MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ tranh chấp của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên mới thấy, cùng làm ông bà chủ vốn chẳng phải chuyện dễ dàng: Quên đi những điều tưởng như nhỏ nhặt này, bạn sẽ mất tất cả!

22-02-2019 - 23:59 PM | Sống

Trong trường hợp thiếu nhân lực ngày đầu khởi nghiệp, rất nhiều cặp vợ chồng cùng chung tay quản lý và điều hành doanh nghiệp để giúp đỡ lẫn nhau mà không hề ngờ tới rất nhiều tranh chấp, mâu thuẫn tiềm tàng có thể phát sinh sau này. Thế nhưng cùng nhau điều hành doanh nghiệp liệu có phải nguyên nhân gây rạn nứt tình cảm hôn nhân nhanh nhất?

Khi Cynthia Bowman 27 tuổi, cô bắt đầu mở một cửa hàng bán lẻ đồ trang trí nội thất tại California và nhanh chóng nhận ra rằng, một mình cô không thể đương đầu với mọi khó khăn trong công việc. Vì vậy, cô đã để chồng mình cùng tham gia điều hành. Bowman chia sẻ rằng: "Làm việc trong ngành bán lẻ có nghĩa là chấp nhận làm không có ngày nghỉ và gần như làm hết 18/24 tiếng mỗi ngày. Công việc này không hề dễ dàng và tôi thường nói với chồng là, nếu không phải chồng tôi thì chắc chắn anh ấy đã bị đuổi cổ lâu rồi."

Mặc dù vậy, hai vợ chồng đã cùng điều hành công việc kinh doanh thành công hơn cả tưởng tượng và sau 13 năm, họ có thể tạm nghỉ hưu vào năm 2013, chuyển nhượng công ty cho người khác rồi dời tới Tây Ban Nha sinh sống. Kể từ đó, Bowman trở thành một người làm việc tự do, thỉnh thoảng viết một vài bài chuyên mục cho các blog hoặc website.

Một trong những bí quyết thành công đặc biệt nhất của họ chính là: Mỗi tuần phải để lại một ngày nghỉ cho bản thân, để đối phương ở lại văn phòng một mình, đây là cách để cả hai được tận hưởng không gian riêng dù là trong lúc nghỉ ngơi hay làm việc. Ngoài ra, Bowman cũng chỉ ra rằng: "Trong mọi trường hợp, cãi nhau dù lớn dù nhỏ thế nào đi nữa đều sẽ ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ của cả hai, cả trên phương diện đối tác làm ăn lẫn vợ chồng."

Từ tranh chấp của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên mới thấy, cùng làm ông bà chủ vốn chẳng phải chuyện dễ dàng: Quên đi những nguyên tắc này, bạn sẽ mất tất cả!  - Ảnh 1.

Cho nhau đủ khoảng không riêng tư, dù là công việc hay đời sống cá nhân.

Tuy nhiên, khi được hỏi về quyết định cùng hợp tác điều hành doanh nghiệp với chồng mình, Bowman đã nói: "Nếu được chọn lại từ đầu, thì không. Dù khó khăn nhưng tôi thà làm việc một mình còn hơn. Tính cách và phương thức kinh doanh của cả hai quá khác nhau."

Không có nhiều dữ liệu công khai về việc có bao nhiêu cặp vợ chồng cùng điều hành thành công một doanh nghiệp nhưng nếu nhìn vào thực tế, con số thất bại lại trải đầy rẫy xung quanh cuộc sống của chính chúng ta. Theo Cơ quan SBA quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ (Small Business Administration), chỉ có 50% trên tổng số doanh nghiệp nhỏ có thể tồn tại hơn năm năm, và cơ hội thành công khi cả hai vợ chồng cùng hợp tác điều hành doanh nghiệp lại càng nhỏ hơn nữa.

Rất nhiều mâu thuẫn và tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình cùng nhau đưa ra quyết định, khi hai vợ chồng có ý tưởng khác nhau, tất cả có thể biến thành một chiến trường. Ví dụ như khi người chồng thấy cơ hội mở rộng kinh doanh dưới dạng một khoản đầu tư mới và muốn hành động nhanh nhưng người vợ lại để ý tới nguy cơ khoản đầu tư sẽ bị lệch hướng và muốn dành thời gian để đánh giá tiềm năng và rủi ro sâu hơn. Đây chỉ là một trong vô vàn mâu thuẫn có thể xảy ra khi cả hai vợ chồng cùng điều hành doanh nghiệp mà chúng ta khó lòng tránh khỏi nếu quan điểm kinh doanh bất đồng.

Từ tranh chấp của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên mới thấy, cùng làm ông bà chủ vốn chẳng phải chuyện dễ dàng: Quên đi những nguyên tắc này, bạn sẽ mất tất cả!  - Ảnh 2.

Khi không tìm được tiếng nói chung và thống nhất ý kiến, dù là vợ chồng cũng có thể "chiến tranh" ngay.

Sau đây là giải pháp cho vấn đề này:

Những gì bạn cần: Có kỹ năng kinh doanh bổ sung cho nhau, vừa phải hòa hợp với vợ/chồng vừa có khả năng tách biệt công việc khỏi cuộc sống cá nhân. Cho dù bắt đầu kinh doanh với bất cứ ai, chúng ta đều cần một mối quan hệ tuyệt đối vững chắc, sự tôn trọng và tin tưởng nhất định, đặc biệt trong trường hợp đối phương là vợ/chồng mình.

Hai người càng ở bên nhau lâu, cơ hội thành công càng lớn vì các cặp đã kết hôn trong thời gian dài có thể đã quen với những thăng trầm, khó khăn và hiểu rõ cách giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống. Ngược lại, những cặp vợ chồng mới cưới có tình cảm rất tốt nhưng lại thiếu kinh nghiệm khi phải chia sẻ khó khăn hoặc áp lực tài chính.

Cách chuẩn bị: Chuẩn bị kế hoạch kinh doanh khả thi, thiết lập quan hệ đối tác pháp lý rõ ràng với đối phương.

Nhà hoạch định kế hoạch tài chính Shannon Lee Simmons cho rằng: "Nếu cả hai không thể cùng lập ra một kế hoạch kinh doanh phù hợp, thống nhất ý kiến ​​thì đây chính là một dấu hiệu rõ ràng dự báo hợp tác thất bại."

Bên cạnh đó, bạn có kế hoạch sinh con hay không? Làm thế nào để cân bằng giữa việc nuôi con và điều hành doanh nghiệp? Đây cũng là vấn đề cần đưa ra thảo luận cụ thể.

Từ tranh chấp của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên mới thấy, cùng làm ông bà chủ vốn chẳng phải chuyện dễ dàng: Quên đi những nguyên tắc này, bạn sẽ mất tất cả!  - Ảnh 3.

Lên kế hoạch rõ ràng, quy định các điều khoản cụ thể cho mọi trường hợp có thể xảy ra là cách ngăn chặn mâu thuẫn nhanh nhất.

Có chiến lược thoát hiểm: Một số cặp vợ chồng không chuẩn bị cách "rút lui" khi bắt đầu kinh doanh vì còn quá hào hứng. Nhưng nếu xuất hiện trường hợp tình cảm rạn nứt, hai người chia tay hoặc ly hôn, ai sẽ tiếp tục kiểm soát công ty? Có điều hành chung nữa hay không? Tương tự, nếu doanh nghiệp không hoạt động tốt thì sao? Điều gì sẽ xảy ra? Những điều này nên được xác định rõ bằng văn bản để có thể đối phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Kí hợp đồng chính thức: Hãy cùng nhau ngồi xuống và chuẩn bị hợp đồng, điều khoản chính thức cho cả hai bên.

Phân chia trách nhiệm: Theo điểm mạnh cũng như điểm yếu của cả hai, hãy xác định rõ vai trò của đối phương và không bao giờ can thiệp, chồng chéo chức vụ vào nhau. Ví dụ: Một người xử lý nghiệp vụ tài chính của công ty thì một người khác đảm nhận thiết kế sản phẩm.

Đừng mang công việc về nhà: Tách biệt công việc với cuộc sống cá nhân. Hãy là đối tác khi ở công ty và là vợ chồng khi ở nhà mình.

Chia sẻ gánh nặng tài chính: Cho dù tin tưởng tuyệt đối chồng/vợ của mình thì bạn cũng nên là người biết rõ các giao dịch tài chính của công ty đang diễn ra, lợi nhuận thu vào và các khoản đầu tư phải chi ra... Vừa thống nhất, vừa minh bạch mới là cách làm việc hiệu quả nhất.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên