Từ những người thất nghiệp giữa mùa dịch: Sợ hãi không giúp tìm việc mới, hoảng loạn chẳng đẻ ra tiền!
Dịch bệnh, ở nhà triền miên khiến cho thất nghiệp trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Nhưng nếu bạn cứ ôm lấy nỗi sợ hãi đó thì sẽ chẳng có tương lai sáng sủa nào chờ đón cả.
- 17-08-2021Một ngày làm việc bận rộn khi giãn cách xã hội của nhân viên chứng khoán, chuyên viên ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm...: Biết sắp xếp, hiệu quả cao!
- 16-08-2021Thiếu niên 16 tuổi kiếm gần 2 triệu USD nhờ "mua đi bán lại" trong đại dịch COVID-19: 5 tuổi đã bắt đầu kinh doanh, đặc biệt nhanh nhạy trước thị trường
"Có nhiều loại thất như thất tình, thất sủng, thất lễ, thất thần,... nhưng tôi sợ nhất là thất nghiệp". Nếu để netizen bắt đầu câu chuyện thất nghiệp thì có lẽ đây là một phương án được nhiều người hưởng ứng. Bởi rõ ràng nó đạt đến cảnh giới gây sợ hãi cao hơn hẳn những chữ thất khác.
Tuy nhiên trong thực tế thì có một thứ đang đáng sợ hơn cả thất nghiệp là thất nghiệp mùa dịch. Nghe thôi cũng cảm nhận được sức sát thương kinh khủng của combo này. Mà nói đi cũng phải nói lại, thất nghiệp mùa dịch còn phơi bày một sự thật rằng: Xoay xở với số tiền đang có trên con đường sự nghiệp mù mịt cũng khó khăn, quan trọng không kém gì chuyện mang tiền đi đầu tư.
Nhưng phải "trong chăn mới biết chăn có rận", phải là người trong cuộc mới hiểu bên trong kẹt ở đâu và xoay xở làm sao để hết kẹt đúng không? Vậy thì cùng xem những người đang thất nghiệp làm gì trong tình hình này nhé!
Có một chiếc "phao" tên trợ cấp thất nghiệp
Mình đã nghỉ việc được hơn 20 ngày, khoảng thời điểm Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Mình không hề lường trước được dịch sẽ ập đến nhưng chuyện nghỉ việc lúc đó hoàn toàn nằm trong sự chủ động, tức là dịch diễn biến thế nào thì mình vẫn nghỉ.
Tất nhiên mình hoang mang chứ nhưng đằng nào cũng vậy rồi nên tự động viên bản thân và làm nhiều thứ khác. Những ngày đầu tiên mình ăn nhiều, ngủ nhiều và xem phim vì lâu rồi mới được nghỉ dài ngày. Cơ mà cái gì nhiều cũng mau chán nên mình mở rộng các hoạt động như đọc sách, học thêm tiếng Anh chuyên ngành, học gõ bàn phím 10 ngón. Thú thực là phải cố gắng lắm mới tập trung học được một chút vì bàn làm việc ở giữa tủ lạnh và giường, trên mạng cũng có nhiều thứ hấp dẫn như coi clip nấu ăn, chat với bạn bè,... Ngoài ra mình còn có group chat với người thân, bạn bè để rủ nhau nhảy dây, tập tành, ăn uống healthy nhưng lợi bất cập hại, chưa thấy hiệu quả mà chỉ thấy "tám" chuyện triền miên.
Nếu như ở nhà nhiều khiến mọi người chán nản, bí bách một thì cảm giác này khi vừa thất nghiệp vừa ở nhà sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Vì vậy khó khăn chủ yếu mà mình gặp phải là về mặt tinh thần như cảm giác tù túng, bực bội, nóng nảy. Lúc như vậy mình sẽ làm những việc khiến bản thân vui như nấu ăn, dọn nhà, xem những bộ phim không drama, để thấy được chữa lành như Reply 1988, Hospital Playlist,... Tuy nhiên thời lượng sử dụng điện thoại và máy tính nhiều hơn hẳn lúc đi làm lại gây ra tình trạng mắt lồi, da sạm.
Mình có may mắn hơn mọi người một chút vì lương bảo hiểm thất nghiệp ở mức ổn. Ngay khi xác định nghỉ việc mình đã chuẩn bị hồ sơ trợ cấp thất nghiệp để có kết quả trong thời gian sớm nhất. Vì vậy mà lời khuyên dành cho mọi người nếu chẳng may rơi vào tình trạng giống mình là nhanh chóng làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các bước làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình:
Bước 1: Hoàn tất các thủ tục ở công ty cũ ngay sau khi nghỉ việc để sớm có quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Bước 2: Liên lạc với bộ phận nhân sự để chốt sổ bảo hiểm với cơ quan BHXH (mất khoảng 3 - 4 tuần).
Bước 3: Sau khi có sổ bảo hiểm, đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành) để nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hồ sơ chuẩn bị trước khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm gồm có: Sổ bảo hiểm đã chốt sổ, Quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, CMTND hoặc CCCD (bản gốc và bản photo).
Bước 4: Tại trung tâm, cán bộ phụ trách sẽ hướng dẫn các thông tin, mở thẻ ngân hàng mới (nếu chưa có). Nếu hồ sơ của bạn hợp lệ thì bạn sẽ nhận được quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bước 5: Hàng tháng, trợ cấp thất nghiệp sẽ được chuyển vào tài khoản. Bạn cũng phải đều đặn khai báo tình trạng tìm việc với trung tâm, nếu tìm được việc thì phải báo ngay với trung tâm để cắt trợ cấp.
Lưu ý: Trong thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm hỗ trợ các thủ tục theo hình thức online.
Ở nhà sẽ đỡ được những chi phí như xăng xe, ăn uống bên ngoài,... nhưng vì online nhiều nên mình hay mua đồ linh tinh trên mạng, thực sự không tiết kiệm được mấy. Dù vậy mình vẫn nghĩ tiết kiệm là một trong những điều quan trọng nhất trong thời gian này, bất kể thất nghiệp hay không.
Sau thời gian thất nghiệp vừa qua, mình cũng nhận ra một vài điều quan trọng:
- Trước khi nghỉ việc, phải chuẩn bị một khoản tiền để bản thân có thể sống từ 3 - 6 tháng mà không cần đi làm. Trong trường hợp nghỉ việc bị động, hãy cố cầm cự bằng tiền tiết kiệm đã có từ trước đó, tức là luôn có 1 khoản tiết kiệm.
- Giữ vững tinh thần, không được bi quan. Bạn có thể chia sẻ lo lắng với người thân, bạn bè hoặc thậm chí là ai đó trên MXH. Chẳng hạn, trong quá trình làm bảo hiểm thất nghiệp, mình có nói chuyện với một người bạn mới quen trên Hội review công ty có tâm.
- Tự tin vào bản thân. Người trẻ luôn có nhiều cơ hội tìm việc mới hơn, không việc này thì việc khác, không full time thì part time,... chắc chắn sẽ có cách để duy trì cuộc sống.
- Phải không ngừng nâng cao kiến thức nếu không muốn bị thụt lùi. Thú thật, nhìn hội Gen Z ngày càng trẻ trung, sáng tạo và giỏi giang mình khá áp lực.
- Giữ gìn sức khoẻ thật tốt. Ở thời điểm này, giữ sức khoẻ là điều đương nhiên rồi.
_ Thanh Huyền - 29 tuổi - cán bộ tài chính _
Bảo hiểm là một kiểu "thuốc an thần" khi thất nghiệp mùa dịch
Mình chính thức nghỉ việc vào cuối tháng 5, ngay khi dịch bắt đầu quay lại và kéo dài đến tận bây giờ. Trước khi nghỉ, mình lên plan đi đây đi đó, thăm bạn bè nhưng giờ bó gối ở nhà. Không lường trước được chuyện này nên cảm giác lúc đầu khá shock.
