MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự theo dõi chi tiêu trong một tháng, đây là những điều tôi ước mình nhận ra sớm hơn

03-10-2019 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Một sai lầm trong tính toán chi tiêu có thể tạo ra khác biệt rất lớn.

Đầu năm nay, tôi đã tự cam kết sẽ theo dõi chi tiêu của mình trong một tháng, giống như việc bạn theo dõi lượng thức ăn nạp vào cơ thể nếu bạn đang cố gắng thay đổi chế độ ăn uống.

Theo dõi chi tiêu không phải là một điều xa lạ, và có thể là một lời khuyên phổ biến mà bạn từng nghe trước đó. Có lẽ, giống như tôi, bạn đã bỏ qua lời khuyên này vì không nhìn ra vấn đề. Tôi nhận ra mình đã có thể hình dung việc chi tiêu của bản thân như thế nào. 

Tôi không phải là một con nghiện mua sắm, những kẻ không thể lướt qua một cửa hàng J.Crew mà không rút thẻ tín dụng ra. Tôi đủ nhận thức về các khoản chi tiêu để biết khi nào mình có thể chi trả cho những việc như thế, hoặc khi nào không.

Tuy nhiên, một ngày nọ tôi quyết định xem xét lịch sử giao dịch của mình, xem trong một khoảng thời gian, tôi đã chi bao nhiêu tiền cho các danh mục khác nhau. Trong ba tháng trước, tôi đã chi một khoản tiền khổng lồ 636 USD cho riêng việc mua sắm tại Amazon. Và thử đoán xem tôi đã mua những gì? Theo lịch sử mua hàng, đó là một vài cuốn sách du lịch, một vài đôi giày và máy tăm nước. Những khoản chi tiêu này không phải quá tồi tệ, song tôi đã đánh giá thấp số tiền được cộng dồn. Có lẽ tôi đã không kiểm soát chi tiêu của mình tốt như tôi nghĩ. Đó là số tiền không nhỏ, và đối với nhiều người, nó đủ để chi trả cho việc mua sắm tạp hóa trong 1 tuần, trả góp mua xe hơi hoặc thậm chí là một phần của tiền thuê nhà tháng.

Cuối cùng tôi quyết định thực hiện lời khuyên về tiền bạc cơ bản này và bắt đầu viết ra các giao dịch mua sắm của mình như một cách thử nghiệm. Đó là một bài tập đơn giản, nhưng cực kỳ hiệu quả. Và nó đã dạy tôi một vài bài học về cách mà rất nhiều người trong chúng ta tiêu tiền.

Chi tiêu là giải pháp mặc định của chúng ta trước một vấn đề

Chi tiêu thường là mặc định cho hầu hết chúng ta – như một giải pháp đầu tiên cho bất kỳ vấn đề nào. Cần có một thể hình đẹp? Lập tức chúng ta sẽ mua ngay một máy chạy bộ mà có lẽ sẽ không bao giờ sử dụng. Bạn muốn cải thiện vẻ bên ngoài? Đi vào Bloomingdale và mua một tủ quần áo mới để thấy tự tin hơn. Về bản chất việc chi tiêu không có gì là sai trái, nhưng nó có thể trở thành bản năng khiến chúng ta hành động trong vô thức, đặc biệt là khi mua sắm trực tuyến.

Đơn giản là viết ra mỗi lần mua, bằng bút và giấy, buộc tôi phải suy nghĩ trước khi mua bất kỳ thức gì. Việc tạm dừng ngắn này sẽ hình thành phản xạ khiến tôi nhận thức rõ hơn về cách tôi sử dụng tiền. Ví dụ: tôi muốn tìm hiểu thêm về Ecuador trước khi tới đó, vì vậy tôi đã tìm thấy một quyển hướng dẫn du lịch trên Amazon và nhấn nút mua. Vấn đề được giải quyết. Một lần nữa, điều này không có gì là sai trái cả, nhưng tôi thậm chí còn chưa từng nghĩ tới việc mượn lại hay mua cũ. Chi tiêu luôn là giải pháp dễ dàng.

20 USD đã trở thành 3 USD

Nếu bạn chưa bao giờ nghe nói về thuật ngữ "the latte factor", thì cụm từ đó được sáng tạo bởi chuyên gia tài chính của David Bach, người cho rằng việc cắt giảm các khoản chi tiêu nhỏ có thể dẫn đến việc tiết kiệm lớn hơn. Những kẻ phản đối thì lập luận rằng thật ngớ ngẩn khi mong đợi nhiều như vậy từ một tách cà phê 3 USD - rốt cuộc, nó chỉ là 3 USD.

Vấn đề sẽ nảy sinh khi bạn bắt đầu nghĩ rằng "chỉ là 3 USD thôi mà" với tất cả mọi thứ. Mua ngẫu hứng một túi kẹo ở quầy giảm giá? Cũng được, chỉ 3 USD thôi. Tất nhiên, khoản tiền này sẽ cộng vào tổng chi tiêu, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn ở đây là khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, "khoản 3 USD" này cũng sẽ tăng lên. Khi tôi muốn mua một quyển sổ ghi chép bọc da lạ mắt mà tôi chắc chắn không cần, tôi đã thấy bản thân tự biện minh theo cách này: "Chỉ 20 USD, thậm chí không đáng để suy nghĩ nhiều. Cứ mua thôi!"

Phân bổ ngân sách không phải là tất cả

Đã từng viết một cuốn sách về tiền bạc, tôi tin rằng tôi khá hiểu về nó. Và để tiếp cận tốt với tiền bạc, hầu hết các chuyên gia sẽ khuyên hãy bắt đầu bằng việc lập ngân sách. Nếu bạn muốn chi tiêu cho bản thân - tiết kiệm một phần tiền trước khi bạn chi tiêu - thì ai quan tâm sau đó bạn sẽ chi tiêu vào việc gì?

Nhưng khi tôi chú ý đến những thứ định mua, tôi đã sớm nhận ra một nửa trong số đó là những món đồ được chọn lựa một cách vô tư, bốc đồng. Chắc chắn, tôi dự trù ngân sách và tự trả tiền cho mình trước, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đã tiêu tiền của mình theo cách tốt nhất có thể. Tôi có thể tiết kiệm nhiều hơn cho nghỉ hưu. Tôi có thể tiết kiệm nhiều hơn cho du lịch. Khi bạn có ý thức hơn với chi tiêu của mình, bạn có thể ngạc nhiên về những khoảng trống bạn có thể tạo trong ngân sách của mình. Điều này khiến cho việc lập ngân sách không còn quá quan trọng nữa vì bạn đã chi tiêu ít hơn những gì dự tính.

Làm thế nào để tự theo dõi chi tiêu của bản thân

Shannon McLay, người sáng lập Financial Gym, một công ty tạo lập kế hoạch tài chính ở Manhattan, cho biết cô yêu cầu khách hàng mới làm theo cùng một thí nghiệm tôi đã làm: Theo dõi mọi chi phí họ thực hiện mỗi ngày, trong một tháng.

Cô ấy chia sẻ: " Có những khách hàng của tôi đã tiết kiệm được gần 3000 USD mỗi tháng chỉ bằng việc lưu tâm hơn về chuyện họ đang chi tiêu cho việc gì." Họ có thể sử dụng các ứng dụng như Expenses Ok, Expense Keep, Excel, hoặc chỉ đơn giản là tính năng ghi chú trên điện thoại của mình.

Tôi đã sử dụng một cây bút cũ, một vài tờ giấy và cuốn sổ tay khi thực hiện theo dõi chi tiêu của mình. Nó kém tiện lợi hơn so với một ứng dụng, nhưng dường như nó khiến tôi tập trung hơn và việc thực hiện các bài tập. Tôi không chỉ viết ra những giao dịch mua hàng của mình – mà còn viết ra những món đồ mà tôi muốn mua, những cảm xúc và sự biện minh mà tôi cho chúng. Điều này có vẻ hơi thiên về cảm xúc, nhưng tài chính cá nhân chính là như vậy. Điều đó giúp bạn hiểu được cảm giác khi bị cám dỗ trong mua sắm, để bạn có thể đề phòng những cảm xúc đó sau này.

Sau khi hết tháng, hãy tìm hiểu những gì bạn đã chi tiêu hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng và xác định xem điều đó là lãng phí, tiết kiệm hay hợp lý.

Từ đó, hãy thử thách bản thân để chi tiêu ít hơn trong tháng tiếp theo. Nó không phải là một bài tập mà bạn phải hoàn thành mãi mãi, nhưng theo dõi là một phương pháp hiệu quả nhằm tái thiết lập thói quen chi tiêu và đảm bảo bạn sẽ nhận thức được bản thân đang chi tiêu như thế nào.

Và "nhận thức" mới chính là mục tiêu thực sự của bài tập này. Nó chỉ đơn giản là tiêu tiền bạn vất vả kiếm được với một chút tính toán. Thật khó để nói rằng bạn sẽ không bao giờ mua bán một cách "bốc đồng" nữa. Bởi vậy, cô McLay gợi ý nên có một khoản dự trù cho những bất ngờ như vậy.

"Tôi có khách hàng thường xuyên tiết kiệm vào quỹ này với số tiền từ 50 đến 500 USD mỗi tháng để chi trả cho những giao dịch ngẫu hứng, như một vài giờ vui vẻ với bạn bè hoặc một chiếc váy trên quảng cáo mà mình rất thích", cô nói. Sở hữu một tài khoản như vậy không chỉ giúp kiểm soát số tiền bạn tiêu quá tay, mà còn khiến bạn cảm thấy ổn hơn sau đó.

Một lần nữa, lập ngân sách không phải là hoàn hảo, nhưng việc cân bằng rất quan trọng. Lập kế hoạch cho các chi tiêu ngẫu hứng của bạn trước, nhưng theo dõi việc mua sắm mỗi giờ và sau đó để tái thiết lập lại thói quen của bạn. Bạn có thể bất ngờ về những thứ mà bạn từng muốn mua sau khi bắt đầu theo dõi.

Mỹ Linh

New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên