MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ kinh nghiệm các nước, thí điểm thuế nhà ở tại Thanh Hóa có cần thiết?

Từ kinh nghiệm các nước, thí điểm thuế nhà ở tại Thanh Hóa có cần thiết?

Gần đây, Chủ tịch Quốc hội đã gợi ý việc Thanh Hoá nên nghiên cứu thí điểm chính sách thuế nhà ở (tài sản) để có thêm nguồn thu. Vốn là một loại thuế ra đời sớm ở đa số các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm các nước?

Các quốc gia trên thế giới áp dụng thuế nhà ở như thế nào

Thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có trên 90% quốc gia thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau.

Đơn cử như ở Anh, thuế dành cho bất động sản được chia làm hai loại bao gồm thuế dành cho nhà thứ nhất và thuế dành cho nhà thứ hai trở đi. Với nhà thứ nhất, mức thuế hiện tại ở Anh được tính lũy tiến 5 bậc dựa trên giá trị nhà.

Với bậc thấp nhất, bất động sản có giá trị dưới 125.000 bảng Anh sẽ được miễn hoàn toàn thuế, Kể từ mức giá trị 125.001 bảng Anh tới 250.000 bảng Anh, thuế suất sẽ ở mức 2%. Mức thuế suất cao nhất là 12% đối với giá trị của bất động sản trên 1,5 triệu bảng Anh.

Theo số liệu từ Chính phủ Anh, đa số hộ gia đình Anh hiện sở hữu một bất động sản trị giá dưới 250.000 bảng nên với số đông, mức thuế chỉ khoảng 0-2%.

Các bậc thuế tiếp theo chủ yếu đánh vào tầng lớp từ thu nhập trung bình khá tới nhóm siêu giàu tại Anh. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng không ủng hộ việc đầu cơ nhà nên thuế cho bất động sản thứ hai trở lên bị đánh thuế rất cao.

Theo đó, mức thuế sẽ là 3% với bất động sản có giá trị 0 đến 125.000 bảng Anh (trừ khi tài sản dưới 40.000 bảng Anh); 5% từ 125.001 - 250.000 bảng Anh; 8% từ 250.001 - 925.000 bảng Anh; 13% với giá trị từ 925.001 - 1.500.000 bảng Anh. Mức cao nhất là 15% đối với giá trị của bất động sản trên 1,5 triệu bảng Anh.

Từ kinh nghiệm các nước, thí điểm thuế nhà ở tại Thanh Hóa có cần thiết? - Ảnh 1.

Ở Anh, thuế dành cho bất động sản được chia làm hai loại bao gồm thuế dành cho nhà thứ nhất và thuế dành cho nhà thứ hai trở đi.

Tương tự ở Singapore, nếu chủ sở hữu ở tại căn nhà của mình thì mức thuế suất dao động từ 0-16% (tài sản để ở có giá trị hàng năm dưới 8.000 SGD sẽ được miễn thuế tài sản). Trong trường hợp chủ sở hữu cho thuê hoặc bỏ trống căn nhà, hoặc có bất động sản thứ hai đó thì mức thuế áp dụng sẽ từ 10-20%, tùy thuộc vào giá trị hàng năm của tài sản.

Chẳng hạn, với một căn hộ có giá trị phát sinh hàng năm là 36.000 SGD thì theo cách tính thuế lũy tiến của Singapore, chủ sở hữu sẽ phải trả một khoản thuế tài sản 1.120 SGD/năm nếu ở tại căn hộ đó, và con số này sẽ là 3.600 SGD/năm nếu cho thuê. (1 SGD = 0,76350 USD)

Ngoài ra, ở một số quốc gia khác như Brunei lại không đánh thuế đất mà chỉ đánh thuế nhà (gồm cả nhà thương mại) với mức 12% giá trị. Philippines quy định các loại nhà chịu thuế gồm nhà ở, nhà kinh doanh, đất ở, đất xây dựng công trình và tính thuế 2% ở Manila, 1% ở tỉnh khác. Indonesia áp thuế 0,5% đối với nhà, đất có giá trị vượt 8.000.000Rp (gần 600 USD).

Thuế tài sản ở Việt Nam cần thiết nhưng cần phải phù hợp và đúng đối tượng

Ở Việt Nam, gần đây, trong buổi họp góp ý dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Quốc hội đã gợi ý Thanh Hóa nên nghiên cứu thí điểm chính sách thuế nhà ở để có thêm nguồn thu. Nếu Thanh Hóa thí điểm thành công, sau này có thể nghiên cứu áp dụng thuế nhà ở cho Hà Nội và TP. HCM.

Đề xuất của Chủ tịch Quốc hội ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm. Đây không phải lần đầu tiên việc đánh thuế nhà ở được các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra.

Gần đây nhất, năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ với mục tiêu điều tiết nhóm có thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công. Tuy nhiên, chính sách này sau đó cũng không được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Từng đề cập đến những vấn đề xoay quanh thuế tài sản, tại buổi tọa đàm Tọa đàm về "Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam", TS. Hoàng Kim Huyền, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, việc ban hành thuế tài sản trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

"Tuy nhiên muốn sắc thuế thực sự đi vào thực tiễn và phát huy hết vai trò của nó cũng như nhận được sự đồng thuận từ phía đối tượng chịu thuế, thì Luật thuế tài sản chắc chắn phải phù hợp và đúng đối tượng", TS. Hoàng Kim Huyền nhấn mạnh.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên