MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự truyện 'Vua rong biển' Thái Lan: Thiếu niên 18 tuổi bỏ học đi bán hạt dẻ và bài học về đồng tiền dễ, đồng tiền khó

29-05-2018 - 15:45 PM | Tài chính quốc tế

Câu chuyện cuộc đời của "vua rong biển" được kể lại với hy vọng nhỏ nhoi rằng chỉ cần có một người, được truyền cảm hứng từ câu chuyện và biến ước mơ của họ thành hiện thực.

Đây là câu chuyện do chính bản thân Itiipat Kulapongvanich - ông chủ của đế chế rong biển khổng lồ Thái Lan Tao Kae Noi kể lại. Đó là "những vấn đề và cơ hội của anh ấy". Câu chuyện bắt đầu từ lúc Itiipat còn trẻ cho đến khi bắt đầu công việc kinh doanh của mình.

Itiipat hy vọng độc giả và công chúng sẽ thấy câu chuyện cuộc đời anh phần nào hữu ích. Với một mong ước nhỏ nhoi rằng chỉ cần có một người, được truyền cảm hứng từ câu chuyện và biến ước mơ của họ thành hiện thực.

Đồng tiền dễ, đồng tiền khó

Ngay khi quyết định bỏ học đại học và dành trọn cuộc đời mình cho con đường kinh doanh, cuộc sống của tôi đã thay đổi ngay lập tức.

Đầu óc của tôi lúc này chỉ nghĩ về những con số, quản lý và mở rộng. Tôi biết rằng chính "niềm đam mê" đã thúc đẩy tôi tới một công việc vui vẻ và hạnh phúc. Mặc dù cũng hơi xấu hổ khi nói với bạn bè rằng tôi đã bỏ học đại học để đi bán hạt dẻ nhưng trong thâm tâm tôi lại cảm thấy rất tự hào.

Một phần lý do là vì tôi đã đạt được tự do về tài chính.

Tôi đã không cần tiền của cha mẹ từ khi tôi học trung học. Khi đó, tôi kiếm tiền từ các trò chơi điện tử. Tôi chỉ ngồi trước màn hình và tìm cơ hội để kiếm tiền. Tôi đã vận dụng não bộ, chứ không phải dốc sức lực kiếm tiền. Việc này thật là tuyệt vời trong đôi mắt của một thiếu niên.

Khi vào đại học, tôi bắt đầu gặp khó khăn về tài chính. Những gì tôi đã làm trước đây không được gọi là thành công cho đến ngày tôi kinh doanh hạt dẻ. Tôi lấy lại tự do tài chính. Nó làm cho tôi hạnh phúc mặc dù tôi đã phải đầu tư rất nhiều công sức. Tôi phải giúp "Bác Tuang" mang theo máy, cả hộp hạt dẻ và bán chúng tại các cửa hàng. Lần kinh doanh này không được suôn sẻ như việc kiếm tiền trước đó thế nhưng tôi không bao giờ cảm thấy khổ sở. Ngược lại, tôi đã rất vui vẻ và dồn hết sức kiếm tiền.

Mỗi ngày, tôi thức dậy lúc 7 giờ sáng, tắm rửa, thay quần áo và sẵn sàng đi giao hạt dẻ.

Tự truyện Vua rong biển Thái Lan: Thiếu niên 18 tuổi bỏ học đi bán hạt dẻ và bài học về đồng tiền dễ, đồng tiền khó - Ảnh 1.

Sau khi mở rộng chi nhánh và tuyển dụng thêm nhiều nhân viên, tôi đã hướng dẫn họ những nơi nào sẽ giao hạt dẻ và với số lượng bao nhiêu. Có một kho lạnh bằng thép không rỉ lớn nằm sát ngay bên cạnh nhà tôi, trong kho chứa khoảng 7 hoặc tám bao tải hạt dẻ.

