Từ tuổi thơ “bố mẹ chỉ mong cả nhà chết cùng nhau” đến 3 giải thưởng sáng kiến xã hội lớn nhất Châu Á của cô giám đốc nhỏ bé
“Anh trai tôi và tôi bị khuyết tật rất nặng. Bố mẹ tôi đều mong rằng cả nhà sẽ chết cùng với nhau, hoặc họ phải chết sau chúng tôi. Bởi nếu họ chết trước chúng tôi, sẽ không ai chăm sóc chúng tôi nữa” – cô Giám đốc nhỏ bé ngồi trên xe lăn tâm sự.
Hatch ! Fair tại Hà Nội cuối tháng 9, khi giờ ăn trưa đã cận kề, một cô gái nhỏ bé, rất nhỏ bé, ngồi trên xe lăn từ từ tiến ra sân khấu.
Cô ấy mặc áo lụa màu cam, váy lụa thêu tay màu hồng, tô son hồng và mang đôi giày họa tiết houndstooth. Đưa những ngón tay khẳng khiu lên vuốt tóc, rồi điều chỉnh tai nghe, cô gái hỏi nhỏ bằng tiếng Anh: “Các bạn nghe được tôi nói không ạ? Ồ, tôi sẽ cố gắng nói to hơn…”
Cô là Vân Nguyễn – CEO của CTCP Nghị lực sống. Vân tiếp quản trung tâm Nghị lực sống sau khi anh trai cô là Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng qua đời cuối năm 2012.
“Nhìn người khuyết tật ăn xin ngoài đền, tôi đã rất lo sợ về tương lai sau này…”
Vân Nguyễn là một trong số 7,2 triệu người khuyết tật tại Việt Nam. Khi mới sinh ra, cơ thể cô vẫn bình thường như bao trẻ em khác. Nhưng càng lớn, cơ thể càng biến dạng, teo tóp, mọi hoạt động luôn gắn liền với chiếc xe lăn.
“Anh trai của tôi và tôi đều bị khuyết tật rất nặng. Khi còn nhỏ, tôi thấy có những người ngồi trước chùa, đền xin tiền. Tôi đã lo sợ rất nhiều về tương lai của mình khi đó”.
Vân Nguyễn tại Hatch! Fair the fifth.
“Các bạn biết không, bố mẹ tôi đều mong rằng cả nhà tôi sẽ chết cùng với nhau, hoặc họ phải chết sau chúng tôi. Bởi nếu họ chết trước chúng tôi, sẽ không ai chăm sóc chúng tôi nữa. Đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng trung tâm này”, Vân tâm sự.
Trung tâm mà Vân nhắc tới là Nghị lực sống. Trung tâm này thời kỳ đầu được thành lập bởi anh Nguyễn Công Hùng. Sau sự ra đi đột ngột của anh vào cuối năm 2012, Vân thay anh tiếp quản trung tâm.
Tính đến nay, Nghị lực sống đã đào tạo hơn 800 người khuyết tật. Hơn 80% trong số đó đã tìm được việc, thậm chí có những công việc rất tốt. Vân cho biết, có những bạn sau 6 tháng đào tạo đã có thể kiếm được việc cho thu nhập 300 – 600 USD/tháng.
“Bạn có tưởng tượng được không? Một công ty ở Đan Mạch đã thuê hơn 70% những người được đào tạo ở trung tâm chúng tôi. Những người tìm được việc nói họ rất hạnh phúc, rất vui khi có công việc để làm, để không sống phụ thuộc. Họ có thể tự đưa ra quyết cho cuộc đời mình chứ không cần ai quyết định cho cuộc đời của họ như trước”.
“Nhưng tôi lại không vui trước chuyện này”, Vân kể.
Đây không phải một câu chuyện thiện nguyện!
Những gì Trung tâm Nghị lực sống đã làm được, Vân có cảm giác đó vẫn là cái gì đấy như là thiện nguyện, như là lòng thương.
“Khi tôi nhắm mắt lại, lởn vởn trong đầu tôi một câu hỏi rất lớn: Nếu không có sự thiện nguyện, chúng ta có thể tiếp tục công việc này? Có thể giữ cho chuyện này được bền vững hay không?”, Vân tự vấn.
Đấy là lý do CTCP Nghị lực sống ra đời – một mô hình doanh nghiệp vừa giúp học viên tốt nghiệp được trau dồi kỹ năng, vừa giúp bổ sung nguồn tài chính cho các hoạt động của trung tâm.
Đấy cũng là lý do Vân lập ra Imagtor - một doanh nghiệp xã hội thành viên trực thuộc Nghị lực sống vào tháng 2/2016.
Giao diện trang chủ của Imagtor.
Imagtor cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh cho lĩnh vực bất động sản và thương mại điện tử với 100% khách hàng là đối tác nước ngoài. Các khách hàng của Imagtor chủ yếu đến từ thị trường Mỹ (chiếm 80%), còn lại là các khách hàng Úc, Nhật...
Trong cuộc thi Social Venture Asia - cuộc thi sáng kiến xã hội lớn nhất Châu Á mới đây, Imagtor đã lọt vào vòng chung kết.
Tên Imagtor trong top 15 doanh nghiệp xã hội vào vòng chung kết của Social Venture Asia.
Tại lễ trao giải diễn ra tại Singapore đầu tháng 10, cái tên Imagtor đã được xướng tới 3 lần cho 3 giải: Giải thưởng doanh nghiệp xã hội sáng tạo trong lĩnh vực áp dụng công nghệ, Doanh nghiệp xã hội sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục, và Doanh nghiệp xã hội tiềm năng của Châu Á.
“Khi bắt đầu Imagtor với 5.000 USD, mọi người bảo tôi bị điên!”
1 năm 8 tháng trước, khi bắt đầu với Imagtor, mọi người đều nói Vân bị điên.
“Rất nhiều người nói tôi bị điên, bởi tôi chỉ có 5.000 USD thôi. Cả cuộc đời tôi chỉ tiết kiệm được chừng đó. Đó là toàn bộ số tiền tôi có, bởi tôi còn bị ốm, còn phải đi bệnh viện, có những lúc tôi đã nghĩ rằng mình thật sự nguy kịch…”
“Thế nhưng tôi muốn thử. Tôi tin vào bản thân mình. Bạn thấy không, giờ tôi khá vui”, Vân hào hứng.
Vân cho biết Imagtor vẫn đang phát triển nhanh chóng. Imagtor hiện có 50 nhân sự, 60% trong số họ là người khuyết tật - những học viên do Trung tâm Nghị lực sống đào tạo.
Hiện Imagtor đang phục vụ 70 khách hàng. “Họ luôn giục tôi: “Vân, làm nhanh lên. Các bạn đang đang phát triển và các bạn làm rất tốt”, Vân cười tươi rói.
Tất nhiên, Imagtor đối diện với nhiều thách thức, không chỉ là vấn đề tiền bạc.
Vân làm người mẫu trong Lễ hội Áo dài 2016. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.
“Đôi khi sự thách thức lại đến từ bất bình đẳng giới. Những người phụ nữ cũng có bằng cấp, chứng chỉ, nhưng có rất nhiều rào cản với họ. Tôi luôn muốn thay đổi suy nghĩ của mình. Tôi luôn muốn nói OK với bản thân mình”, Vân chia sẻ.
Và để nói "OK" với chính bản thân mình, với mọi người, với xã hội, Vân đã ngồi trên xe lăn và đến nhiều hội nghị về doanh nhân xã hội, về bình đẳng giới. Năm ngoái, cô còn làm người mẫu trong Lễ hội Áo dài 2016. Trong lễ hội đó, Vân là 1 trong 5 người mẫu khuyết tật tham dự.
“Tôi đang ngồi trên xe lăn. Tôi có thể đến các hội nghị và ngồi trên xe lăn. Tôi luôn muốn làm thế nào để có thể thay đổi suy nghĩ của bản thân tôi cũng như thay đổi suy nghĩ của mọi người. Đấy là lý do tại sao chúng tôi vẫn sống sót. Chúng tôi vẫn làm việc, làm việc tốt và vẫn đang phát triển”.
“Tôi chỉ muốn nói với tất cả những người khởi nghiệp rằng: Các bạn hãy tin vào bản thân mình. Khi tin vào bản thân mình, các bạn có thể thay đổi được xã hội. Và nếu các bạn nghĩ mình có thể làm được gì đó thay đổi, hãy làm đi!”, Vân nói.
Trí thức trẻ