Từ “khoán xe" ngẫm lại chuyện “Khoán 10“
Khoán – cái động từ dân giã rất phổ biến đến quen thuộc trong đời thường này giờ trở lại với tần suất cao trên các phương tiện truyền thông khi đề cập đến chuyện xe công, điện thoại... cho các cán bộ lãnh đạo.
Ai cũng biết đến hiệu quả của việc khoán. Trước hết đó là giao chỉ tiêu một cách rõ ràng cụ thể và người được khoán chủ động công việc của mình chẳng cần ai phải thúc giục, kiểm soát cả. Dân gian thường có hai loại hình khi thuê làm việc gì đó, một là “khoán” và hai là “công nhật”, loại hình thứ nhất phổ biến hơn.
Khoán trở nên một động lực thúc đẩy kinh tế xã hội và phát huy tác dụng tuyệt vời của nó từ khi trong nông nghiệp ở nước ta xuất hiện “khoán chui” và sau đó đánh dấu một bước nhảy vọt trong nghị quyết “khoán 10”, hiệu quả đã vượt khỏi sức tưởng tượng của nhiều người. Với thành công ấy, người ta đã nghĩ đến và mong ước có “khoán 10” ở nhiều lĩnh vực khác để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Khi bộ máy công chức phình to và không có cách gì làm nó xẹp xuống, các nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất phương án “khoán biên chế” và điều này cũng được thực hiện ở quy mô nhỏ, trong một số đơn vị nhưng rồi nó cũng không phát huy tác dụng nên lâu dần người ta cũng quên đi.
Trước việc sử dụng xe công lâm vào tình trạng “lạm dụng” gây lãng phí và tạo ra hình ảnh không đẹp trong dư luận xã hội thì cần có giải pháp khắc phục tình trạng này. Ngoài việc định mức xe công (số lượng và số tiền giá xe) thì có lẽ hữu hiệu nhất vẫn là khoán. Khoán, không những xe cộ mà cả những thứ khác phục vụ cho công vụ như nhà cửa, điện thoại, phương tiện làm việc,... sẽ rất hữu ích trong việc tiết kiệm cho ngân sách cũng như cho chính những đối tượng được hưởng. Cái tâm lý “xài chùa” khá phổ biến trong xã hội chúng ta, từ việc “cha chung không ai khóc” đến chuyện “nước sông, công lính”, coi tiền thuế của dân như tiền chùa.
Khoán, cũng là một hình thức góp phần loại trừ sự đặc quyền, đặc lợi, rút ngắn khoảng cách phân biệt đối xử giữa lãnh đạo và nhân viên. Làm được điều này tức là tránh được tình trạng lãnh đạo bao giờ cũng được hưởng quyền lợi nhiều hơn, từ lương thưởng đến danh hiệu thi đua, từ cái ghế ngồi trong phòng làm việc đến sự ưu tiên phương tiện đi lại. Tạo ra một khoảng cách như vậy thì đâu còn sự đoàn kết, vốn làm nên sức mạnh của bất cứ tập thể nào “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”!
Cũng có cái khoán mang lại sự bất công như việc “khoán” nhà, tức là đưa tiền nhà vào lương. Lương chỉ đủ sống cho bản thân viên chức làm sao có thể thuê nhà. Sau khi thực hiện chủ trương này, lập tức việc lo nhà ở cho cán bộ, nhân viên không còn như trước nữa, cơ quan trút đi một gánh nặng và tất nhiên gánh nặng ấy đặt lên vai những viên chức nghèo, lương ‘ba cọc, ba đồng” và không hề có một đặc quyền, đặc lợi nào cả, cái “đặc” này chuyển hóa sang một tầng lớp khác. Điều này tiềm ẩn những bất công xã hội và biểu hiện của nó là việc “chạy” để cũng được hưởng đặc quyền, đặc lợi khi ở một cương vị nhất định nào đó.
Khoán là một hình thức thay đổi một thói quen lạm dụng tình trạng “cha chung không ai khóc” nhưng kết quả của nó cũng phụ thuộc vào nhân cách, đạo đức, tác phong của người được khoán. Họ vẫn thích đi máy bay hạng thương gia thay vì giá rẻ, ngồi xe hơi đắt tiền hơn là đi xe đã được định mức. Không biết việc Thủ tướng Chính phủ đi công cán nước ngoài bằng máy bay thương mại thay vì chuyên cơ có tác động gì đến cấp dưới của ông không?
Khoán cần có lộ trình, đương nhiên là vậy, song, cái lộ trình nhân cách, vì nước, vì dân, hướng tới một nền công vụ phục vụ mới là điều quan trọng trong nhận thức của mỗi người.