Bây giờ mỗi ngày của mình khá đơn giản: nghỉ ngơi; làm một số việc dạng freelance như viết content, branding cho KOLs, Celebs (nhưng thu nhập ít, không ổn định); học thêm những thứ mới. Trước đây quá bận rộn nên hầu như không nấu ăn hay để ý nhà cửa còn hiện tại mình học nấu nhiều món mới như cà ri, xíu mại, kimbap,... và thấy nấu nướng cũng thú vị chứ bộ. Các kênh YouTube như Hamimommy, Her86m2 giúp mình tìm thấy niềm vui trong việc loanh quanh ở nhà với cái bếp, mảnh vườn nhỏ ở ban công, với dọn dẹp nhà cửa - những việc vô cùng đơn giản. Hoá ra điều gì cũng có thể học và nếu làm đúng cách thì cuộc sống sẽ thoải mái, thuận lợi hơn nhiều. Mình có cả thời gian xem nhiều series phim mà trước đây không dám xem vì sợ ghiền như Good Doctor và Anne Tóc Đỏ.
Là nghỉ việc chủ động nên mình đã chuẩn bị một khoản tiết kiệm đủ để có thể sống mà không làm gì trong ít nhất 6 tháng. Ngoài ra mình cũng có BHYT dịch vụ và bảo hiểm nhân thọ cho những trường hợp xấu nhất, thậm chí là nhiễm Covid-19. Ví dụ mình nhiễm Covid-19 thì sẽ được bảo hiểm trả 20 triệu đồng, nhập viện vì bất kỳ lý do gì cũng sẽ được thanh toán toàn bộ viện phí.
Tuy nhiên mọi chuyện không phải lúc nào cũng nằm trong kế hoạch. Trong thời gian nghỉ việc mình và một người bạn tình cờ tìm được căn chung cư 2 phòng ngủ rất xinh. Sau khi suy nghĩ, tụi mình quyết định dọn đến căn hộ này dù tiền cọc 2 tháng khá cao, tiền nhà hàng tháng cũng có phần quá sức nên khá lo lắng. Vì vậy mà nếu dịch kéo dài hơn, mình sợ không thể cân nổi khoản tiền nhà hiện tại dù đã lỡ ký hợp đồng 1 năm rồi.
Thất nghiệp mùa dịch khiến người ta căng thẳng và lo âu nhiều hơn so với bình thường. Bởi ở nhà mà không có thu nhập hoặc không ổn định càng khiến sự bí bách, hoảng loạn tăng lên nhiều lần. Tìm kiếm việc làm mùa dịch cũng hạn chế, ít cơ hội do nhiều ngành nghề tạm ngừng hoạt động nên thỉnh thoảng mình bị lo lắng thái quá khi nghĩ về tương lai, sự nghiệp. Những lúc như vậy mình thường trò chuyện nhiều với ai đó tin tưởng, thân thiết. Ngoài ra mình cố gắng duy trì những thói quen tốt như ăn đúng giờ, không thức quá khuya, uống nhiều nước để cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần cũng đỡ bị nặng nề hơn. Nhìn chung đến hiện tại, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.
Hoá ra nấu nướng cũng thú vị lắm chứ bộ!
Đây là những bài học mà mình rút ra được sau thời gian vừa qua:
- Luôn phải có tiền để dành, tiền tiết kiệm.
- Có bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ sẽ khiến bản thân thấy yên tâm hơn.
- Nếu không tìm được một kế hoạch, một lý do hay mục đích đủ lớn thì tốt nhất đừng nghỉ việc trong thời gian này.
- Lắng nghe cảm xúc và tiếng nói từ sâu bên trong mình, đừng để những thứ bên ngoài tác động. Mình tự thấy ổn nghĩa là mọi thứ vẫn ổn.
- Chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Lúc mới nghỉ làm mình tiết kiệm hơn hẳn nhưng sau khi thuê nhà mới đắt gấp 3 lần trước đây, mức chi tiêu của mình cao hơn 1 chút.
Trong trường hợp xấu nhất, tức là hết tiền mà vẫn chưa tìm được việc mới thì mình sẽ phải cầu cứu gia đình. Có chị gái ở cùng thành phố nên nếu có chuyện gì xảy ra thì ít nhất mình vẫn có nơi nương tựa, còn đường cùng nữa thì về nhà với mẹ. *cười*
_ Nguyễn Nấm - 26 tuổi _
Tiết kiệm!!!
Mình chính thức nghỉ từ ngày 17/07/2021, trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 khoảng 1 tuần. Mình nghỉ việc "tay phải" và vẫn còn 1 công việc làm thêm để duy trì chi phí sinh hoạt cơ bản của bản thân. Ngoài công việc đó ra thì mỗi ngày mình xem phim, đọc sách, nấu ăn nữa, quanh quẩn là hết ngày.
Tuy rằng tại thời điểm nghỉ việc, dịch Covid-19 đã nhen nhóm trở lại ở Hà Nội nhưng khi đó mình vẫn nghĩ sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng (hoặc hơn 1 chút) như các đợt trước. Không ngờ biến chủng lần này lây lan quá nhanh và nguy hiểm, khiến mọi công việc đều gần như đình trệ.
Sau khi nghỉ, nhờ có khoản thu nhập từ công việc "tay trái" và đang sống cùng gia đình, không phải lo lắng tiền nhà như nhiều người nên tạm thời mình chưa gặp khó khăn gì nghiêm trọng. Tuy nhiên mình vẫn tiết kiệm hơn hẳn so với trước đây. Ngoài tiền mua thực phẩm hàng ngày và một số khoản sinh hoạt bắt buộc, mình không tiêu pha gì cho bản thân nữa.
Giống mọi người, mình cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng và bí bách vì vừa thất nghiệp vừa ở nhà. Những lúc đó mình sẽ… hít drama của anh "đỉnh lưu" (scandal của Ngô Diệc Phàm) và xem show của "con trai" (nickname nhân vật dành cho idol - Tống Uy Long) cho đỡ buồn.
Tiết kiệm và có kế hoạch chi tiêu hợp lý chính là bài học lớn nhất mình học được sau khi thất nghiệp. Ngoài ra cần giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào công tác phòng chống dịch bệnh của lực lượng chức năng. Thời gian này mình tự bồi dưỡng lại nghiệp vụ, lên kế hoạch và phương án tìm việc thật cụ thể. Trong trường hợp xấu nhất, mình sẽ chấp nhận những việc không đúng chuyên môn để có thể có chi phí duy trì sinh hoạt, lấy ngắn nuôi dài chờ đến khi dịch được kiểm soát và có cơ hội tìm công việc thực sự phù hợp.
_ Hương - 30 tuổi - kế toán _
Tạm kết
Con người sinh ra là để thích nghi, dịch Covid-19 kéo dài suốt thời gian vừa qua chính là một phép thử, bài kiểm tra cho khả năng đó của chúng ta. Giữa thời điểm này, không ai lường trước được điều gì cả. Có thể bạn chủ động nghỉ việc rồi choáng váng vì dịch bệnh ập đến nhưng cũng có thể bỗng nhiên thất nghiệp trong một ngày không mấy đẹp trời.
Nhưng bất kể là thất nghiệp trong tình huống nào, việc bản thân bạn không có một chút tiến bộ nào sau thời gian đó cũng khó chấp nhận được. Vì mỗi ngày chỉ có 24 giờ, dù bạn ngồi sợ hãi hay đứng lên tìm cách giải toả cảm xúc, giải quyết vấn đề thì vẫn chỉ có ngần ấy thời gian. Vậy thay vì ủ ê, chán nản sao không nghỉ ngơi, chiều chuộng bản thân vài ngày, cho phép bản thân tuyệt vọng thêm vài ngày nữa rồi tìm cách để sống ổn nhất có thể trong những ngày tiếp theo nhỉ?
Pháp luật và bạn đọc