MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự tin dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo nhưng hóa ra không có linh kiện từ Mỹ thì Trung Quốc đành bó tay

19-10-2019 - 19:56 PM | Tài chính quốc tế

Mặc dù Trung Quốc cũng có một số công ty sản xuất chip nhưng chất lượng của họ hiện vẫn chưa thay thế được linh kiện từ Mỹ.

Vào tháng Ba năm 2018, khi một nhóm những nhà lãnh đạo các hãng về trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc chuẩn bị bay sang Thung lũng Silicon để tham gia Hội nghị Công nghệ GPU hàng năm của Nvidia, họ được ban tổ chức dặn dò, hạ thấp mối quan hệ với hãng công nghệ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang gia tăng vào lúc đó.

"Chúng tôi được yêu cầu gỡ bỏ các thông cáo báo chí cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của mình với Nvidia, và chúng tôi đã làm như yêu cầu." Đại diện một công ty hàng đầu về AI Trung Quốc nói với trang SCMP, tuy nhiên yêu cầu được giữ kín danh tính về sự nhạy cảm của vấn đề. "Nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy lạnh người vào lúc đó, và tôi biết rằng nhiều công ty AI Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch B khi họ trở lại Trung Quốc sau sự kiện đó."

Tự tin dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo nhưng hóa ra không có linh kiện từ Mỹ thì Trung Quốc đành bó tay - Ảnh 1.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang tranh giành vị trí siêu cường trên sân chơi AI với một số công ty Trung Quốc đang dần mở rộng ra bên ngoài thị trường trong nước.

Ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm của Mỹ với các công ty công nghệ Trung Quốc

Tuy nhiên, những nhà vô địch về AI mới nổi của Trung Quốc đang đứng trước một bài kiểm tra khắc nghiệt khi vào tuần trước 8 trong số họ bị Mỹ đưa vào danh sách đen của mình, và ngăn họ mua được công nghệ Mỹ.

Những công ty này bao gồm các startup về nhận diện gương mặt SenseTime Group, Megvii Technology và Yitu Technology, các công ty chuyên sản xuất thiết bị quay video giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology và Dahua Technology, các công ty chuyên về AI iFlyTek, Xiamen Meiya Pico Information Co và Yixin Science and Technology Co.

"Danh mục kinh doanh của 8 công ty AI này chủ yếu về phần mềm và các giải pháp – vì vậy tác động của lệnh cấm tương đối hạn chế." Charlie Dai, nhà phân tích trưởng của hãng nghiên cứu Forrester Research cho biết. "Tuy nhiên, không dễ để tìm nguồn cung thay thế cho các phần cứng cần thiết của AI, như các cảm biến, các GPU, các chip FPGA và phần mềm thiết kế chipset."

Tự tin dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo nhưng hóa ra không có linh kiện từ Mỹ thì Trung Quốc đành bó tay - Ảnh 2.

Phần mềm nhận diện gương mặt của Megvii.

FPGA là tên viết tắt của các chip mảng tái lập trình, nghĩa là các mạch tích hợp có thể lập trình lại sau khi sản xuất.

Vào thứ Hai vừa qua, CEO và là đồng sáng lập của startup AI, Megvii cho biết lệnh cấm này là một "thách thức" và nó sẽ có tác động đến nguồn cung máy chủ của họ - cũng như cả kế hoạch IPO trên sàn chứng khoán Hong Kong.

"Tác động cụ thể của nó là chúng tôi không thể trực tiếp mua một số sản phẩm do lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ, ví dụ các bộ xử lý máy chủ x86 và GPU do nước này sản xuất." Yin Qi, nhà đồng sáng lập và là CEO công ty cho biết trong một cuộc họp nội bộ với nhân viên.

Dù sao đi nữa, Yin cho biết Megvii đã được "trang bị tốt cho cuộc đấu này" và bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung của mình từ tháng Năm, khi nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies lần đầu tiên bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.

Các bộ xử lý máy chủ x86 là một họ các kiến trúc tập lệnh, ban đầu được Intel phát triển trên bộ xử lý 8086. Cho dù hàng loạt các thương hiệu Trung Quốc như Inspur và Sugon đã công bố các bộ xử lý máy chủ của mình, họ vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào việc cấp phép bằng sáng chế từ những người khổng lồ bán dẫn của Mỹ như Intel hoặc AMD.

