MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tử thần" ở vùng đất tranh chấp Trung-Ấn: Người khỏe mạnh có thể tử vong chỉ sau vài giờ vì triệu chứng lạ

20-06-2020 - 16:09 PM | Tài chính quốc tế

Địa hình và khí hậu vùng núi cao là những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến sinh hoạt và cuộc sống của binh sĩ hai bên Trung-Ấn gặp vô vàn khó khăn.

Sau hơn 4 thập kỉ mâu thuẫn tại vùng biên giới, những xô xát giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang tới đỉnh điểm trong những ngày vừa qua. Ít nhất 20 lính Ấn Độ đã tử vong trong cuộc đụng độ đẫm máu với quân đội Trung Quốc ngày 15/6 tại Thung lũng Galwan, gần với Aksai Chin - khu vực tranh chấp hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Tới nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố số lượng thương vong ở nước này. Cả hai phía đều cáo buộc phía còn lại đã vượt quá giới hạn ở Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) chạy dọc vùng phía tây của thung lũng. Chi tiết của vụ đụng độ vẫn chưa được công bố rõ ràng.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang nỗ lực nhanh chóng giảm căng thẳng thông qua đàm phán. Về phần mình, Trung Quốc đã đưa một lượng lớn quân đội và vũ khí tới khu vực, trong khi Ấn Độ cũng củng cố các đơn vị quân đội tại đây.

Trung Quốc cho rằng Aksai Chin là một phần của Tân Cương trong khi Ấn Độ lại khẳng định nó thuộc vùng Ladakh của nước này. Thuộc dãy Himalaya, Aksai Chin nằm ở độ cao 4.200m so với mực nước biển - gần gấp đôi độ cao khi các triệu chứng bệnh liên quan tới cao độ bắt đầu xuất hiện. Điều này đồng nghĩa với việc bất kì người nào đặt chân lên đây cũng đều trải qua cảm giác mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và phải thích nghi dần với địa hình và khí hậu ở đây.

Độ cao này và nhiệt độ ở mức đóng băng có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của một số binh sĩ vào ngày 15/6 vừa qua. Ban đầu, quân đội Ấn Độ xác nhận có 3 trường hợp tử vong, nhưng sau đó nói rằng 17 người khác "đã không chịu nổi nhiệt độ âm ở vùng núi cao" và đã tử vong do các vết thương.

Trong cuốn sách của mình, nhà sử gia người Anh Neville Maxwell đã mô tả rằng đây là vùng đất "hoang vu, không gì phát triển nổi và không ai sống tại đây".

Tuy vậy, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn giao tranh để chiếm quyền kiểm soát vùng này vào năm 1962, khiến hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng. Các vụ đụng độ vẫn tiếp tục kéo dài cho tới ngày hôm nay.

Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) đã xuất hiện sau chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962. Theo như ông Maxwell viết trong cuốn sách "Cuộc chiến với Trung Quốc của Ấn Độ", chủ quyền của Aksai Chin là một vấn đề khá phức tạp.

Trong những năm 1800, vùng Himalaya chứng kiến sự giao tranh quân sự và chính trị phức tạp giữa Nga, Anh và Trung Quốc. Từ khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ, các cuộc tranh chấp khiến đường ranh giới trở nên khó xác định hơn. Cụ thể, Aksai Chin là một phần của Kashmir, và sau chiến tranh đẫm máu giữa Pakistan và Ấn Độ trong năm 1947, vùng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc càng trở nên nóng hơn vì những tuyên bố khẳng định chủ quyền từ cả hai phía.

Tình hình đó tiếp tục kéo dài tới hiện tại. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục bất đồng về vấn đề biên giới và thường xuyên cáo buộc phía còn lại xâm phạm hoặc tìm cách mở rộng lãnh thổ.

Không thể tranh chấp

Xét tới việc di chuyển quân sự ở hai phía, bất kì cuộc giao tranh nào ở khu vực cũng trở nên cực kỳ khó khăn.

Địa điểm xảy ra vụ xô xát mới đây nhất - Thung lũng Galwan - là một vùng cao nguyên có độ cao tương đối thấp, do đó các lực lượng quân đội có thể di chuyển tại đây dễ dàng hơn. Đây cũng là nơi xảy ra vụ xô xát dẫn tới cuộc chiến tranh năm 1962.

Những điều kiện thời tiết vào mùa đông - bao gồm cái lạnh thấu xương và tuyết rơi dày - có thể khiến hầu hết khu vực này không thể tiếp cận được bằng các phương tiện và làm khả năng đi lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí kể cả trong mùa hè, khi thời tiết trở nên tốt hơn, thì cao độ, khí hậu và nhiệt độ tại đây cũng gây ra vô số khó khăn cho việc điều binh và cung cấp tiếp tế cho binh sĩ. Do đó, triển khai một cuộc chiến tranh toàn diện tại đây là gần như không thể.

"Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều biết hoạt động ở độ cao trên 4.000 mét sẽ thay đổi gần như mọi yếu tố của cuộc chiến," Milliff, chuyên gia MIT, nhận xét. "Các binh sĩ cần phải mất nhiều ngày để làm quen với độ cao trên 2.400 mét trong khi các đợt viện binh sẽ tới chậm hơn so với tốc độ sử dụng phương tiện đi lại thông thường".

Việc đi thẳng lên vùng núi cao sẽ mang lại nhiều nguy cơ sức khỏe, bao gồm các triệu chứng về phổi và não, đối với ngay cả những binh sĩ trẻ.

"Trong cuộc chiến năm 1962, một số binh sĩ Ấn Độ đã bỏ qua giai đoạn làm quen với cao độ và đi thẳng lên những vùng núi cao ở Kashmir và Sikkim. Gần 15% binh sĩ bắt đầu có triệu chứng phù phổi - một trong những chứng bệnh có thể khiến một người khỏe mạnh tử vong chỉ trong vòng 12 giờ từ lúc bắt đầu có triệu chứng ban đầu".

Mọi loại động cơ cũng đều bị ảnh hưởng khi hoạt động tại đây. Động cơ diesel sẽ khó khởi động, máy bay trực thăng buộc phải giảm tải trọng hoạt động trong khi số lượng nhu yếu phẩm cần thiết cho binh sĩ lại cao hơn nhiều so với ở môi trường bình thường. Thậm chí, việc sử dụng súng cũng khó khăn hơn nhiều khi các loại pháo và súng phải được tinh chỉnh để phù hợp với thời tiết.

"Kể cả khi giải quyết được vấn đề về cao độ, địa hình tại vùng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc cũng khiến hoạt động quân sự trở nên phức tạp".

"Vùng này không bằng phẳng như vùng trung tâm châu Âu, cũng khó có thể sử dụng xe tăng như các vùng sa mạc ở Iraq và dọc vùng biên giới giữa phía tây Ấn Độ và phía nam Pakistan."

Hiện tại, mọi sự chú ý đều đổ dồn về cách phản ứng của New Delhi và Bắc Kinh trong việc giải quyết những bất đồng và mâu thuẫn ở khu vực giữa hai quốc gia có dân số lớn nhất thế giới này.

Theo Tất Đạt

Tổ quốc

Trở lên trên