MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ sáng 20/7, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức thu phí không dừng

Trong những ngày đầu vận hành, các phương tiện lưu thông qua làn ETC thuận lợi, nhanh chóng trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Ảnh: Vietnam+

Trong những ngày đầu vận hành, các phương tiện lưu thông qua làn ETC thuận lợi, nhanh chóng trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Ảnh: Vietnam+

Sáng 20/7, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức đưa vào vận hành, khai thác hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), vượt tiến độ 10 ngày so với cam kết với Chính phủ và hợp đồng được ký kết giữa Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty cổ phần Tasco.

Theo đó, tuyến cao tốc này vận hành thêm 13 làn ETC mới, nâng tổng số lên 28 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Vực Vòng, Liêm Tuyền và Cao Bồ. Hệ thống ETC trong dự án áp dụng công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào vận hành trên toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giao thông cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tiện ích cho phương tiện lưu thông, đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước.

Ngay sau sự kiện tại Cầu Giẽ - Ninh Bình, đại diện Công ty cổ phần Tasco và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng) cho biết, sẽ tiếp tục lắp đặt để đưa hệ thống ETC trên các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC quản lý vào sử dụng, kế hoạch tương ứng khai thác vào các ngày 26 và 28/7 tới đáp ứng cam kết với VEC.

Tính đến trước ngày 20/7, cả nước thực hiện lắp đặt tổng số 588 làn ETC trong thời gian 7 năm kể từ năm 2015. Trong khi đó, dự án ETC 4 tuyến cao tốc của VEC có quy mô lắp đặt 132 làn ETC, trên 28 trạm thu phí, trải dài 490 km của 4 tuyến cao tốc, khắp ba miền Bắc Trung Nam. Đặc biệt, tiến độ dự án yêu cầu là cực kỳ thách thức khi toàn bộ việc lắp đặt, vận hành thử… chỉ trong 90 ngày.

Bên cạnh đó, 4 công trình của VEC là một trong những dự án trọng điểm được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải liên tục đôn đốc, chỉ đạo, giám sát do đây là các tuyến cao tốc huyết mạch và quy mô lớn.

“Trước yêu cầu đó, Công ty cổ phần Tasco và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã nỗ lực cao độ, ưu tiên mọi nguồn lực tốt nhất, huy động nhân lực, thiết bị, cải tiến phương pháp triển khai, ứng dụng công nghệ tiên tiến và làm việc xuyên ngày xuyên đêm nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật công nghệ chặt chẽ và tốc độ rất cao của dự án…”, lãnh đạo Tasco cho hay.

Theo Quyết định số 953/QĐ - BGTVT về việc triển khai thu phí không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý từ ngày 9 giờ 00 phút ngày 1/8/2022, bao gồm: cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc TP Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu VEC chủ trì, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các cơ quan đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục theo quy định pháp luật trước khi thực hiện; tổ chức triển khai bảo đảm tiến độ, đồng bộ, kết nối, liên thông và trật tự an toàn giao thông tại trạm thu phí.

Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan chỉ đạo triển khai thực hiện; phối hợp với VEC, nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các cơ quan đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, đồng bộ, kết nối, liên thông và trật tự an toàn giao thông tại trạm thu phí.

Theo Quang Toàn

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên