MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ người dẫn đầu thành ‘kẻ lạc hậu’, nền kinh tế số 1 châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái khác

21-08-2023 - 15:44 PM | Tài chính quốc tế

Từ người dẫn đầu thành ‘kẻ lạc hậu’, nền kinh tế số 1 châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái khác

Đây có thể là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy giảm GDP trong năm nay.

Kinh tế Đức nhuốm màu ảm đạm. Nước này đang trong quá trình hồi phục sau cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông năm ngoái. Mặc dù tình hình có phần khả quan hơn nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái khác.

Theo tờ Financial Times (FT), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều nhận định Đức có thể là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy giảm GDP trong năm nay.

Từ người dẫn đầu thành ‘kẻ lạc hậu’, nền kinh tế số 1 châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái khác - Ảnh 1.

Tại sao Đức lại gặp ‘tình huống’ này?

Theo FT, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới ghi nhận quý II/2023 đình trệ và là quý thứ 3 liên tiếp trải qua tình trạng này.

Phần lớn nguyên nhân do lĩnh vực sản xuất toàn cầu sụt giảm. Đây là “cú sốc” lớn và gây ảnh hưởng nặng nề đến Đức bởi ngành công nghiệp sản xuất chiếm hơn 1/5 sản lượng kinh tế của nước này. Đó là mức tương đương với Nhật Bản, nhưng gần gấp đôi so với Mỹ, Pháp và Anh.

Oliver Holtemöller, người đứng đầu bộ phận kinh tế vĩ mô tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle cho biết giá năng lượng tăng cao và một số căng thẳng thương mại đã tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực này. Chi phí sử dụng vốn cao hơn và tình trạng thiếu công nhân lành nghề cũng khiến nước này “chịu áp lực” không nhỏ.

Giá khí đốt và điện của Đức đã giảm từ năm ngoái nhưng chúng vẫn cao hơn so với nhiều quốc gia khác ngoài khu vực châu Âu.

Hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực như hóa chất, thủy tinh và giấy cũng giảm 17% kể từ đầu năm ngoái.

Từ người dẫn đầu thành ‘kẻ lạc hậu’, nền kinh tế số 1 châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái khác - Ảnh 2.

Hoạt động sản xuất trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức tổn thất nghiêm trọng

Franziska Palmas, chuyên gia kinh tế cấp cao của Capital Economics cho biết triển vọng ngành công nghiệp Đức rất ảm đạm. Thêm nữa, ngành sản xuất ô tô cũng đang bị “đe dọa”, dù nó từng là một trong những lĩnh vực chủ lực. Các thương hiệu lớn của Đức đang mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc trong hoạt động sản xuất xe điện.

Martin Wolburg, chuyên gia kinh tế cấp cao của Generali Investments châu Âu nhận định: “Ô tô - hàng hóa xuất khẩu chính của đất nước đang bị cạnh tranh gay gắt”.

Một khảo sát được thực hiện trong tháng này của Consensus Economics cho thấy dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 0,35% trong năm 2023.

Chẳng còn là người dẫn đầu

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Đức hồi phục nhanh hơn so với các nước còn lại thuộc Eurozone. Nhưng người dẫn đầu dần dần trở thành “kẻ tụt hậu”.

Từ người dẫn đầu thành ‘kẻ lạc hậu’, nền kinh tế số 1 châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái khác - Ảnh 3.

Tăng trưởng GDP theo quý (%)

Theo dữ liệu từ Văn phòng thống kê Đức, GDP nước này sụt giảm 0,3% trong quý I/2023 thay vì tăng trưởng 0% như báo cáo được công bố trước đó. Trong quý IV/2022, GDP của nước này cũng đã sụt giảm 0,5%.

Các chuyên gia cho biết khả năng cạnh tranh của Đức đã bị “hạn chế” đáng kể do chi phí lao động tăng, thuế cao hay thiếu số hóa trong các dịch vụ công.

Chính phủ đang làm gì để vực dậy nền kinh tế?
Được biết, lãnh đạo nước Đức đang tiến hành thực hiện nhanh chóng hàng loạt dự án để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tăng nguồn cung lao động.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng chính phủ Đức đang đi đúng hướng khi cố gắng giải quyết các vấn đề cốt lõi hơn là cung cấp một gói kích thích tài chính ngắn hạn. Bởi lẽ các vấn đề bên trong nước Đức đang gây ra tác động kinh tế lớn hơn so với ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng hay lạm phát cao.

Hy vọng

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng một số nhà kinh tế vẫn cho rằng Đức sẽ không lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện tại trong thời gian quá dài. Điều này có thể thành hiện thực khi giá năng lượng ở mức vừa phải và hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi.

Florian Hense, nhà kinh tế cấp cao tại Union Investment của Đức cho biết: “Tôi cho rằng tình huống bi quan đã bị thổi phồng. Dự báo tăng trưởng của đất nước sẽ trở lại mức trung bình 1,5% của Eurozone vào năm 2025”.

Chi tiêu của người tiêu dùng có thể phục hồi khi tiền lương tại Đức tăng nhiều hơn 5%. “Tăng lương là một trong những lý do chính khiến chúng tôi nghĩ rằng sẽ chỉ có một cuộc suy thoái nhẹ”, nhà kinh tế Krämer của Commerzbank cho biết.

Tham khảo FT



Thùy Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên