MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 'kỳ tích' AEON, Việt Nam trở thành 'miền đất hứa' trong mắt các đại gia Nhật Bản: UNIQLO và MUJI khai trương liên tục, gần 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động

Từ 'kỳ tích' AEON, Việt Nam trở thành 'miền đất hứa' trong mắt các đại gia Nhật Bản: UNIQLO và MUJI khai trương liên tục, gần 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động

'Kỳ tích' kinh doanh của AEON trong giai đoạn khó khăn như hiện tại, đang tạo rất nhiều cảm hứng cho các đồng hương Nhật Bản khác quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam. Trong năm 2024, MUJI sắp chạm đến con số 13 cửa hàng, UNIQLO là 23; tân binh Nitori chào sân với 5 cửa hàng, Fuji Mart mở mới/cải tạo 6 cửa hàng…

Các doanh nghiệp bán lẻ ở thị trường Việt Nam đang chịu tác động rất xấu từ việc sức mua của người tiêu dùng giảm sút, do nền kinh tế nói chung đang trong giai đoạn ảm đạm. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi nhiều DN bán lẻ đến từ Nhật Bản lại có màn trình diễn ngược lại với những thắng lợi kinh doanh rực rỡ, tiêu biểu như AEON.

Trong quý tài chính từ ngày 1/3/2024 - 31/5/2024, AEON ghi nhận doanh thu hoạt động 109,43 tỷ yên. Trong đó, thị trường Việt Nam đạt hơn 4 tỷ yên, tương đương hơn 640 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tính trung bình mỗi ngày, Aeon thu khoảng 7 tỷ đồng tại Việt Nam.

Tương tự, lợi nhuận hoạt động tại thị trường này cũng tăng 21,9% so với cùng kỳ, đạt 1,3 tỷ yên, tương đương 210 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu hoạt động tại Việt Nam của Aeon chiếm khoảng 48% tổng doanh thu hoạt động tại thị trường Đông Nam Á, nhưng lợi nhuận hoạt động lại chiếm tới gần 92%.

Vào Việt Nam từ năm 2014, tính đến thời điểm này AEON đã có 6 TTTM tập trung ở 2 trung tâm kinh tế là Hà Nội và TPHCM, họ sắp khai trương thêm 1 TTTM mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2024.

Một năm trước, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 5/2023, theo ông Akio Yoshida, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn AEON, AEON hiện đã đầu tư 1,18 tỷ USD vào Việt Nam. Ông cho biết, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị, và vui chơi giải trí.

Sở dĩ, AEON phải nhanh chóng mở thêm TTTM là bởi họ đang đi quá chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu mở cửa hàng của các đồng hương giàu mạnh khác, như UNIQLO hoặc MUJI.

Đôi bạn cùng tiến UNIQLO – MUJI

Theo Cushman & Wakefield, 6 tháng vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ theo chuỗi ở tất cả các phân khúc mở rộng sự hiện diện của mình tại TP.HCM, đặc biệt là các FDI đến từ Nhật Bản.

Từ 'kỳ tích' AEON, Việt Nam trở thành 'miền đất hứa' trong mắt các đại gia Nhật Bản: UNIQLO và MUJI khai trương liên tục, gần 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động- Ảnh 1.

AEON mở thêm chi nhánh mới theo mô hình Super Supermarket tại Crescent Mall, thương hiệu home center Kohnan mở thêm 1 cửa hàng mới ở Vincom Lê Văn Việt, Nitori mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM – tọa lạc trong Vincom Mega Mall (VMM) Grand Park.

Đặc biệt, UNIQLO mở thêm cửa hàng tại Giga Mall và sắp khai trương thêm 2 cửa hàng nữa ở Vincom Plaza Lê Văn Việt cùng VMM Grand Park. Cuối năm 2023, theo chia sẻ của UNIQLO, thị họ có 22 cửa hàng trên toàn quốc.

Phần mình, MUJI cũng sắp khai trương tại Vincom Plaza Lê Văn Việt, Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích, Thiso Mall Sala.