Hạt dẻ sẽ được đổ vào trong nước và lọc ra những hạt nổi lên. Các hạt dẻ nứt được đóng gói trong các túi 5kg để đi giao.

Nhân viên của tôi sẽ đi giao một phần và tôi đi giao phần còn lại vì tôi muốn kiểm tra hoạt động của các chi nhánh.

Bằng cách này tôi đã kiểm tra 5 chi nhánh mỗi ngày với khoảng cách hơn 100km. Tôi về đến nhà lúc 9 giờ tối và mang tất cả số tiền thu được về để mẹ tôi đếm. Đây là cách mà tôi đã sống gần như mỗi ngày. Bạn có thể tin hay không, tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì công việc. Chưa một ngày nào! Đam mê thực sự rất mạnh mẽ.

Giá trị của "đồng tiền dễ" hoàn toàn khác với "đồng tiền khó".

Cả hai vẫn là tiền.

Cả hai đều có thể chi trả hóa đơn.

Tuy nhiên, giá trị trong tâm trí ta là khác nhau. Số tiền bạn kiếm được nhờ mồ hôi công sức khiến bạn tiết kiệm nhiều hơn vì bạn đã nhận ra rằng việc kiếm được mỗi baht rất khó khăn.

Khi còn là sinh viên, tôi đã từng mang theo hàng ngàn baht trong ví và tiêu ba mươi hay bốn mươi nghìn baht một tháng.

Ngày đó tôi còn là một đứa trẻ đam mê thể thao và luôn quan tâm tới bạn của mình.

Giờ đây, tôi tiêu 500 baht một tuần (khoảng 350.000 đồng), chủ yếu là ăn trưa. Thỉnh thoảng tôi có thể chi tiêu nhiều hơn mỗi khi đưa bạn gái đi xem phim.

Ngoài ra thì hầu như tôi không gặp gỡ bạn bè trong suốt ba năm đầu của công việc kinh doanh. Quần áo tôi mặc là những thứ tôi đã mua trước kia khi còn là một người tiêu xài phung phí.

Từ một người kiêu căng thích thể hiện, luôn luôn mặc quần áo mới, tôi hầu như không mua sắm gì trong gần 3 năm.

Giá trị của "đồng tiền dễ" hoàn toàn khác với "đồng tiền khó".

Cả hai vẫn là tiền.

Cả hai đều có thể chi trả hóa đơn.

Tuy nhiên, giá trị trong tâm trí ta là khác nhau. Số tiền bạn kiếm được nhờ mồ hôi công sức khiến bạn tiết kiệm nhiều hơn vì bạn đã nhận ra rằng việc kiếm được mỗi baht rất khó khăn.

Nó khác với số tiền bạn kiếm được khi ngồi trong phòng máy lạnh và nhấp chuột vào màn hình máy tính.

Giá trị của nó khác nhau khi bạn đầu tư sức lực vào công việc của bạn. Trong một số lần khi đi giao hạt dẻ, tôi đã quá mệt mỏi và rơi nước mắt. Tôi đã phải lái xe trên khắp đất nước, cả Bangkok và các tỉnh. Thậm chí khi đói, tôi cũng không có thời gian dừng lại để ăn. Dù kiệt sức đến đầu, tôi cũng phải chịu đựng.

Có một lần tôi chở mẹ đến tỉnh Rayong để giao hàng. Lúc đó, chúng tôi nhận được điện thoại từ nhân viên của tỉnh Saraburi, họ báo rằng hạt dẻ ở đó đang bán rất chạy và họ cần giao thêm.

Tôi đã phải lái xe từ Rayong đến Bangkok để lấy hạt dẻ và giao tới Saraburi. Tôi phải đi mặc dù đã rất mệt mỏi vì khoảng cách 200km trị giá hơn 20.000 baht.

Và nước mắt đã chảy xuống mặt tôi khi đang lái xe.

Mẹ tôi hỏi: "Chuyện gì xảy ra với con vậy?" Không có gì mẹ à, có cái gì rơi vào mắt thôi. Tôi đã nói dối để bà ấy yên tâm. Thực ra tôi đã kiệt sức vì phải lái xe tới nhiều chi nhánh khác nhau. Đôi khi, tôi phải lái xe cả ngày trên một quãng đường dài và uống nước tăng lực để tỉnh táo. Tôi uống nhiều đến nỗi không thể nhắm mắt được vì vậy thỉnh thoảng khi lái xe nước mắt lại chảy dài trên mặt. Điều đó xảy ra không chỉ một lần. Nó xảy ra với tôi ít nhất mỗi tuần một lần khi tự đi giao hàng. Sau đó mẹ nói với tôi rằng bà biết tôi khóc vì kiệt sức. Việc kinh doanh của từng chi nhánh "hạt dẻ Tao Kae Noi" đã diễn ra rất tốt.

Sau khi có khoảng 30 chi nhánh, tôi đã dừng việc giao hàng nhưng vẫn dậy sớm để kiểm tra từng chi nhánh như thường lệ.

Lúc này, thu nhập trung bình của tôi khoảng 2 triệu baht (khoảng 1,4 tỷ đồng). Tuy nhiên tôi hầu như không thay đổi. Như thường lệ, tôi hầu như không tiêu tiền.

Lịch sử rong biển

Tôi luôn luôn tin rằng "vấn đề" chính là "cơ hội". Có lẽ tôi đã không tin vào điều này nếu ai đó nói với tôi như vậy. Tuy nhiên kinh nghiệm đã dạy tôi. Nó dạy tôi rằng mỗi khi có vấn đề xảy ra thì cơ hội mới sẽ đến. Tôi nhớ là khi Hạt dẻ Tao Kae Noi mở rộng ra 25 chi nhánh. Lợi nhuận đạt từ 300.000 đến 400.000 baht mỗi tháng (tương đương khoảng 200 - 300 triệu đồng). Với một thanh niên 19 tuổi, đây là một con số thỏa mãn. Tôi nghĩ rằng với thu nhập này, tôi sẽ bán "hạt dẻ" suốt đời.

Tự truyện Vua rong biển Thái Lan: Thiếu niên 18 tuổi bỏ học đi bán hạt dẻ và bài học về đồng tiền dễ, đồng tiền khó - Ảnh 3.

Thế nhưng, không có gì được như mong đợi. Một hôm, Tesco Lotus thay đổi đội ngũ điều hành. Một người nước ngoài được phân công phụ trách phần mặt bằng cho thuê. Trong ngày làm nhiệm vụ đầu tiên, họ đi từng chi nhánh để kiểm tra, đi theo là một nhóm nhân viên người Thái.

Sau khi đi bộ một lúc, họ dừng lại ở cửa hàng "hạt dẻ Tao Kae Noi".

Lúc đó, tôi đang đứng đó với nhân viên của mình. Họ hỏi gian hàng này đang bán những gì mà "có khói và mùi hôi".

Họ muốn tôi di chuyển và ra bán ở bên ngoài. Mặc dù tôi hiểu rằng giám đốc điều hành của Tesco Lotus phải tuân theo tiêu chuẩn phương Tây và mọi thứ đều phải tuân thủ chính xác, giải pháp của họ đã trở thành vấn đề của tôi. Trong số 25 chi nhánh của tôi, có 18 chi nhánh đặt tại Tesco Lotus.

Tôi đã cố gắng hết sức để chọn địa điểm bán hàng. Đột nhiên, họ muốn tôi dời đi và bán hàng tại bãi đỗ xe. Tôi không thể dễ dàng để điều này xả ra.

Tôi đã phải chiến đấu đến cùng. Vì vậy, tôi đã rất kiên trì và bướng bỉnh. Thay vì chấp nhận giải pháp di chuyển các cửa hàng đi, tôi đã tấn công trực tiếp vào vấn đề. Tôi đã hỏi vấn đề là gì và tôi sẵn sàng thay đổi điều đó. Theo quan điểm cá nhân, tôi sẽ kiên quyết không chuyển đi mà sẽ giải quyết vấn đề đến cùng.

