MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tư lệnh ngành "mổ xẻ" nghịch lý giá heo

26-10-2021 - 14:14 PM | Thị trường

Ngày 25-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định ngành nông nghiệp sẽ đưa ra nhiều kịch bản để bảo đảm cung - cầu thịt heo, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán

Trước đó, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến đầu tháng 10-2021, tổng đàn heo cả nước đạt trên 28 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh - thành thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm 30%-50%. Dù các địa phương đã trở lại trạng thái "bình thường mới" song mọi hoạt động còn hạn chế nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn chưa nhiều, kéo theo giá heo hơi còn thấp.

Dấu hiệu tăng giá heo hơi trở lại

Tuy nhiên, trong 2-3 ngày qua, giá heo xuất chuồng đã tăng trở lại với mức tăng 5.000-6.000 đồng/kg. Bộ NN-PTNT dự báo giá heo xuất chuồng tiếp tục tăng trong khoảng 2 tuần tới do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng và việc lưu thông thuận lợi hơn.

Theo ghi nhận thực tế ngày 25-10, giá heo hơi tại miền Bắc tăng lên mức 48.000-51.000 đồng/kg, tại miền Nam phổ biến ở mức 46.000-47.000 đồng/kg, vượt xa mức giá "đáy" khoảng 35.000 đồng/kg cách đây 3 tuần. Chiều cùng ngày, một công ty chăn nuôi có thị phần lớn cũng thông báo tăng giá heo hơi thêm 3.000 đồng/kg, đưa giá heo hơi khu vực phía Nam lên mức hơn 50.000 đồng/kg - ngưỡng hòa vốn của doanh nghiệp (DN) chủ động con giống, thức ăn.

Đáng lưu ý, chênh lệch giá heo hơi và heo bán lẻ được kéo giảm thêm nhờ cuối tuần qua, giá thịt heo bình ổn tại TP HCM giảm 8%-23% (tương đương 12.000-15.000 đồng/kg) xuống mức 105.000-148.000 đồng/kg.

Trước diễn biến giá heo hơi tăng những ngày gần đây, một thành viên của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhìn nhận kinh tế dần mở cửa mạnh hơn đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ. Tuy vậy, ông lưu ý giá heo hơi tăng nóng cũng là "con dao hai lưỡi", tuy có lợi cho người chăn nuôi nhưng có thể khiến tiêu thụ heo giảm xuống, mở đường cho heo đông lạnh nhập khẩu tràn về.

Ở góc độ quản lý ngành, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh giá cả trên thị trường được quyết định dựa vào cung - cầu. Tuy nhiên, khi thị trường bị đứt gãy do dịch Covid-19 bùng phát, công tác thông tin tuyên truyền sẽ tạo nên yếu tố cảm xúc tác động lên giá.

"Đơn cử, đang có thông tin tồn đọng 8 triệu con heo trong chuồng. Nếu chỉ đưa mỗi thông tin đó là không chính xác và tạo hiệu ứng khiến người nông dân bán tháo bằng mọi giá. Vì vậy, cần bình tĩnh phân tích toàn bộ chuỗi cung ứng xem nguyên nhân nằm ở đâu để tháo gỡ. Ngoài ra, chênh lệch lớn giữa giá heo hơi và giá thịt heo không loại trừ do chi phí các khâu trung gian tăng quá cao khiến thương lái "ép giá" để bù đắp. Song, cũng cần làm rõ yếu tố chủ quan, ở đây là "lợi ích nhóm", chiếm bao nhiêu so với yếu tố khách quan để tạo niềm tin cho người nông dân" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng thừa nhận ngành chưa làm tròn trách nhiệm dự báo thị trường và sẽ chấn chỉnh lại.

Tư lệnh ngành mổ xẻ nghịch lý giá heo - Ảnh 1.

Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá cao do chi phí ở các khâu trung gian còn lớn. Ảnh: AN NA

Đưa ra nhiều kịch bản

Dự báo thị trường từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng việc mở cửa linh hoạt trong điều kiện an toàn sẽ tác động thuận lợi tới cung - cầu và giá cả. Tuy vậy, thị trường có thể diễn biến rất khó lường và ngành nông nghiệp không thể quyết định tất cả câu chuyện thị trường.

Chẳng hạn, dòng người từ đô thị đổ về các địa phương thời gian qua đã khiến dịch ở một số tỉnh bắt đầu bùng lên, khó tiên đoán được tình hình Tết năm nay. "Bộ NN-PTNT có trách nhiệm đưa ra nhiều kịch bản để bảo đảm cung - cầu, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, tất cả các phương án chỉ là dự trù. Hy vọng khi độ phủ vắc-xin đã cao, chiều hướng thị trường sẽ tốt hơn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Nêu giải pháp cụ thể, Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp sẽ bám sát thị trường trên cơ sở thống kê, phân tích lại đầu cung theo từng thời điểm, rà soát lại nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết trong nhiều năm qua. Đồng thời, làm việc với các trung tâm phân phối tiêu thụ lớn và phân tích số liệu cụ thể. Việc này nhằm khắc phục thực tế ngành nông nghiệp bám số liệu chưa sát trong thời gian qua.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất, phòng chống dịch bệnh bên cạnh đưa ra giải pháp hỗ trợ địa phương ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, cung ứng trực tiếp sản phẩm thông qua hệ thống phân phối sẵn có, xây dựng liên kết ngang hợp tác xã - tổ hợp tác - chi hội...

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu kinh nghiệm trong điều kiện giá nguyên liệu tăng cao, một số địa phương đã xuất hiện mô hình tận dụng phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp để thay thế phần nào nguyên liệu mua ngoài. Hoặc, việc người chăn nuôi mua chung nguyên liệu đầu vào cũng giúp chi phí giảm xuống... Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu chăn nuôi có sẵn tại địa phương, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để giảm chi phí.

Kiến nghị giảm thuế thức ăn chăn nuôi

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Cụ thể, Bộ NN-PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu thịt heo. Đặc biệt, đề nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và tăng hoặc giữ thuế nhập khẩu thịt để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước

Theo Văn Duẩn - Vương Ngọc

Người lao động

Trở lên trên