thấy căng thẳng mệt mỏi tột độ.

Trải qua một tuần làm trại hè cho trẻ em, đã nhiều lần tôi muốn hét lên vào mặt các sếp: Những yêu cầu lúc nào cũng gấp và không nằm trong kế hoạch, đám trẻ lúc nào cũng ì èo đòi cái này muốn cái kia còn phụ huynh thỉnh thoảng lại phàn nàn vì đơn giản bức ảnh này không có mặt con.

Không phải sự căng thẳng mà chính sự thoải mái, vui vẻ mới là điều hiếm gặp ở bạn bè tôi khi đi làm. Họ thức dậy buổi sáng với câu hỏi "bao giờ mới hết ngày nhỉ", đi làm trong tình cảnh uể oải; họ cáu gắt vì ai đó mở cửa sổ không đóng, chiếc cốc uống nước bị đặt sai vị trí, rồi cả khi người đồng nghiệp mời họ đồ uống họ không thích. Rồi cứ thế, họ ôm nỗi cáu giận về nhà, trút lên con mèo và người yêu, trước khi đi ngủ còn phải viết một status "chửi đổng".

Nếu còn cáu giận vì công việc - một vài lần thì là chuyện rất bình thường. Nhưng điều đó xảy ra quá nhiều lần với một sự ức chế tăng tiến, và bạn thậm chí còn không tìm thấy niềm vui trong việc cố gắng nữa -  thì một là hãy nghỉ đi vì đó không phải là môi trường làm việc phù hợp với bạn, và hai là cũng nghỉ đi vì bạn quá mệt mỏi rồi.

Tự hỏi bản thân 4 câu hỏi này, nếu 3/4 là có - bạn đang là một trong những người trẻ kiệt quệ vì công việc - Ảnh 3.

Bạn có thấy tội lỗi khi không dành thời gian cho bạn bè, gia đình và thậm chí là bản thân?

Đó không hẳn là sự tội lỗi; việc không dành thời gian cho bạn bè, gia đình và bản thân còn khiến tôi thấy xấu hổ, cắn rứt, bực bội với bản thân. Nhưng đúng là như vậy, tôi vẫn tự hỏi bản thân khi nào mới có thể dành ra thêm chút thời gian cho bạn bè, gia đình… Nghịch lý làm sao khi ai cũng biết thời gian cho người thân không còn nhiều nhưng cứ để công việc cuốn đi thật nhanh.

Tự hỏi bản thân 4 câu hỏi này, nếu 3/4 là có - bạn đang là một trong những người trẻ kiệt quệ vì công việc - Ảnh 4.

Những người trẻ kiệt quệ luôn vội vã, từ nơi làm việc tới nhà lại mở máy tính lên tiếp. Gọi điện về cho bố mẹ trở thành việc hiếm, có được cuối tuần đủng đỉnh đi chơi với bạn bè gần như không thể, thậm chí họ còn không biết như thế nào là dành thời gian cho bản thân. Cứ nghĩ rằng "ở một mình" là cho bản thân những khoảng không gian riêng nhưng bạn lại vùi ngay vào đống công việc hay mạng xã hội, chứ không phải cho bản thân. Thời gian cho bản thân thực sự là khi chúng ta cảm nhận được mong muốn của mình và tìm ra câu trả lời cho những điều ấy, chứ không phải lại cắm đầu vào công việc.

Tôi vẫn nhớ mỗi buổi tối cuối tuần tranh thủ về nhà ăn tối cùng bố mẹ, không phải vì muốn cùng nhau ăn bữa cơm gia đình mà đáng buồn chỉ vì thấy tội lỗi vì đã lâu không về nhà. Trách người trẻ chúng tôi là vô tâm cũng được, nhưng đám trẻ khủng hoảng này cũng đang sa vào vùng lẫy của sự tuyệt vọng và mệt mỏi.

Bạn có nhận ra mình nhiều cảm xúc hơn, dễ khóc, dễ giận và rồi buồn bã không kiểm soát?

Dù công việc của bạn là gì, tôi đoán là có lúc bạn đã phải vào phòng vệ sinh khóc nức nở vì bị sếp mắng hay nằm thở dài, trằn trọc cả đêm rồi nghĩ: Hay thôi mai không đi làm nữa, nhưng nếu không đi làm thì lấy gì để sống?

Sự kiệt quệ của người trẻ không chỉ có một gương mặt mệt mỏi và giận dữ; bạn khóc, bạn cười, thở dài chán nản, đôi khi chẳng còn cảm xúc gì trên gương mặt ngoài sự trống rỗng. Cảm xúc đến nhanh và thay đổi cũng đột ngột; có những ngày bạn muốn bỏ hết tất cả trách nhiệm và sợ rằng mình đang rơi vào trầm cảm.

Tự hỏi bản thân 4 câu hỏi này, nếu 3/4 là có - bạn đang là một trong những người trẻ kiệt quệ vì công việc - Ảnh 5.

Điều đáng buồn là việc nhiều người coi đó là một điều bình thường của cuộc sống hiện đại; như thế hệ ông bà phải ra chiến trường thì thế hệ trẻ phải đương đầu với khủng hoảng và trầm cảm - nhiều người sẽ thấy "thiếu" nếu không trải qua những điều đó. Không rõ từ bao giờ, những điều tiêu cực lại được mặc định trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của đám trẻ chúng tôi?

Cả 4 câu hỏi, tôi đều trả lời là "Có", chính xác đến từng câu hỏi. Còn bạn, tôi có đang kể câu chuyện của bạn không?

Theo Skye - Design: Bi

Helino

Trở lên trên