Khi họ nói hạt dẻ nướng gây ra "mùi" tôi đã đi mua và lắp đặt máy hút mùi. Khi họ nói có quá nhiều khói, tôi đã nhờ các kỹ thuật viên điều chỉnh máy để giảm bớt lượng khói. Mặc dù ít khói hơn, nó vẫn làm cho trần nhà ố vàng. Tôi đã thuê thợ sơn lại trần nhà vào ban đêm sau khi cửa hàng bách hóa đã đóng cửa.

Bài học rút ra từ trường hợp này của tôi là chúng ta phải kiên nhẫn để đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp và đôi khi chúng ta phải kiên trì. Nỗ lực của tôi để kéo dài cuộc đời "hạt dẻ Tao Kae Noi" đã thành công trong một thời gian.

Cho đến một thời điểm, tôi đồng ý ngừng rang hạt dẻ trong các cửa hàng. Thay vào đó, tôi đã rang chúng ở nơi khác và đưa vào bán tại các cửa hàng. Mặc dù chất lượng hạt dẻ là như nhau nhưng lúc này các cửa hàng lại thiếu đi sự hấp dẫn của hạt dẻ tươi rang với hương thơm và cách nướng nhiệt tình của "chú Tuang".

Nó giống như một nhà hàng phục vụ những món ăn nóng nấu chín và nóng bỏng trên khay, so với món ăn được chuẩn bị sẵn từ nơi khác.

Khách hàng chỉ nhìn thấy thức ăn lạnh trên khay. Khi không có sự kích thích mua hàng tại điểm bán thì doanh thu bắt đầu giảm từ 8.000 baht/ngày xuống 4.000 baht. Số tiền này thậm chí không đủ trả tiền thuê gian hàng. nếu tôi để cho tình huống này tiếp tục diễn ra trong 3 tháng nữa, tôi phải chấm dứt kinh doanh. Vào thời điểm đó, tôi chỉ có thể đưa ra một giải pháp, đó là tìm vị trí mới.

Để phân tán hóa rủi ro, tôi đã chuyển sang thuê thêm gian hàng của "Central" và "The Mall". Với doanh thu mỗi ngày của chúng tôi, bất kỳ trung tâm thương mại nào cũng sẵn sàng mở cửa để hợp tác. Trong khi đàm phán, tôi bắt đầu bằng cách nói với họ về những bất lợi của sản phẩm mà tôi đang gặp, đó là khói trong quá trình rang. Nếu họ cho chúng tôi mở ở địa điểm này, họ cần phải lắp đặt cho chúng tôi các máy hút khói và dĩ nhiên chúng tôi sẽ trả chi phí cho việc đó.

Hầu hết các trung tâm thương mại đã trả chi phí cho chúng tôi khi họ nhìn thấy doanh thu của chúng tôi. Đó là bởi vì họ thấy một khoản đầu tư tốt sau khi khấu trừ chi phí.

Ngoài cách này, liệu có còn cách nào khác để cứu "hạt dẻ Tao Kae Noi" khỏi cuộc khủng hoảng không?

Câu hỏi này vẫn cứ luôn thường trực ở trong đầu tôi. Cho đến một buổi sáng, tôi đến kiểm tra cửa hàng tại The Mall và lúc đó tôi đang rất đói.

Trong lúc đứng xếp hàng để mua kem tại "Dairy Queen", tôi thấy rằng ở đó cũng bán xúc xích trong cùng một gian hàng và mọi người mua chúng.

Khi Dairy Queen bán cả kem và xúc xích, tại sao "Tao Kae Noi" chỉ bán hạt dẻ?

Chúng tôi có thể tăng doanh thu của mình bằng cách bổ sung dòng sản phẩm và cung cấp cho người mua nhiều lựa chọn hơn.

Nó sẽ tối đa hóa việc sử dụng kênh phân phối hiện tại vì chúng tôi có nhiều sản phẩm hơn nhưng phải trả cùng một chi phí thuê.

Lúc đầu, tôi muốn bán xúc xích như Dairy Queen nhưng nó không phù hợp với sản phẩm hiện tại.

Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định thử sản hẩm quen thuộc với hạn sử dụng dài. Đó là quả hồng Trung Quốc phơi khô.

Tôi mua chúng từ chợ Yaowarat và đóng gói lại trong một gói đẹp hơn. Tôi đã cố gắng bán chúng ở các khu vực tỉnh trước, bắt đầu từ chi nhánh Ratchaburi. Nó hiệu quả, tổng doanh thu tăng.

Tỷ lệ hồng là khoảng 20 - 30% doanh thu của cửa hàng. Sau khi thử nghiệm ở chi nhánh đầu tiên thành công, tôi đã bán sản phẩm này vào các chi nhánh khác. Mặc dù quả hồng đã tăng doanh thu nhưng nó không thể bù đắp cho doanh thu bị mất. Do đó tôi bắt đầu suy nghĩ về một sản phẩm mới nhưng tôi chưa nghĩ ra nó là gì. Cho đến một hôm khi tôi đón cô bạn gái từ trường đại học, cô ấy bước lên xe, lấy một cái gì đó ra khỏi túi và ăn.

Cô ấy nhai lấy nhai để, ăn liên tục và không nói chuyện gì với tôi cả. Cái gì mà ngon đến vậy? Tôi hỏi và cô ấy cho tôi ăn thử.

Tự truyện Vua rong biển Thái Lan: Thiếu niên 18 tuổi bỏ học đi bán hạt dẻ và bài học về đồng tiền dễ, đồng tiền khó - Ảnh 4.

Chỉ cắn một miếng đầu tiên... wow, rất ngon! Tôi quay lại hỏi bạn gái, đó là gì vậy. Ăn ngon quá. "Snack rong biển". Sau đó, tôi đã không nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoài hương vị thơm ngon của nó.

Tôi muốn mẹ tôi ăn thử nên đã xin cô ấy một gói. Khi về đến nhà, tôi đưa mẹ xem gói rong biển. "Mẹ à, cái này là snack rong biển, ngon lắm". Sau khi cắn hai miếng, mẹ tôi cầm rong biển của tôi đi. Bà ấy đã đưa nó cho "dì" của tôi. Dì của tôi rất thích và hỏi "con mua nó ở đâu vậy". Tôi nói với dì rằng bạn gái tôi đã mua và cho tôi ăn thử lúc tôi đưa cô ấy về nhà. "Con sẽ mua thêm cho dì vào thứ bảy tới".

Tôi nhờ bạn gái của tôi đi mua giúp snack rong biển cho gia đình tôi. Rồi một hôm, bạn gái tôi phàn nàn rằng cô ấy không thể tìm thấy nó. "Nó đã hết sạch". Ngay khi tôi nghe câu này, cảm giác đầu tiên đập vào tôi tương tự như khi tôi biết rằng "những đồ chơi" của tôi trong game có thể bán được.

Tôi vừa nhìn thấy "cơ hội" kinh doanh. Suy nghĩ về nó. Không chỉ với thanh thiếu niên như cô bạn gái và tôi mà những người ở tuổi mẹ tôi và dì tôi cũng rất thích nó. Về mặt kinh doanh, việc "snack rong biển" bị hết hàng đã chứng minh mức độ phổ biến của nó. Với đầy đủ các điều kiện, nó thực sự xứng đáng là sản phẩm mới của "Tao Kae Noi".

Nó đã trở thành sản phẩm hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi.

(Còn tiếp)...

* Nội dung bài viết trích từ cuốn sách "Tao Kae Noi - Câu chuyện của Tob" của tác giả Sorakol Adulyanon.

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên