MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ "kỳ tích sông Hàn" đến "kỳ tích sông Hồng"

Hàn Quốc và Việt Nam đã từng có chung xuất phát điểm, là những nước nghèo, lạc hậu, bị tàn phá sau chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ vào “hận thù”, Hàn Quốc đã có sự chuyển mình đáng kinh ngạc mang tên Kỳ tích sông Hàn.

Trong tiếng Hàn, có một từ không thể dịch nghĩa được. Đó là “Han”, hàm nghĩa là căm giận, uất hận, được tích tụ theo năm tháng và không thể chấm dứt. Sự hận thù đó những tưởng sẽ bào mòn và huỷ hoại con người, nhưng Hàn Quốc đã triệt để tận dụng căn tính dân tộc, biến nó thành động lực để vươn lên thành một quốc gia hùng mạnh.

Những năm 1960, Hàn Quốc là một quốc gia, với ấn tượng là đội quân đánh thuê của Park Chung Hee. Hàn Quốc lúc ấy không được biết đến với những thương hiệu toàn cầu đình đám hay những "oppa" sành điệu mà chỉ có Samsuck - tên gọi giễu nhại của Samsung vì mọi linh kiện sản xuất ra đều là rác.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Hàn Quốc bắt đầu chinh phục thế giới bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân liên tục trong 40 năm đạt 7,6%. GDP của nước này đã nhảy vọt từ 100 USD năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995; 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 32.400 USD vào năm 2014.

Đến năm 2015, Hàn Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và là nước châu Á đứng thứ 3 sau Nhật Bản và Singapore với thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 28 trên thế giới. Thế giới gọi hiện tượng này là Kỳ tích sông Hàn.

Không chỉ thành công về kinh tế, Hàn Quốc còn thành công trên một lĩnh vực khác, đó là văn hoá. Sự thành công ấy mạnh mẽ đến nỗi dấy lên những lo ngại về một cuộc xâm lược văn hoá khi mọi giá trị của Hàn trở thành chuẩn mực. Trên phương diện này, Hàn Quốc đã vượt mặt Trung Quốc, vì tham vọng của Trung Quốc khi thành lập một loạt học viện Khổng Tử thì thất bại còn làn sóng Hallyu thì không.

Điều thần kỳ này được lý giải bằng “Han”. Đối với người Hàn Quốc, nỗi hận đã quyết định số phận của họ.

Bên trong của mỗi người Hàn Quốc tồn tại một “han”. Cả đất nước Hàn luôn tồn tại một sự căm hận, giận dữ. Nó đã được tích tụ, dồn nén bởi lịch sử của họ là lịch sử của một nước bị đô hộ, 5000 năm với hơn 400 lần bị xâm chiếm. Người Hàn “han” với người Nhật hơn 600 năm.

Chứng kiến Nhật Bản đô hộ, chèn ép, bóc lột đã khiến Hàn Quốc nung nấu trả thù: bằng mọi giá phải vượt qua Nhật Bản, và phải trở thành số 1. Điều đó tồn tại trong suy nghĩ của mọi người, ngay cả một đứa trẻ khi so sánh chất lượng của cây bút với câu hỏi tại sao đồ Hàn thì chưa tốt bằng đồ Nhật. Tâm lý đó khiến người Hàn lao động một cách hăng say đến cực đoan.

Cực đoan đến mức năm 1995, khi một số điện thoại trong dòng sản phẩm mới của Samsung bị lỗi, Lee Kun Hee – Chủ tịch của công ty bấy giờ đã ra một quyết định sốc: yêu cầu nhân viên đập nát và đốt hết kho hàng.

Vài trăm ngàn chiếc điện thoại bị phá huỷ. Một đám cháy trị giá 50 triệu đô chỉ để nhắc nhở “chất lượng là nhân cách và giá trị của tôi”. Nhờ thế, từ Samsuck (cách gọi chế giễu Samsung ngày trước), năm 2002, Samsung đã đánh bại Sony của Nhật. Năm 2005, giá trị vốn hoá thị trường của Samsung là 75 tỉ USD, gấp 2 lần Sony.

Động cơ của Hàn Quốc đến từ nỗ lực chiến thắng con quỷ của chính họ, Euny Hong, nhà báo gốc Hàn lý giải.

Nếu nhìn lại, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm giao nhau về địa lý và lịch sử. Xét về tâm lý hậu chiến, người Việt cũng không hề kém người Hàn. Nhưng ở Việt Nam, câu hỏi bao giờ động lực đó mới đủ mạnh để tạo ra một Kỳ tích sông Hồng, như Kỳ tích sông Hàn trước đó vẫn là một câu hỏi ngỏ, chưa có lời hồi đáp!

PV

Đình Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên