Từ năm 2030, Hà Nội dừng hoạt động xe máy: Sớm hay muộn?
Đây là câu hỏi đang nhận được rất nhiều người đặt ra khi vào ngày 4/7 vừa qua, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, trong đó có xe máy.
- 08-07-2017Có nên lạc quan vào Đề án cấm xe máy vào nội đô Hà Nội?
- 07-07-2017Cấm xe máy - quyết định khó khăn nhưng cần thiết
- 06-07-2017Hà Nội cấm xe máy vào nội đô từ 2030: ‘Đừng tranh cãi nữa, hãy làm đi’
- 05-07-2017Hà Nội cấm xe máy, doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi lớn nếu biết trước điều này
- 30-06-2017Giám đốc Sở giao thông Hà Nội: Năm 2030 sẽ đủ điều kiện để cấm xe máy
- 22-06-2017Hà Nội cấm xe máy: Dễ hay khó?
Tại phiên làm việc sáng 4/7, với tỷ lệ đại biểu tán thành trên 91%, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030.
Điểm đáng ý nhất trong nghị quyết là Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Với khoảng 5 triệu xe đang lưu hành trên khoảng hơn 7 triệu dân, việc dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, cùng những ý kiến trái chiều của người dân.
Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với ông Tô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.
Cơ sở nào để Hà Nội thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, trong đó có một điểm đặc biệt đáng chú ý là sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030?
Hà Nội đang đứng trước một tình thế khá đáng lo ngại là phát triển vận tải hành khách công cộng quá chậm. Ước tính hiện nay, vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được khoảng 10% lưu lượng đi lại trong thành phố.
Vận tải công cộng hạn chế, nên việc phương tiện cá nhân phát triển mạnh để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân là điều hoàn toàn có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên khi mà phương tiện cá nhân quá nhiều, vận tải hành khách công cộng cùng cơ sở hạ tầng còn yếu đã dẫn đến hậu quả là tình trạng ùn tắc xảy ra trên nhiều tuyến đường.
Điều này là cơ sở chính cho việc thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông của HĐND TP.Hà Nội. Trong đó hướng tới mục tiêu kiểm soát phương tiện cá nhân và đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng.
Với hiện trạng vận tải hành khách công cộng, cơ sở hạ tầng hiện tại, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về thời điểm năm 2030 khi Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành. Ông nghĩ gì về thời điểm này, nó là sớm hay muộn?
Theo quan điểm của tôi, việc hạn chế phương tiện cá nhân là điều cần thiết. Trong đó riêng với xe máy, từng bước hạn chế, tiến tới dừng hoạt động sẽ xảy ra.
Việc dừng hoạt động xe máy cũng có gì phải bàn luận nhiều nếu không gắn với một thời điểm cụ thể.
Còn khi gắn với một thời điểm cụ thể 2030, 2035 hay 2040 thì vấn đề là chúng ta phải có một đề án, từ nay đến thời điểm đó, sẽ phát triển hành khách công cộng đến mức nào, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đến đâu... cho phép dừng hoạt động xe máy. Gắn với những điều này, quyết định dừng hoạt động xe máy sẽ sẽ logic hơn, khoa học hơn và hợp lý hơn.
Và việc chưa có một đề án về phát triển vận tải hành khách công cộng và hạ tầng giao thông để thay thể cho xe máy thì rất khó nói thời điểm năm 2030 là sớm hay muộn.
Nếu thành phố tập trung chỉ đạo sát sao, tập trung các nguồn lực, thời điểm năm 2030 có thể thực hiện được. Nhưng nếu chung ta đề ra một nghị quyết về dừng hoạt động xe máy nhưng không đi kèm với những nỗ lực tập trung cao độ để phát triển vận tải hành khách công cộng hay cơ sở hạ tầng giao thông, thì nó có thể là quá sớm.
Hợp lý nhất là gắn việc dừng hoạt động xe máy với những điều kiện về phát triển vận tải hành khách công cộng và cơ sở hạ tầng.
Theo ông Tuấn, quyết định dừng hoạt động xe máy nên đi kèm với một đề án phát triển vận tải hành khách công cộng và cơ sở hạ tầng chi tiết
Có rất nhiều ý kiến cho rằng xe máy không phải nguyên nhân gây ùn tắc. Nguyên nhân chính nằm ở sự yếu kém về vận tải hành khách công cộng và cơ sở hạ tầng yếu kém. Họ đưa ra quan điểm là cứ phát triển giao thông công cộng. Khi người dân nhận ra sự tiện lợi của hình thức này sẽ tự động hạn chế hoặc từ bỏ xe máy. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
Chúng ta phát triển giao thông công cộng là tiền đề để hạn chế xe máy. Song nếu ta cứ phát triển giao thông công cộng, trong khi không nói gì đến việc dừng hoạt động động xe máy, tôi cho là điều không hợp lý.
Chúng ta muốn phát triển vận tải hành khách công cộng một cách tập trung có đầu tư lớn, có sự chỉ đạo sát sao quyết liệt trong một thời gian ngắn cần phải có một chương trình cụ thể.
Điều này tương ứng nếu muốn hạn chế xe máy cũng phải có một lộ trình, chương trình công bố cho người dân biết, để họ hạn chế mua xe máy, tìm cách chuyển đổi dần xe máy tương ứng với thời hạn công bố.
Nếu giao thông công cộng cứ phát triển, trong khi quản lý xe máy không tốt, cứ để loại phương tiện này phát triển thì càng nguy hiểm hơn.
Nên có 1 chương trình dài hạn, toàn diện bao gồm 2 vế. Trong đó, 1 vế là phát triển vận tải hành khách công cộng và cơ sở hạ tầng giao thông, 1 vế là hạn chế các phương tiện cá nhân trong đó có xe máy.
Hiện, Hà Nội đang có hơn 7 triệu dân, khoảng 500.000 ô tô, giao thông công cộng gần như chỉ là xe bus. Trong vòng 13 năm nữa, Hà Nội cần có một quy hoạch tổng thế thế nào để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân?
Về quy hoạch chung về phát triển đô thị của Hà Nội đã có, trong đó bao gồm nội dung về quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Nói về quy hoạch, chung ta đã có rồi. Vấn đề là chúng ta thực hiện quy hoạch đó như thế nào, có hoàn thành được các mục tiêu như đã đề ra hay không.
Ví dụ đến năm 2030, chúng ta đặt mục tiêu vận tải hành khách công cộng phải đạt 50% khối lượng di chuyển của người dân trong thành phố. Điều này có thực hiện được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc có huy động đủ được các nguồn lực, có tập trung phát triển giao thông công cộng đủ đến mức cần thiết hay không?
Song về chi tiết thì tôi nhấn mạnh về tầm quan trọng của 2 loại phương tiện giao thông công cộng là: Đường sắt đô thị (trên cao, mặt đắt, dưới ngầm) và xe bus (bus thường, bus nhanh).
Vận tải đường sắt đô thị cần đầu tư rất lớn, phụ thuộc vào các tuyến cố định nên không thể giăng mạng lưới dày đặc như xe bus. Nhưng đường sắt đô thị có lợi thế là khối lượng vận chuyển khi đã có tuyến là lớn hơn hẳn xe bus.
Cho nên cần bố trí vận tải đường sắt đô thị trên các trục giao thông tập trung lớn, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Nếu đưa được vào sử dụng các tuyến đường sắt đô thị sẽ là giải pháp rất cơ bản để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông
Tuy nhiên, nếu nhìn trên toàn thành phố, đường sắt đô thị có khối lượng vận tải cũng chỉ tương đương với xe bus. Cụ thể, xe bus gom ở những tuyến mà lượng hành khách không lớn lắm song phân bố dải ở khắp nơi nên chiếm tỷ trọng vận tải không kém gì đường sắt đô thị.
Căn cứ vào tốc độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, người dân đang rất lo lắng về thời điểm năm 2030. Lo lắng này có cơ sở hay không?
Như tôi đã nói ở trên, phát triển vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đang rất chậm, biểu hiện ở nhiều mặt. Trong đó tuyến đường sắt đô thị đang xây dựng là một biểu hiện. Nếu cứ với tốc độ này, không đạt được mục tiêu 50% vận tải hành khách công cộng vào năm 2030 là hoàn toàn có cơ sở. Và người dân lo lắng là hợp lý.
Tuy nhiên từ nay đến năm 2030, vẫn còn 13 năm nữa, thời gian không phải là ngắn. Nếu thành phố có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Ông có lời khuyên gì để người dân có được sự chuẩn bị tốt nhất cho việc dừng hoạt động xe máy trong nội đô vào năm 2030?
Về người dân, trước hết nên xác định nên có sự đồng cảm, thống nhất với các cơ quan Nhà nước, thành phố, các chuyên gia ở điểm là phải ủng hộ cho phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Khi các phương tiện vận tải hành khách công cộng phát triển, người dân nên chủ động sử dụng. Ngoài ra cũng cần từ bỏ tâm lý là sẽ sử dụng phương tiện cá nhân trong vòng 20 - 30 năm tới, mà phải xác định phương tiện vận tải công cộng ưu nhiệt về nhiều mặt. Nó không chỉ có lợi cho cả thành phố, cộng đồng, Nhà nước mà cho cả chính bản thân.
Bên cạnh đó, người dân cần xác định rõ tâm thế khác nhau giữa sử dụng và sở hữu. Người dân tại châu Âu, Mỹ, tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân rất cao nhưng họ sử dụng ít, đi làm chủ yếu bằng phương tiện giao thông công cộng. Ô tô chủ yếu dùng cho những tuyến giao thông công cộng không thuận tiện, hoặc ngày nghỉ hay ngày cuối tuần.
Ngoài tư tưởng, người dân cần có tính toán hợp lý là có nên mua phương tiện cá nhân mới hay không, cũng như tìm cách chuyển đổi dần xe máy tương ứng với thời hạn công bố.
VTV1