Từ 'kỳ tích' AEON, Việt Nam trở thành 'miền đất hứa' trong mắt các đại gia Nhật Bản: UNIQLO và MUJI khai trương liên tục, gần 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động- Ảnh 2.

Ở thị trường miền Bắc, ngày càng nhiều cửa hàng trải nghiệm và concept mới ở trong các TTTM: Fuji Mart (thuộc liên mình BRG và Sumitomo) mở mới/cải tạo 6 cửa hàng trong nửa năm đầu 2024, MUJI sắp khai trương tại Vincom Mega Mall – Royal City. Trên website MUJI cập nhất tới tháng 7/2024, họ có 9 cửa hàng.

Như thế, trong năm 2024, ít nhất UNIQLO sẽ có 25 cửa hàng và MUJI có 13 cửa hàng. Thật ra, nếu tính theo diện tích mặt bằng, thì 13 cửa hàng của MUJI ở Việt Nam có thể bằng 26 cửa hàng MUJI ở các thị trường khác.

Theo chia sẻ từ ông Tetsuya Nagaiwa - Tổng Giám đốc MUJI Việt Nam vào tháng 3/2023, thì: "So với các thị trường châu Á lân cận như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, các cửa hàng MUJI tại Việt Nam hiện đang có diện tích bán lẻ trung bình lớn nhất, khoảng 2.000m2.

Con số này gần gấp đôi mức trung bình của các cửa hàng toàn cầu, kể cả Nhật Bản. Nhờ vậy, chúng tôi có thể trưng bày đa dạng các sản phẩm từ nhiều nhóm ngành hàng nhất có thể, từ đó, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn và mua sắm thường xuyên hơn.

Về việc khai trương bao nhiêu cửa hàng mới trong tương lai, tôi chưa thể tiết lộ con số chính xác, nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn 2 cửa hàng. Trải qua đại dịch và gặp nhiều khó khăn, đến nay tình hình kinh doanh đã ổn định trở lại, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng thị trường một cách suôn sẻ".

MUJI Việt Nam luôn tìm kiếm những mặt bằng bán lẻ từ 2.000m2 trở lên cho các cửa hàng mới nằm trong TTTM, song điều này gặp ít nhiều khó khăn, do đa phần diện tích các TTTM tại Việt Nam khá hạn chế. Đây cũng là lý khiến tốc độ mở rộng của hàng của họ ở TP.HCM nhanh hơn Hà Nội.

Theo Cushman & Wakefield, thị trường Hà Nội không có thêm nguồn cung mới ra mắt trong quý II/2024, tính chung 6 tháng đầu năm, ở đây chỉ chào đón thêm 10.200 m2 diện tích bán lẻ mới từ dự án The LinC @ ParkCity Hanoi.

Ngược lại, TP.HCM có nguồn cung mới và cải tạo trong 6 tháng đầu năm 2024 là 52.421m2. Cụ thể: Vincom 3/2 hoàn tất cải tạo và tái khai trương trong tháng 6, VMM Grand Park ra mắt trong tháng 6 và chính thức khai trương vào cuối tháng 7, chính thức khai trương thêm tầng L2 và L3 tại Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích trong tháng 8…

Từ 'kỳ tích' AEON, Việt Nam trở thành 'miền đất hứa' trong mắt các đại gia Nhật Bản: UNIQLO và MUJI khai trương liên tục, gần 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động- Ảnh 3.

Bà Từ Thị Hồng An - Giám Đốc Cấp cao Bộ phận Dịch vụ Cho thuê Thương mại Savills Việt Nam

Phần mình, bà Từ Thị Hồng An, Giám Đốc Cấp cao Bộ phận Dịch vụ Cho thuê Thương mại Savills Việt Nam cũng chỉ ra xu hướng nổi bật khi các khách thuê ngành F&B đang thúc đẩy nhu cầu mở rộng tại TP.HCM cũng như các thị trường lân cận như Bangkok, Singapore. Thêm đặc điểm nữa, các khách thuê đến từ Nhật Bản là tích cực nhất.

Bà dẫn chứng, Nitori - nhà bán lẻ đồ gia dụng và nội thất của Nhật Bản, vừa mới tham gia thị trường với 5 cửa hàng, thể hiện tham vọng phát triển nhanh như MUJI. Bản thân MUJI cũng có kế hoạch mở thêm 100 cửa hàng nữa trên khắp Đông Nam Á - trong đó tập trung vào thị trường Việt Nam.

Báo cáo của Savills ghi nhận các giao dịch trong 6T/2024 đạt quy mô trung bình 256 m2 NLA, tăng 26% theo năm khi các chuỗi thương hiệu lớn như MUJI, Poseidon, UNIQLO mở rộng. Ngành thời trang chiếm 35% diện tích cho thuê, tiếp theo là F&B với 30%; thiết bị gia dụng & nội thất 15% và giải trí chiếm 11%.

Ở góc độ thị trường chung, bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM nhận định: "Nền kinh tế nội địa phục hồi mạnh mẽ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ, thu hút các thương hiệu mới gia nhập thị trường và tiếp tục mở rộng".

70% DN Nhật muốn mở rộng hoạt động ở thị trường Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới

Không chỉ bán lẻ mà các DN trong lĩnh vực chế tạo – sản xuất của Nhật Bản cũng rất quan tâm thị trường Việt Nam.

Trong năm 2023, cả DN Nhật Bản và Việt Nam đều gặp rất nhiều khó khăn và họ tiếp tục chịu ảnh hưởng xấu từ sức mua giảm sút của người tiêu dùng cùng sự ảm đạm chung của nền kinh tế trong năm 2024. Song song đó, chúng ta vẫn thấy kinh tế Việt Nam một phần nào đó đang dần hồi phục, xuất nhập khẩu đang hồi phục khá đáng kể.

Từ 'kỳ tích' AEON, Việt Nam trở thành 'miền đất hứa' trong mắt các đại gia Nhật Bản: UNIQLO và MUJI khai trương liên tục, gần 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động- Ảnh 4.

Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TP Hồ Chí Minh (JETRO)

Tuy nhiên, kể cả thế thì theo ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TP Hồ Chí Minh (JETRO), thì sự quan tâm của các DN Nhật Bản đến thị trường Việt Nam chưa bao giờ hạ nhiệt. Theo đó, sẽ có 18 DN Nhật Bản (16 trong đó là người mới) tham gia METALEX Việt Nam năm 2024. METALEX Việt Nam 2024 sẽ có 350 DN tham gia.

"Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Theo khảo sát, có 56,7% những doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm mở rộng kinh doanh trong 1 – 2 năm tới, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chiếm 47,1%.

Tính đến tháng 6/2024, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam là 1.225 triệu USD, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ, trở thành quốc gia đứng thứ 3 về giá trị đầu tư tại Việt Nam (đứng thứ 2 nếu tính cả vốn góp mua cổ phần). Tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam năm 2023 được mở rộng là 41.9% (tỷ lệ này của Indonesia – Thái Lan khá thấp), tăng 4.6 điểm so với năm 2022 với tốc độ tăng trưởng 10 năm đứng thứ hai sau Ấn Độ.

Tỷ lệ thu mua từ các doanh nghiệp địa phương Việt Nam tăng trưởng dần qua các năm đạt 17.2% (tăng 2.2 điểm so với cùng kỳ). Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ 'mở rộng' tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28.8% của ASEAN", ông Matsumoto Nobuyuki thông tin thêm.

RX Tradex Việt Nam – đơn vị tổ chức "METALEX Vietnam 2024" vừa ký kết hợp tác cùng JETRO, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) và Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh (CSID) để tổ chức "Supporting Industry Show 2024 – Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2024" lần thứ 23 tại Việt Nam và lần thứ 12 tại TP.HCM.

"Supporting Industry Show 2024 – Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2024" là triển lãm dựa trên "Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam" được thiết lập năm 2003 theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Nhật Bản và Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam và "Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)" liên quan đến hợp tác ngành công nghiệp hỗ trợ.

Quỳnh Như

An ninh tiền tệ

Trở lên trên