Từ tẩy chay đến ép chuyển giao công nghệ, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của quốc gia đông dân nhất thế giới như thế nào?
Lòng tự tôn dân tộc - càng bị kích động bởi truyền thông nhà nước – có sức mạnh rất lớn.
- 17-05-2019Trung Quốc: Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp tư nhân
- 16-05-2019Mô hình tăng trưởng cũ đã tới hạn, đây là động lực mới của kinh tế Trung Quốc
- 15-05-2019Kinh tế Trung Quốc sẽ thăng hoa hay sụp đổ: Câu trả lời bất ngờ nhìn từ tòa nhà lớn nhất thế giới
Cũng giống như bao cửa hàng khác, Lotte Mall, thương hiệu cao cấp đến từ Hàn Quốc có mặt tại tổ hợp New Century Global Centre, cũng muốn thu hút càng đông khách càng tốt. Nhưng ngày 7/3/2017, họ lại muốn điều ngược lại. Mặc dù trời lạnh cóng, hàng chục người tụ tập trước cửa hàng này. Họ mang theo cờ Trung Quốc, hát quốc ca và đem theo cả băng rôn với khẩu hiệu "Không tha thứ cho bất kỳ ai xâm phạm sự an toàn của tổ quốc".
Cuộc biểu tình nhỏ được thổi bùng lên bởi quyết định cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ngay trên đất Hàn Quốc của Chính phủ nước này. Dù mục đích của Mỹ là để bảo vệ khỏi nguy cơ bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa, Trung Quốc cho rằng mục tiêu thực sự chính là họ. Truyền thông nhà nước cũng chỉ trích Hàn Quốc mãnh liệt, đặc biệt Lotte – đơn vị cho thuê đất – cũng bị chỉ trích. Biểu tình đã nổ ra tại hơn 100 cửa hàng Lotte trên khắp Trung Quốc.
Nằm sâu trong đất liền, có vẻ Global Centre sẽ hoàn toàn biệt lập với thế giới. Nhưng những căng thẳng xoay quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc hiển hiện rất rõ ràng tại đây. Những cuộc biểu tình ở Lotte là ví dụ sống động cho thấy Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh lớn nhất của mình là thị trường tiêu dùng khổng lồ để phản kháng như thế nào. Không chỉ Hàn Quốc, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Na Uy, Philippines, Nhật Bản và Đài Loan đều đã từng bị người Trung Quốc tẩy chay như vậy.
Lòng tự tôn dân tộc - càng bị kích động bởi truyền thông nhà nước – có sức mạnh rất lớn. Cuối cùng thì Hàn Quốc đã hứa với Trung Quốc rằng sự việc tương tự sẽ không lặp lại, nhưng hoạt động kinh doanh của Lotte tại thị trường Trung Quốc đến nay vẫn chưa hồi phục. Hãng đã phải bán hàng chục cửa hàng ở Trung Quốc và đang xem xét hoàn toàn rút lui khỏi Trung Quốc.
Sức mạnh của quốc gia đông dân nhất thế giới
Trung Quốc sẵn sàng sử dụng quyền lực có được từ thị trường khổng lồ của mình để buộc các công ty phải chuyển giao công nghệ. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mỹ và châu Âu ước tính khoảng 20% doanh nghiệp của họ đã từng đối mặt với những yêu cầu kiểu như vậy. Trong lĩnh vực công nghệ cao tỷ lệ lên tới 40%.
Khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, nước này cam kết sẽ ngừng việc yêu cầu các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ như 1 điều kiện bắt buộc để bước vào thị trường đông dân nhất thế giới. Nhìn bề ngoài thì cam kết này vẫn được tuân thủ nhưng Trung Quốc có nhiều cách tinh vi để lách luật. Từ lĩnh vực sản xuất ô tô cho đến điện toán đám mây, các công ty nước ngoài phải liên kết với đối tác trong nước để có thể hoạt động. Các nhà quản lý cũng sử dụng quy trình kiểm định sản phẩm hoặc các thủ tục hành chính khác để buộc họ phải tiết lộ công nghệ. Khi bị chất vất, Trung Quốc thường phản bác rằng các doanh nghiệp nước ngoài tự nguyện làm như vậy và có các thỏa thuận đàng hoàng.
Nhưng rất nhiều nước đã cáo buộc Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn. Rạp chiếu phim IMAX nằm trên tầng thượng của Global Centre là một ví dụ. Hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới với khoảng 600 màn hình IMAX trên cả nước. Tuy nhiên năm 2014 IMAX đã thắng kiện 7 triệu USD ở Canada, trong đó buộc tội cựu nhân viên Gary Tsui sao chép công nghệ 3D của hãng và phát triển 1 công ty tương tự ở Trung Quốc.
Nhưng chiến thắng này cũng không có nhiều ý nghĩa. Tsui vẫn tự do tự tại ở Trung Quốc, xin cấp bằng sáng chế bằng cái tên Cui Xiaoyu, là kỹ sư trưởng của China Film Digital Giant Screen (CGS), công ty con của 1 doanh nghiệp quốc doanh. Có không ít trường hợp các công ty nước ngoài cảm thấy họ phải chiến đấu với Chính phủ Trung Quốc chứ không phải công ty đối thủ. Hiện CGS có hơn 300 màn hình IMAX trên cả nước.
Chính phủ Mỹ ước tính hàng năm các doanh nghiệp nước này đã bị đánh cắp các tài sản trí tuệ có trị giá tới 600 tỷ USD, trong đó Trung Quốc dẫn đầu danh sách. Brazil, Ấn Độ và Mexico cũng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lập liên doanh, nhưng ở Trung Quốc các yêu cầu thường quá đáng hơn. Hoặc các doanh nghiệp nước ngoài có thể bỏ đi nếu như Malaysia hay Argentina hành xử như vậy nhưng họ khó lòng bỏ qua thị trường Trung Quốc.
Biện pháp cứng rắn của ông Trump sẽ có hiệu quả?
Vì thế câu hỏi quan trọng ở đây là Trung Quốc có thể làm như vậy mãi được không. Đó cũng là khía cạnh đáng chú ý nhất trong lập luận của Tổng thống Donald Trump về chiến tranh thương mại. Từ góc độ kinh tế rõ ràng là thuế quan của Mỹ không có nhiều tác dụng và sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nhưng không giống như những lần đàm phán mềm mỏng hơn trong quá khứ, thuế quan của ông Trump đã buộc Trung Quốc phải chú ý.
Có thể cảm nhận được tác động của chiến tranh thương mại ngay tại Global Centre. Tại văn phòng của Anbang Logistics, nhân viên đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý luồng hàng đến và đi từ Thành Đô, mà nguyên nhân theo Phó Chủ tịch Li Jing là do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. "Công việc của chúng tôi là xuất khẩu, vì thế chúng tôi trực tiếp cảm nhận nỗi đau", bà nói.
Bình thường thì công ty của bà có thể thu thêm tiền vận chuyển đối với các mặt hàng điện tử để bù đắp chi phí vận chuyển những mặt hàng nặng hơn. Nhưng vì hàng điện tử bị Mỹ áp thuế trừng phạt, phí vận chuyển các mặt hàng khác cũng tăng lên. Li dự đoán năm 2019 tình hình còn tồi tệ hơn, trừ khi 2 bên đạt được thỏa thuận.