MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ iPhone đến những chai bia đều sẽ tăng giá, động thái khơi mào chiến tranh thương mại của ông Trump lợi bất cập hại?

03-03-2018 - 14:32 PM | Tài chính quốc tế

Động thái của Mỹ khiến các nước, kể cả những đồng minh thân cận của Mỹ, chỉ trích gay gắt vì những ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu của họ. Tuy nhiên, trong chuyện này các doanh nghiệp Mỹ cũng không đồng tình, bởi thuế mới sẽ khiến giá cả của nhiều mặt hàng tăng cao.

Hôm qua (2/3), Tổng thống Donald Trump đã khiến thế giới rúng động khi tuyên bố kế hoạch áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Trước nỗi lo dâng lên về 1 cuộc chiến tranh thương mại sẽ bùng lên vì động thái này, ông Trump tiếp tục khẳng định trên Twitter rằng "chiến tranh thương mại là tốt và Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng".

Trả lời phỏng vấn trên Bloomberg TV sau đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Willbur Ross cho biết "trong số những lựa chọn mà tôi đưa lên, Tổng thống đã chọn áp thuế lên mọi sản phẩm đến từ mọi quốc gia", dập tắt niềm hi vọng của những quốc gia đang kỳ vọng sẽ có thể gây sức ép buộc Mỹ đưa họ vào danh trách miễn trừ.

Động thái của Mỹ khiến các nước, kể cả những đồng minh thân cận của Mỹ, chỉ trích gay gắt vì những ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu của họ. Tuy nhiên, trong chuyện này các doanh nghiệp Mỹ cũng không đồng tình, bởi thuế mới sẽ khiến giá cả của nhiều mặt hàng từ ô tô đến bia tăng cao và buộc các công ty phải cắt giảm việc làm.

Có thể dễ dàng dự đoán ngành ô tô và hàng không sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi giá nguyên liệu tăng cao, nhưng kể cả những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bia, đồ uống có gas, kẹo, đồ ăn đóng hộp và kể cả những vỉ thuốc đều phải dựa vào nhôm trong quá trình đóng gói. Các mặt hàng điện tử, như điện thoại iPhone của Apple, cũng sử dụng kim loại. Do đó, các tập đoàn lớn từ AB InBev đến General Motors hay Campbell Soup sẽ phải tính toán thật kỹ những tác động từ chính sách thuế mới của ông Trump.

Ngành ô tô và hàng không thiệt hại nhiều nhất

Toyota và Hyundai cho biết đề xuất thuế mới sẽ khiến giá ô tô bán ra ở thị trường Mỹ tăng lên. Theo Christin Baker, người phát ngôn của Ford Motor, nhận định do giá hàng hóa cơ bản trong nước tăng lên, khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ sẽ bị tổn hại. Trong khi đó mặc dù Honda Motor cho biết vẫn mua sắt và nhôm từ các nhà cung ứng Mỹ, kế hoạch thuế mới mang đến nhiều rủi ro bởi nó khiến giá của các mặt hàng cả nhập khẩu và nội địa tăng cao, gây ra gánh nặng tài chính không cần thiết lên người tiêu dùng.

Hàng hóa đóng hộp

Tất nhiên các loại hàng tiêu dùng đóng hộp không sử dụng nhiều kim loại bằng máy móc hay ô tô, nhưng theo những người đứng đầu ngành thì thuế nhập khẩu nhôm và thép vẫn sẽ gây ra những tác động lớn. Campbell Soup cảnh báo thuế tăng sẽ khiến giá của một trong những phần an toàn nhất và rẻ nhất của dây chuyền sản xuất thực phẩm bị đội lên.

Trong buổi phỏng vấn hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã cố gắng làm dịu nỗi lo lắng này khi cầm theo những lon soup và soda và nói rằng giá sẽ chỉ tăng lên chưa đến 1 xu. Tuy nhiên, các công ty bia đã hối thúc nội các của ông Trump hủy bỏ đề xuất về thuế mới, bởi theo họ đơn giản vì nguồn cung trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu về thép và nhôm của các doanh nghiệp Mỹ.

Theo số liệu thống kê, nhu cầu về thép lá mạ thiếc (tin-plate steel) là 2,1 triệu tấn trong năm 2016, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đạt 1,2 triệu tấn. CFO Felipe Dutra của ABInBev cảnh báo rằng ngành bia Mỹ sẽ mất đi 2 triệu việc làm vì chính sách thuế mới.

Kể cả trong nội bộ Đảng Cộng hòa cũng có nhiều người lên tiếng phản đối. Nghị sĩ Charlie Dent của bang Pennsylvania nêu lên mối lo ngại đặc biệt của Hershey Co., công ty sử dụng nhôm để đóng gói bánh kẹo như sản phẩm nổi tiếng socola Kisses.

Công nghệ

Tùy thuộc vào cách đánh thuế, iPhone, laptop và nhiều sản phẩm công nghệ khác sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều sản phẩm của Apple đang được làm ra ở Trung Quốc, trong đó có điện thoại sử dụng nhôm hoặc viền thép. Nếu thuế chỉ áp dụng với nguyên liệu thô, Apple sẽ không bị ảnh hưởng mấy vì chỉ có 1 lượng nhỏ máy tính Mac được sản xuất ở Mỹ. Tuy nhiên nếu thuế áp dụng với cả sản phẩm hoàn chỉnh thì giá iPhone có thể tăng thêm 0,2%.

Ngành sản xuất và nông nghiệp

Các ngành khác lo ngại nhiều hơn đến các biện pháp trả đũa. Lúa mì và nhiều nông sản khác sẽ bị ảnh hưởng nếu các đối tác thương mại chọn cách trừng phạt hàng xuất khẩu của Mỹ. Người phát ngôn của Hiệp hội lúa mì Mỹ cho biết tổ chức của ông đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ bị trả đũa và những tiền lệ cho thấy loại chủ nghĩa bảo hộ này có thể gây ra những hệ lụy rất nghiêm trọng.

Thị trường điện mặt trời cũng là 1 điểm yếu của Mỹ. Trong quá trình xây dựng các trang trại điện mặt trời, thép được sử dụng để làm cột và giá đỡ. Mức thuế nhập khẩu 25% sẽ làm chi phí xây dựng tăng thêm 2% mỗi watt.

Tập đoàn đồ điện gia dụng đến từ Thụy Điển Electrolux từng có kế hoạch đầu tư 250 triệu USD nâng cấp nhà máy ở Springfield, Tennessee. Tuy nhiên kế hoạch đang bị treo cho đến khi chính sách thuế trở nên rõ ràng hơn, theo người phát ngôn Daniel Frykholm.

Những đường ống dẫn dầu

Mặc dù than đá có thể hưởng lợi từ việc hoạt động sản xuất thép nội địa được tăng cường, ngành năng lượng của Mỹ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Hiệp hội đường ống dẫn dầu Mỹ ước tính thuế mới sẽ khiến chi phí trung bình để xây dựng 1 đường ống tăng thêm 76 triệu USD.

Theo Jack Gerard, giám đốc Viện Dầu mỏ Mỹ, ngành dầu khí nước này phụ thuộc vào những loại thép đặc biệt mà hầu hết các nhà sản xuất Mỹ không thể cung cấp.

Ngành thép

Tất nhiên là không phải ai cũng phản đối thuế mới. Các công ty thép và nhôm của Mỹ coi đây là 1 cách để hồi sinh hoạt động sản xuất nội địa. Theo John Ferriola, CEO của công ty thép Nucor, chính sách mới có thể giúp các công ty Mỹ hồi sinh và nâng công suất trở lại mức 85%. CEO Century Aluminum thì cho rằng công ty ông có thể tạo thêm 350 việc làm và 150.000 tấn thép mỗi năm.

Bên cạnh đó nhu cầu về than luyện kim có thể tăng trưởng hàng chục phần trăm nếu như thuế của ông Trump có thể nâng sản lượng thép của Mỹ tăng thêm ít nhất 80%.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với cách tiếp cận của ông Trump. Tuần trước Alcoa nói rằng cách giải quyết vấn đề tốt nhất là thông qua Tổ chức thương mại thế giới WTO. "Chúng tôi tin rằng những đối tác thương mại chủ trốt, trong đó có Canada, sẽ được miễn trừ. Ngành nhôm có 1 chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và không nên trừng phạt những bên vẫn tuân theo luật lệ", công ty nhôm lâu đời nhất nước Mỹ khẳng định.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên