Tự sản xuất vaccine, Việt Nam sẽ kiểm soát chất lượng và nguồn cung
Tại Việt Nam, nhờ có vaccine và tiêm chủng, mỗi năm có hàng triệu trẻ em và phụ nữ được tạo ra miễn dịch chủ động để phòng bệnh.
“Việt Nam đã có tên trong bản đồ của thế giới, là một trong những quốc gia tham gia sản xuất vaccine cúm, để góp tay cùng với toàn cầu phòng chống đại dịch” - đây là nhận định của Tiến sỹ Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm (IVAC), thuộc Bộ Y tế, đưa ra sau khi đơn vị này công bố sản xuất được các loại vaccine cúm mùa với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B và vaccine cúm đại dịch A/H5N1.
Dự kiến các vaccine này sẽ bắt đầu lưu hành từ năm 2019 với giá thành chỉ bằng 1/3 đến một nửa so với nhập khẩu.
Vaccine cúm mùa, cúm A/H5N1 do Việt Nam sản xuất. (Ảnh: Thái Bình)
Đến tháng 9/2018, IVAC tiếp tục công bố sản xuất được vaccine cúm mùa và vaccine cúm A/H5N1 trên quy mô công nghiệp. Việc nghiên cứu, sản xuất thành công các loại vaccine cúm mùa, cúm A/H5N1 là thành tựu lớn trong việc nâng cao năng lực sản xuất vaccine, khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam. Thành công này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam mà còn góp phần tăng nguồn cung ứng vaccine cúm trong khu vực và trên thế giới.Sau thành công sản xuất 2,5 triệu liều vaccine sởi - rubella đầu năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục có thể tự sản xuất vaccine phòng chống sốt xuất huyết. Việt Nam hiện là 1 trong 5 nước tham gia tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine sốt xuất huyết. Đánh giá ban đầu của Cơ quan Quản lý thuốc, dược phẩm châu Âu cho thấy, đây là loại vaccine an toàn, giúp giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đến 60%.
Cùng với vaccine cúm mùa, ngay trong năm nay (dự kiến tháng 12/2018) hoặc đầu năm sau, Việt Nam sẽ có thêm hai loại vaccine khác là vaccine viêm não Nhật Bản tế bào và vaccine bại liệt bất hoạt. Theo Bộ Y tế, cả ba loại vaccine này đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành.
Tại Hội thảo khoa học “Triển vọng nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh cho người ở Việt Nam” diễn ra cuối tháng 8/2018, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long, khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế đã cho biết, trong 2 năm tới, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vaccine “5 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) cho trẻ em.
Vaccine Việt kỳ vọng xuất khẩu ra thị trường thế giới VOV.VN -Theo Bộ Y tế, từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vaccine đáp ứng yêu cầu chương trình TCMR, thay thế vaccine nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
Đến nay, đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Tại Việt Nam, nhờ có vaccine và tiêm chủng, mỗi năm có hàng triệu trẻ em và phụ nữ được tạo ra miễn dịch chủ động để phòng bệnh.
Việt Nam là quốc gia được đánh giá là rất thành công trong việc thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng. Chương trình Tiêm chủng mở rộng của ngành y tế là một trong 8 công trình tiêu biểu được vinh danh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình” năm 2018.
Việt Nam hiện sản xuất được 8/10 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Hai loại vaccine còn lại đang phải nhập khẩu, trong đó có vaccine “5 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib).
Với chứng nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về hệ thống quản lý quốc gia về vaccine, Việt Nam đang từng bước khẳng định năng lực sản xuất và tiến tới xuất khẩu vaccine. Có thể tự chủ sản xuất vaccine Việt Nam sẽ kiểm soát tốt cả về chất lượng và số lượng vaccine, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Vaccine có vai trò đặc biệt quan trọng là tạo ra hệ miễn dịch cộng đồng. Đó là, khi có đủ số người tiêm phòng trước một loại bệnh nhất định (khoảng 83-85% cộng đồng), thì bệnh đó sẽ rất khó lây truyền và sẽ từ từ bị xóa sổ.
Tuy nhiên, vaccine không phải là tuyệt đối. Vẫn có một số % nhỏ những người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị mắc bệnh (từ 1-2%). Một vài trường hợp không đủ sức khỏe (như cơ thể đang mắc bệnh, sốt cao, bị dị ứng thuốc…) cũng không được tiêm vaccine. Những yếu tố này cần được đặc biệt chú ý với trẻ sơ sinh./.
VOV