MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ thất bại đến thương hiệu giày xa xỉ nổi tiếng của Bồ Đào Nha

15-06-2020 - 09:36 AM | Tài chính quốc tế

Luis Onofre ra mắt bộ sưu tập giày đầu tiên mang tên ông vào năm 1993, ngay sau khi tiếp quản nhà máy sản xuất giày của gia đình. Khách hàng không hào hứng với những sản phẩm do Onofre thiết kế và tất cả hy vọng của ông dường như sụp đổ.

Luis Onofre không ngần ngại thừa nhận rằng những bước chân chập chững đầu tiên của ông vào thiết kế giày thời trang cao cấp cũng có thể là những bước cuối cùng của ông trong lĩnh vực này.

Nhà thiết kế người Bồ Đào Nha này đã cho ra mắt bộ sưu tập giày đầu tiên mang tên ông vào năm 1993, ngay sau khi ông tiếp quản nhà máy sản xuất giày của gia đình.

Cha của Onofre cảnh báo rằng bộ sưu tập đó có thể thất bại, và ông ấy đã đúng. Khách hàng không mấy hào hứng với những sản phẩm do ông thiết kế, và tất cả hy vọng của ông dường như sụp đổ.

“Sự thiếu hiểu biết thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả đáng buồn này”, nhà thiết kế 49 tuổi chia sẻ. “Thật đau lòng. Đó là một bài học lớn đối với tôi. Tôi có lẽ đã đánh giá bản thân mình quá cao”.

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi thứ khác rất nhiều. Những sản phẩm giày “xa hoa” do ông thiết kế được khách hàng trên toàn thế giới ưa chuộng đến nỗi cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, diễn viên Naomi Watts và ngôi sao truyền thông Paris Hilton cũng trở thành “tín đồ” trung thành của Onofre.

Ông đã trở thành biểu tượng cho quá trình phục hưng của ngành công nghiệp sản xuất giày da Bồ Đào Nha, khiến quốc gia này một lần nữa góp tên trên bản đồ thời trang cao cấp thế giới.

Từ thất bại đến thương hiệu giày xa xỉ nổi tiếng của Bồ Đào Nha - Ảnh 1.

Các sản phẩm giày cao cấp của Luis Onofre đang được bán trên khắp thế giới. Ảnh: Luis Onofre.

Onofre, sinh ra tại Oliveira de Azemeis, gần thành phố Porto, phía bắc Bồ Đào Nha. Tuổi thơ của ông gắn liền với những chiếc giày. Ông nội của ông mở một xưởng sản xuất giày vào năm 1938 và cho đến thời điểm hiện tại, công việc kinh doanh vẫn đang được quản lý bởi gia đình ông.

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cha Onofre là người điều hành nhà máy, chuyên gia công các sản phẩm giày cao cấp cho các nhãn hiệu thời trang xa xỉ của Pháp như Cacharel và Galleries Lafayette.

Nhưng khi cha mời gia nhập công ty, ông đã tỏ ra rất lưỡng lự, vì lúc đó đam mê của ông là theo học ngành thiết kế nội thất.

“Tôi nhớ rõ sự căng thẳng hiện trên khuôn mặt của bố mẹ khi họ về nhà và tự nhủ tôi sẽ không theo đuổi công việc của họ”.

Thế nhưng, Onofre đã thay đổi quyết định sau đó. Ông theo học và tốt nghiệp ngành thiết kế giày trước khi trở thành giám đốc điều hành của nhà máy vào năm 1993.

Với mục tiêu thay đổi nhà máy, ông bắt đầu chuyển hướng sang tự sản xuất các sản phẩm riêng thay vì chủ yếu đi gia công cho các thương hiệu thời trang khác. Và nỗi đau khi nhìn thấy bộ sưu tập đầu tiên thất bại đã khiến cho ông càng quyết tâm hơn nhằm đạt được mục tiêu.

“Tôi ý thức được việc bản thân luôn mong muốn tạo ra một thương hiệu riêng. Sau thất bại của bộ sưu tập đầu tiên, tôi quyết định học hỏi thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đây là một lĩnh vực không ngừng thay đổi, xu hướng thời trang thay đổi, các công nghệ mới thay đổi mọi lúc mọi nơi”.

Trong 6 năm tiếp theo, ông tiếp tục gia công giày cho các thương hiệu thời trang khác, bên cạnh đó, không ngừng sáng tạo ra những ý tưởng thiết kế mới.

Cuối cùng, thời khắc định mệnh đã đến vào năm 1999, khi Onofre cho ra mắt bộ sưu tập với 50 thiết kế riêng tại Momad, hội chợ giày nổi tiếng ở Tây Ban Nha. Sự quan tâm đến thương hiệu của ông dần tăng lên khi công ty đầu tư mạnh vào công tác marketing. Doanh số của công ty vì thế cũng có những bước tiến nhanh chóng.

“Chúng tôi bắt đầu tham gia những hội chợ giày, tại Milan, Paris và Moscow”, Onofre cho biết. “Khách hàng bắt đầu yêu cầu những mẫu thiết kế sang trọng hơn. Chính vì thế, các bộ sưu tập của tôi cũng trở nên kỳ công hơn”.

Từ thất bại đến thương hiệu giày xa xỉ nổi tiếng của Bồ Đào Nha - Ảnh 2.

Luis Onofre quyết định tự thiết kế một dòng giày riêng thay vì chỉ gia công cho các thương hiệu khác. Ảnh: Luis Onofre.

Hiện nay, ông khá nổi tiếng với các dòng giày nữ, thường được bán với giá từ 300 đến 400 euro (tương đương 335 - 445 USD), và tất cả được sản xuất tại Bồ Đào Nha.

Có trụ sở tại thành phố Porto, nhà máy sản xuất giày của ông được định giá lên tới 8 triệu euro trong năm ngoái. Hiện có 60 nhân viên làm việc tại đây, bao gồm các nhân viên kinh doanh, sản xuất và bán hàng tại cửa hàng. Bên cạnh việc sản xuất sản phẩm cho thương hiệu riêng, công ty vẫn nhận gia công giày cho các thương hiệu khác như Jimmy Choo và H&M.

Để có được thành công như ngày hôm nay, Onofre đã phải trải qua rất nhiều sóng gió trong quá trình làm doanh nhân, trong đó bao gồm thời kỳ suy thoái của ngành công nghiệp này vào những năm 1990.

Ngành sản xuất da giày Bồ Đào Nha có lịch sử hàng trăm năm và được coi có chất lượng ngang bằng với các quốc gia khác như Italia và Tây Ban Nha, cho dù ít nổi tiếng hơn. Nhưng vào cuối những năm 1980, ngành công nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Bồ Đào Nha gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu- tiền thân của Liên minh châu Âu- vào năm 1986, qua đó quốc gia này mở cửa nền kinh tế cho các công ty đến từ nước ngoài.

Ngành sản xuất giày da của Bồ Đào Nha không kịp thích ứng với thay đổi đó và rất nhiều các nhà máy đã phải đóng cửa trong một thập kỷ. “Trong những năm đầu của thập niên 90, chúng tôi mất gần như toàn bộ các khách hàng quốc tế”, Onofre nhớ lại.

Danh tiếng của ngành sản xuất giày của Bồ Đào Nha vì thế cũng giảm sút nghiêm trọng nhưng Onofre và nhiều nhà thiết kế khác đã quyết tâm bảo vệ “di sản” này.

“Chúng tôi còn đó một thế hệ các chủ nhà máy, những người không có nhiều kiến thức về xu hướng thời trang lúc bấy giờ, hay sản phẩm nào đang được ưa chuộng trên toàn thế giới”, ông nói.

Tuy nhiên, trong vòng hơn 20 năm, làn sóng các nhà thiết kế với tư tưởng tiến bộ đã mang lại sự “lột xác” cho ngành công nghiệp này.

Bồ Đào Nha dần lấy lại tên tuổi trong phân khúc thời trang cao cấp, các nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Điều đó giúp quốc gia này trở thành một “quân bài” chủ chốt trên thị trường giày da thế giới, với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 đạt 1,8 tỷ euro, tăng 500 triệu euro so với năm 2010.

Paulo Goncalves, người phát ngôn của hiệp hội da, giày và phụ kiện Bồ Đào Nha, miêu tả Onofre là một thành viên quan trọng của “thế hệ các nhà thiết kế hoàn toàn mới”, những con người đã làm thay đổi ngành công nghiệp.

“Onofre đã mang lại khởi đầu mới cho ngành công nghiệp giày da khi đặt nhân tài và sự sáng tạo là những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quốc tế hóa các sản phẩm da giày”, ông cho biết.

Công ty của Onofre hiện tại vẫn phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Các nhà sản xuất giày trên khắp châu Âu đang “chật vật” với lực cầu thấp từ khách hàng, bên cạnh đó, là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đến từ các công ty Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nổ ra. Thị trường các loại hàng hóa xa xỉ hiện đang đóng băng.

Để có thể thích ứng với đại dịch lần này, Onofre đã cho ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất giày tại nhà máy, thay vào đó chuyển sang sản xuất hàng nghìn khẩu trang để phục vụ người dân Bồ Đào Nha.

Ngành công nghiệp sản xuất giày da đang trỗi dậy, và Onofre đang tập trung đẩy mạnh doanh số bán hàng trực tuyến bởi các cửa hàng truyền thống vẫn đang tạm thời đóng cửa. Ông cũng đặt cược vào sự phục hồi của các thị trường châu Á, khi họ dần gỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

Trở lên trên