MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ tự ti vì xuất phát điểm thấp đến nữ sinh tốt nghiệp Ngoại thương sớm với GPA gần như tuyệt đối, chưa ra trường đã có công ty gọi đi làm

09-04-2023 - 14:15 PM | Sống

Từ tự ti vì xuất phát điểm thấp đến nữ sinh tốt nghiệp Ngoại thương sớm với GPA gần như tuyệt đối, chưa ra trường đã có công ty gọi đi làm

Nữ sinh đứng đầu đợt xét tốt nghiệp sớm của trường Đại học Ngoại thương với điểm trung bình 3,99/4, chỉ duy nhất một môn không đạt điểm A.

Trần Thị Thu Hiền (sinh năm 2001, quê Hà Tĩnh) là nữ sinh có điểm tổng kết trung bình cao nhất đợt xét tốt nghiệp thứ nhất của trường Đại học Ngoại Thương - GPA 3.99/4. Không chỉ vậy, trong suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường, Thu Hiền đã chứng minh được bản thân bằng loạt thành tích học tập, tham gia hoạt động ngoại khóa ấn tượng.

Trần Thị Thu Hiền

22 tuổi

  • GPA 3.99

  • TOEIC 950

  • Sinh viên tiêu biểu năm học 2021-2022 Sinh viên 5 Tốt cấp thành phố năm 2020

  • Sinh viên 5 Tốt cấp trường năm 2022.

  • Đồng tác giả 1 bài báo trên Tạp chí quốc tế Cogent Business & Management (2022)...

  • Giành học bổng 6 kỳ của Ngoại Thương, và 5 học bổng của doanh nghiệp

Từng tự ti về bản thân

"Chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ trở thành người có GPA cao nhất cả" - là câu nói đầu tiên Trần Thị Thu Hiền thốt lên khi được hỏi về thành tích mà bản thân vừa đạt được. Trong suốt quá trình học, Hiền chỉ biết học và cố gắng làm sao để hoàn thành tốt nhất các bài kiểm tra, bài luận nhằm ra trường sớm, còn vị trí đứng đầu hay thủ khoa chưa từng xuất hiện trong đầu nữ sinh này.

Khoảnh khắc được xướng tên là người "nắm giữ" điểm GPA cao nhất đợt xét tuyển tốt nghiệp sớm, nếu như Thu Hiền vui một thì gia đình cô nàng... vui đến mười. Đây là điều nữ sinh cảm thấy hạnh phúc nhất bởi thành công này, Thu Hiền muốn dành trọn cho bố mẹ - người luôn đồng hành, ủng hộ cô.

Gần 4 năm gắn bó với Ngoại thương là ngần ấy thời gian Hiền phải sống xa gia đình. Hiền vẫn nhớ mãi cảnh bố mẹ cẩn thận gói ghém từng món quà quê để con gái Hà Nội, rồi những đêm nhớ nhà đến phát khóc... Đặc biệt, kỷ niệm mà Thu Hiền nhớ nhất là vào hồi năm nhất đại học, lúc đó đúng thời điểm dịch sốt xuất huyết đang rất căng và bản thân cô nàng cũng bị nhiễm. Nhưng là một đứa con đi học xa nhà, không muốn bố mẹ lo lắng nên Hiền đã giấu đi, chỉ nhờ bạn bè chăm sóc chứ không để cho bố mẹ biết. Mấy ngày liền Hiền kiếm cớ không gọi về nhà vì bị vỡ giọng, sợ bị phát hiện. 

"Đến cuối cùng mình vẫn không thể giấu được vì quá nhiều ngày không gọi điện về nhà, bố mẹ cũng nghi ngờ. Bố mình gọi đến, mình cố gắng trả lời ngắn gọn nhưng bố vẫn phát hiện ra là vỡ giọng rồi. Cuối cùng mình phải khai ra mọi chuyện và đã òa lên khóc với bố", Hiền kể lại.

Thủ khoa - Ảnh 2.

Thu Hiền chụp ảnh cùng bố mẹ tỏng lễ tốt nghiệp

Ở một diễn biến khác, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương - ngôi trường vốn được coi là “Harvard của Việt Nam" nhưng Hiền thừa nhận bản thân không phải là "con nhà người ta" như mọi người thường nghĩ. Xuất phát điểm là một học sinh không phải "dân" trường chuyên, Hiền chỉ vừa đủ điểm đỗ vào chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của Ngoại thương với 27,25 điểm khối A1 (Toán, Lý, Anh). Đó cũng chính là nguyên do khiến thời gian đầu mới vào trường, Hiền cảm thấy rất tự ti.

"Xung quanh mình có rất nhiều bạn giỏi giang, có người là thủ khoa, người là học sinh giỏi Quốc gia, người là sinh viên trường chuyên lớp chọn,... Lúc đó mình thực sự chưa định vị được bản thân", Thu Hiền kể lại.

Đặc biệt, năm nhất đại học cũng là lúc Thu Hiền bị khủng hoảng nhất về vấn đề học tập.Vì chưa quen với cách học ở bậc đại học, nên cô nàng khá chật vật. Lúc đó, Hiền học dàn trải tất cả các kiến thức, gần như không có trọng tâm. Cách học đó vừa mất thời gian, mất công sức ôn luyện.

Kết quả là, Thu Hiền chỉ đạt điểm B ở môn Kinh tế chính trị. Đây chính là lý do duy nhất khiến điểm GPA của cô không ở mức 4.0 tròn trĩnh. Sau đó, Hiền rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân, rằng phải xác định được trọng tâm các phần, chương học, xây dựng sơ đồ tư duy, từ đó lên kế hoạch ôn tập phù hợp.

Thủ khoa - Ảnh 3.

Thu Hiền từng tự ti về bản thân

Tìm được cách học phù hợp, việc học tập của nữ sinh gốc Hà Tĩnh tại Ngoại thương trở nên dễ dàng hơn. Cô nàng liên tiếp giành học bổng loại A (loại cao nhất) của trường trong cả 6 kỳ học. Hiền cũng giành được 5 học bổng từ doanh nghiệp tài trợ. Với số tiền này, gần như 3,5 năm học tại Ngoại Thương cô nàng không phải xin ba mẹ đóng học phí, thậm chí còn tiết kiệm được một khoản nhỏ để theo học bồi dưỡng thêm vốn ngoại ngữ.

Học bá đam mê làm thêm, chưa ra trường đã có nơi nhận vào làm

Trong suy nghĩ của nhiều người, với tư cách là một "học bá" hàng thật giá thật, Thu Hiền lúc nào cũng chỉ biết cắm đầu vào học, ngày ngày lên thư viện ngồi ngâm cứu kiến thức, về nhà thì cắm đầu vào sách vở cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, Hiền cũng như mọi Gen Z khác, ham học mà cũng… ham chơi. Dù bận rộn việc học, nữ sinh vẫn cố gắng cân bằng thời gian để có thể tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện, đặc biệt là đi làm thêm.

Thu Hiền tâm niệm, bản thân sẽ được học, được trải nghiệm, được nâng cấp những kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết khi tiếp cận với thị trường lao động từ sớm. Kinh nghiệm làm việc cũng sẽ giúp cho hồ sơ xin việc của bản thân trở nên nổi bật hơn các ứng viên khác. Ngoài ra, với chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, từ lâu cô bạn đã đi đúng với định hướng đào tạo của ngành và theo đuổi mảng Logistics, bởi Thu Hiền nhận thấy tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm cùng mức lương của ngành này trong tương lai là vô cùng lớn.

"Mình thường lên các trang web tuyển dụng quen thuộc với sinh viên để tìm kiếm các công việc làm thêm. Ngoài ra, mình cũng xây dựng các mối quan hệ để được giới thiệu những công việc tiềm năng", cô nàng chia sẻ.

Thủ khoa - Ảnh 4.

Cô nàng lựa chọn việc vừa học vừa làm

Có lộ trình phát triển bản thân rõ ràng, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, nữ sinh đã tích lũy được cho mình kha khá kinh nghiệm "thực chiến". Cụ thể là trong kỳ thực tập tại phòng Khai báo hải quan của một công ty logistics Nhật Bản, nhờ vào kiến thức có được trong quá trình học tập, cùng với những chia sẻ từ các anh chị khóa trước.

Nối tiếp thành công đó, khi chưa tốt nghiệp, Hiền đã được một công ty về Logistic của Mỹ đặt chi nhánh ở Việt Nam nhận vào làm việc. Để vào được công ty này, Hiền chạy đua cùng hàng trăm ứng viên, vượt qua nhiều vòng xét hồ sơ, phỏng vấn..., cuối cùng Hiền là người duy nhất trúng tuyển.

Yếu tố giúp Thu Hiền "chinh phục" thành công thử thách này đó chính là "cách thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng". Cụ thể tại vòng hồ sơ, Hiền đã thể hiện được GPA cao, hoạt động ngoại khóa và kinh nghiệm làm việc năng nổ, đồng thời kỹ năng tiếng Anh và tin học đáp ứng được nhu cầu công việc. Tại vòng phỏng vấn, Hiền lại cho nhà tuyển dụng thấy được con người mình, điểm mạnh, điểm yếu và định hướng tương lai... Sự phù hợp giữa những kiến thức, kỹ năng Hiền có với vị trí đang tuyển chính là điều kiện tiên quyết giúp Hiền được nhận vào làm.

"Trong quá trình phỏng vấn, điều mà mình nhớ nhất có lẽ là sự cởi mở giữa mình và nhà tuyển dụng. Môi trường làm việc ở công ty Mỹ đó thực sự thân thiện, thoải mái. Sếp cũng nhận định mình là một ứng viên tiềm năng và đặt khá nhiều kỳ vọng ở mình. Đó thực sự là niềm vui, động lực và cũng là áp lực để mình phấn đấu", Thu Hiền chia sẻ.

Thủ khoa - Ảnh 5.

Có lộ trình phát triển bản thân rõ ràng, Thu Hiền đã gặt hái được nhiều thành công

Tốt nghiệp một trường đại học top đầu với bảng điểm đẹp như mơ nhưng Hiền không mơ về một mức lương khởi điểm "nghìn đô". Thay vào đó, cô nàng cho rằng vừa ra trường thì còn cần học hỏi rất nhiều, và cần thời gian để áp dụng những gì đã học vào thực tiễn. Việc bắt đầu sự nghiệp với con số thu nhập khiêm tốn hơn là điều dễ hiểu, quan trọng là lộ trình phát triển bản thân trong tương lai.

Ngoài ra, "thái độ hơn trình độ" cũng là điều mà Thu Hiền muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ. Thái độ ở đây bao gồm thái độ với bản thân, với công việc và với những người xung quanh:

"Với bản thân, mình nghĩ người trẻ nên tin tưởng vào khả năng của bản thân và không giới hạn mình trong một phạm vi nào cả để có thể không ngừng học hỏi và hoàn thiện. Với công việc, sự cầu tiến, tích cực, ham học hỏi sẽ mang lại cho ta nhiều cơ hội phát triển trong công việc. Còn với những người xung quanh, khi chúng ta có thái độ tốt sẽ có được cảm tình và sự yêu mến, từ đó có được những người đồng hành chất lượng trên hành trình phát triển bản thân mình".

Ảnh: NVCC

Theo Huỳnh Đức

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên