MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ thương vụ mua cổ phần Vinamilk để thấy, người Thái đang "đổ tiền" vào Việt Nam mạnh nhất trong 20 năm qua

15-12-2016 - 08:29 AM | Doanh nghiệp

Đây chính là thời kỳ dòng vốn đầu tư từ Thái Lan sang Việt Nam mạnh nhất trong 20 năm qua và thương vụ 60% cổ phần đấu giá Vinamilk mới đây chính là một ví dụ điển hình.

“Chúng tôi chờ Vinamilk rất lâu” – lời vị giám đốc tài chính của tập đoàn Fraser & Neave chia sẻ với tạp chí Nikkei Asean Review khi nói về thương vụ mua thêm 5,4% cổ phần tại Vinamilk – đã chỉ ra một thực tại trong những năm gần đây về bức tranh đầu tư tại Việt Nam: Người Thái đang tấn công thị trường Việt với tốc độ mạnh nhất trong lịch sử đầu tư của các nhà đầu tư xứ Chùa vàng.

Cuộc tấn công ồ ạt xảy ra là bởi lẽ trước hết, Việt Nam là thị trường gần gũi gần gũi với Thái Lan, cả về địa lý, văn hóa, cũng như trình độ phát triển. Quan trọng hơn, người Thái cũng nhận thức được rõ những thuận lợi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), và có thể là cả Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (dù Mỹ đã rút khỏi cuộc chơi) mang lại cho Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài trực thuộc Bộ kế hoạch đầu tư, trong 6 năm gần đây, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đã tăng hơn hẳn những thời kỳ trước. Con số này đặc biệt tăng mạnh vào năm 2015 khi triển vọng tham gia các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam thêm rõ ràng.

Cụ thể:

Các doanh nghiệp Thái tăng mạnh đầu tư từ năm 2015

- Năm 2011: Thái Lan đầu tư thêm vào Việt Nam khoảng 191 triệu USD, xếp hạng 16 trong các quốc gia đầu tư vào nước ta năm đó tính theo tiêu chí giá trị đầu tư.

- Năm 2012: Thái Lan đầu tư thêm vào Việt Nam khoảng 177 triệu USD. Với số vốn này, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 11 ở Việt Nam và lớn thứ ba trong số các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có đầu tư vào Việt Nam.

Hầu hết vốn đầu tư của các công ty Thái tại Việt Nam tập trung vào các ngành thực phẩm chế biến, giấy, nhựa, thức ăn chăn nuôi, và linh kiện xe máy.

- Năm 2013: Thái Lan có 333 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký thêm và cấp mới là 204 triệu USD, xếp thứ 10 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; xếp thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan tập trung vào hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối.

- Năm 2014: Các nhà đầu tư Thái Lan có 374 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư thêm và cấp mới là 205 triệu USD và xếp thứ 10/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Thái Lan dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 179 dự án và 5,65 tỷ USD tổng giá trị vốn đầu tư lũy kế (chiếm 47,8% tổng số dự án và 84,5% tổng vốn đầu tư lũy kế của Thái Lan tại Việt Nam).

- Năm 2015: Các nhà đầu tư Thái Lan có hơn 400 dự án vào Việt Nam, tăng mạnh lượng đầu tư thêm lên 337 triệu USD. Mặc dù vậy, Thái Lan lại tụt hạng, xếp thứ 14 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam.

- Cuối cùng, tính đến nay là vào tháng 11/2016: Các nhà đầu tư Thái Lan đã có tổng cộng 443 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư thêm trong năm là 441 triệu USD.

Tổng số vốn đầu tư lũy kế là khoảng 7,76 tỷ USD, xếp thứ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được các đại gia Thái Lan xem là thị trường "màu mỡ" nhất với khoảng 200 dự án, chiếm gần 7 tỷ USD vốn đầu tư, tương đương gần 90% vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.

Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Còn lại tập trung vào các ngành bán lẻ, xây dựng…

Tốc độ tăng vốn đầu tư rất cao từ năm 2015

Như vậy, tổng kết trong 5 năm gần đây, người Thái đang ngày càng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Nhìn biểu đồ trên có thể thấy rằng, ở 2 năm 2015 và 2016 (dù chưa hết năm), mức tăng trưởng đầu tư đã là rất cao (64% và 31%).

Theo các chuyên gia kinh tế, do thị trường tại Thái Lan đã bão hòa, cùng với yếu tố chính trị không ổn định nên các doanh nghiệp Thái giờ đây có xu hướng hoạt động ra nước ngoài ngày càng mạnh trong những năm gần đây.

Và trong các thị trường ngoài Thái Lan, Việt Nam - một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, một thị trường đang phát triển đầy tiềm năng với chi phí nhân công rẻ, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng hiện đại và có chính trị ổn định - được xác định là điểm đến hấp dẫn nhất.

Như thế, đối với các nhà đầu tư Thái, AEC không gì hơn là một cơ hội vàng để họ thâm nhập sâu vào Việt Nam. Vì thế, những động thái mua lại, thâu tóm hay đầu tư mạnh mẽ trong năm qua, ví dụ như chính vụ mua thêm 5,4% cổ phần Vinamilk của tập đoàn Fraser & Neave chẳng qua là một phần trong những bước hành động của người Thái.

Về ý kiến các chuyên gia, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, còn cho rằng việc Việt Nam nhận được nhiều đầu tư từ bên ngoài còn do yếu tố về địa lý.

The ông, không chỉ các doanh nghiệp Thái mà nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đang thông qua Thái Lan, tận dụng sự luân chuyển vốn trong khu vực để đầu tư vào Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có thể sẽ là "bàn đạp" giúp các doanh nghiệp này đẩy mạnh kinh doanh sang các nước khác trong khu vực.

Với dòng lập luận này, Tiến sỹ Hiển dự báo rằng "dự kiến, sắp tới, đầu tư từ Thái vào Việt Nam sẽ còn tăng nhiều hơn nữa".

Theo Vượng Lê

Trí thức trẻ

Trở lên trên