Trong trường hợp GPU, các nhà cung cấp của Trung Quốc thậm chí không thể cạnh tranh nổi với AMD hoặc Nvidia trên thị trường sản phẩm thương mại.

Tự tin dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo nhưng hóa ra không có linh kiện từ Mỹ thì Trung Quốc đành bó tay - Ảnh 3.

Hình ảnh cho thấy việc ứng dụng của công nghệ nhận diện gương mặt trong Hội nghị Trí tuệ nhân tạo tại Thượng Hải vào tháng Tám.

Theo báo cáo từ hãng CB Insight, Trung Quốc hiện đang là nước có nhiều startup AI trị giá trên tỷ USD nhất thế giới. Sáu trong tổng số 11 kỳ lân hàng đầu thế giới về AI đến từ Trung Quốc, với hãng SenseTime hiện đang đứng đầu khi được định giá đến 4,5 tỷ USD.

Cho dù các startup AI Trung Quốc đã huy động được 4,9 tỷ USD trong năm 2017, vượt mặt các đối thủ Mỹ với số vốn huy động chỉ 4,4 tỷ USD, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng nhiều công ty Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào các máy chủ AI do Mỹ sản xuất - những thiết bị cần thiết cho việc phát triển các thuật toán và kỹ thuật học sâu.

Khi nước Mỹ đang khép dần cánh cửa với Trung Quốc, những hãng công nghệ Trung Quốc có thể làm gì?

Theo ghi chú từ hãng nghiên cứu Jefferies trong tuần trước, nhà cung cấp camera giám sát hàng đầu Trung Quốc, Hikvision Digital Technology, có thể tìm thấy nhà cung cấp thay thế cho các linh kiện Mỹ ví dụ như camera và thiết bị lưu trữ từ các công ty Trung Quốc và nhà cung cấp Nhật Bản.

Tuy nhiên, Hikvision vẫn phụ thuộc nặng nề vào Intel và Nvidia đối với các CPU và GPU để vận hành các máy chủ AI.

"GPU của Nvidia vượt trội hơn hẳn các giải pháp khác trong việc huấn luyện học sâu, nhờ vào bộ công cụ CUDA và các thư viện của họ." Báo cáo từ các nhà phân tích Rex Wu và Lydia Lin của hãng nghiên cứu Jefferies cho biết. CUDA mang lại hiệu năng cao cũng như các chức năng AI tích hợp bên trong.

Tự tin dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo nhưng hóa ra không có linh kiện từ Mỹ thì Trung Quốc đành bó tay - Ảnh 4.

Camera của Hikvision được ứng dụng trong hoạt động giám sát.

Theo Kuang Kaiming, kỹ sư AI từ hãng Diannei BioTechnology tại Thượng Hải cho rằng, CPU và GPU là điều tối cần thiết cho công nghệ học sâu, vốn cần xử lý những khối dữ liệu huấn luyện khổng lồ trên phần cứng.

"Chúng (các CPU và GPU) giống như những con đường. Bất kể bạn lái xe gì đi nữa, chúng vẫn cần các con đường để đi." Kuang cho biết.

Việc thiếu tính cạnh tranh trong các lĩnh vực cốt lõi của công nghệ chiến lược là một nguyên nhân khiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn kêu gọi việc tự lực, tự cường - đó không chỉ là vấn đề kinh doanh, mà còn để củng cố sức mạnh quân sự và an ninh kinh tế.

Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi chính phủ Mỹ đưa ZTE, một công ty nhà nước của Trung Quốc, đến bên bờ vực phá sản vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Sau đó là việc đưa Huawei vào danh sách đen trong tháng Năm. Tính đến nay, đã có khoảng 180 thực thể của Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Đối với Nga là từ 310 đến 320 thực thể.

Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về chip AI với Mỹ

Trong khi Trung Quốc cũng có một số sự thay thế đối với sản phẩm từ Intel và Nvidia, chúng không có được chất lượng như các công ty Mỹ.

"Những hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Huawei và Baidu đang có các khoản đầu tư chiến lược vào phần cứng AI, một số dành cho việc huấn luyện còn một số khác dành cho nghiên cứu tham chiếu." Nhà phân tích Dai của hãng Forrester cho biết. "Tuy nhiên, tính khả thi của việc thay thế chipset phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ tỷ lệ sản phẩm hoàn thiện, tính tương thích với máy chủ, tương tác phần mềm và khả năng xử lý công việc."

Tự tin dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo nhưng hóa ra không có linh kiện từ Mỹ thì Trung Quốc đành bó tay - Ảnh 5.

Bộ xử lý Xuantie 910 - bộ xử lý AI của Alibaba.

Một số công ty Trung Quốc đang được bước tiến tích cực với chip AI, để có thể xử lý cho nhiều ứng dụng, bao gồm các thiết bị IoT và xe tự lái.

Alibaba Group Holding, người khổng lồ về thương mại điện tử và là người dẫn đầu Trung Quốc về điện toán đám mây, năm ngoái đã thành lập công ty con về chip có tên T-head (hoặc Pingtouge theo tiếng Trung Quốc, biệt danh của con lửng mật) để làm nên các chip AI tham chiếu riêng của họ.

Trong tháng Bảy vừa qua, họ đã tiết lộ về bộ xử lý đầu tiên Xuantie 910 - có thể sử dụng trong các lĩnh vực như mạng di động 5G, AI và điều khiển xe tự lái.

Vào cuối tháng Tám vừa qua, Huawei tiết lộ chip AI cao cấp - Ascend 910 dành cho máy chủ - với tuyên bố đây là "chip AI mạnh nhất thế giới" được nhắm đến các tác vụ như huấn luyện các mô hình AI, có hiệu năng gấp đôi Tesla V100 của Nvidia.

Trước đó, công ty tại Thâm Quyến này cũng tiết lộ hệ thống điện toán AI mới, Atlas 900 với hàng ngàn bộ xử lý Ascend bên trong. Huawei cho biết nó đã lập kỷ lục thế giới mới về hiệu năng huấn luyện AI.

Theo báo cáo của Jefferies, các mạch tích hợp chuyên dụng (Application-specific Integrated Circuit: ASIC) của Huawei, cùng với các chip AI nội địa của những công ty như Horizon Robotics và DeePhi Technology, không chỉ mang lại các giải pháp AI tiên tiến, mà còn hạ chi phí cho chip AI từ 30% đến 40%.

Tự tin dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo nhưng hóa ra không có linh kiện từ Mỹ thì Trung Quốc đành bó tay - Ảnh 6.

Bộ xử lý Tianjic được thử nghiệm trên một chiếc xe đạp tự lái.

Trong tháng Tám, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh đã tạo ra chip Tianjic, một bộ xử lý lai, với kiến trúc mô phỏng tế bào thần kinh nhưng vẫn có thể chạy các thuật toán học sâu như chip xử lý thông thường. Các chip dạng này có mức tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn so với các mạch tích hợp thông thường bởi vì chúng chỉ hoạt động khi có yêu cầu, giống như cách tế bào thần kinh trong bộ não "kích thích."

Tổ chức nghiên cứu Center for Data Innovation xem các dấu hiệu này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu thu hẹp khoảng cách với Mỹ, ít nhất trong lĩnh vực chip AI. Theo nghiên cứu của tổ chức này, Trung Quốc chỉ có một công ty duy nhất nằm trong top 15 công ty hàng đầu về doanh số bán dẫn trong năm 2019, trong khi Châu Âu có 2 và Mỹ có 6 công ty.

Nhưng căn cứ vào số lượng hãng thiết kế chip AI trong năm 2019, khoảng cách đã được thu hẹp lại - Mỹ có 55 công ty, tiếp sau đó là Trung Quốc có 26 trong khi châu Âu đứng thứ ba với 12 công ty.

Theo báo cáo của Jefferies, ngay cả trong trường hợp tệ nhất, khi các công ty Trung Quốc như Hikvision bị cấm tiếp cận với bất kỳ lại GPU nào, họ vẫn có thể "huấn luyện các thuật toán của mình thông qua các Trung tâm Siêu Máy tính của Trung Quốc".

Mặc dù vậy, dựa vào sức mạnh điện toán đám mây của các bên thứ ba để huấn luyện AI có thể gây ra các vấn đề về bảo mật, khi các công ty AI sẽ cần chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba đó. Theo Xia Yin, nhà khoa học AI tại thung lũng Silicon, điều này đi ngược lại các thỏa thuận riêng tư với người dùng.

Tham khảo AbacusNews


Theo Nguyễn Hải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên