Tư vấn thiết kế Viettel: Từ trục cáp quang 2.000 km Bắc Nam đến các giải pháp ICT
Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel đã có nhiều thành tựu trong 25 năm hoạt động với những công trình ghi dấu ấn như trục cáp quang 1A Bắc-Nam. Nhưng trong thời 4.0, công ty này không muốn "dậm chân" với vị trí số 1 ở một ngành hẹp.
Là công ty lâu đời nhất Viettel, đem lại những đồng tiền đầu tiên cho Tập đoàn, Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel (VTK) từng nổi tiếng với công trình đường trục cáp quang 2.000km. Cùng với sự thay đổi của thị trường, công ty 25 năm tuổi này đang tìm kiếm "mùa xuân mới" của mình.
Kỳ tích đường trục công nghệ mới nhất và thực hiện dài nhất thế giới
Năm 1989, Viettel được thành lập với tên gọi Sigelco. Đây là thời kỳ khó khăn nhất bởi Viettel khi ấy chỉ là một công ty rất nhỏ, hoạt động trong một lĩnh vực đang được VNPT độc quyền. Theo lời kể của những lãnh đạo kỳ cựu, Viettel chỉ có thể đi làm thuê để tồn tại, tích lũy kinh nghiệm. Do đó, đội ngũ tư vấn thiết kế và xây lắp công trình đóng vai trò chủ đạo gây dựng nên Viettel.
Trong thời gian này, có một công trình lịch sử tạo nên tên tuổi Viettel là đường trục cáp quang 1A, dài 2.000km nối liền Bắc – Nam với dung lượng 2,5Gbps sử dụng công nghệ ghép bước sóng trên một sợi quang. Đây là công nghệ tiên tiến nhất thời đó, mới áp dụng ở Anh nhưng chỉ dùng thử nghiệm trên một tuyến dài vài chục km, chứ không triển khai trên diện rộng. Ở Mỹ cũng thử nghiệm mà chưa làm, châu Á thì không có nước nào triển khai. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng giao cho Viettel với yêu cầu phải tự làm toàn bộ đường trục Bắc – Nam, khoảng gần 2.000 km.
Cũng vì thế, khi áp dụng thành công công nghệ ghép bước sóng trên một sợi quang, đường trục có số hiệu 1A này được gọi là kỳ tích của Viettel, và trở thành điểm khởi đầu cho nhiều thành tựu lớn sau này trong lĩnh vực viễn thông.
Đến khi bắt tay vào làm di động, để có thể chiếm lĩnh được thị trường, Viettel cần phải triển khai hạ tầng nhanh. Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel đánh giá, cũng chính đội ngũ tư vấn thiết kế và công trình đã đóng vai trò tiền đề để chỉ sau một năm, số trạm phát sóng của Viettel lớn hơn hai nhà mạng đi trước cộng lại. Đó là kỳ tích mà chưa nhà mạng nào trên thế giới làm được.
Trước khi những kỳ tích được ra đời thì thực tế, ngay từ những năm đầu thành lập, VTK đã là công ty duy nhất trong nước có đủ năng lực khảo sát thiết kế cột cao, tuyến vi ba và hạ tầng mạng lưới cho ngành Bưu điện. Đồng thời, VTK cũng tham gia xây dựng hệ thống hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của ngành phát thanh truyền hình từ trung ương đến địa phương.
Thực tế, VTK là nhân tố góp phần tạo nên hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, viễn thông, phát thanh truyền hình cho đất nước.
Nếu không thay đổi thật nhanh…
25 năm tuổi nghề đã tạo nên vị thế số 1 Việt Nam về tư vấn thiết kế và kiểm định công trình hạ tầng viễn thông cho VTK. Theo ông Vũ Tiến Duy, dù công ty đang ở độ chín nhưng vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng đổi mới liên tục.
"Xét ở khía cạnh 1 công ty tư vấn thiết kế đổi mới trong thời kỳ 4.0 chúng tôi chưa đạt số 1. Đó là điều chúng tôi cần thúc đẩy" – ông Duy khẳng định. Chính vì thế, theo giám đốc của VTK, 2 năm nay họ đang gấp rút thực hiện chiến lược để tạo nên "mùa xuân mới" cho công ty.
Theo đó, đơn vị này đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ ra ngoài phạm vi Viettel, nâng tỷ lệ doanh thu ngoài tập đoàn từ 6% vào năm 2018 lên 12% trong năm 2019.
Bên cạnh mảng tư vấn thiết kế, giám sát công trình viễn thông đang giữ vị thế số 1 tại Việt Nam thì VTK cũng giữ vị thế số 1 trong lĩnh vực kiểm định công trình viễn thông.
Nhưng quan trọng hơn, VTK định hướng "tấn công" vào ngành thiết kế công trình dân dụng, công nghiệp, làm động lực cho sự phát triển trong tương lai. Trong thời đại công nghệ, một công ty có tiềm lực tài chính và được tập đoàn Viettel hỗ trợ về công nghệ thì mảng thiết kế dân dụng 4.0 cũng phải khác biệt.
Trung tâm Tư vấn-Thiết kế các công trình dân dụng của VTK đã ứng dụng rất nhiều phần mềm để công việc thuận lợi, đơn giản hơn, ví dụ như công nghệ thực tế ảo.
Thực tế ảo trong ngành xây dựng có thể biến các bản vẽ 3D chi tiết thành các không gian ảo 3D cho khách hàng trải nghiệm. Khi đó, người thiết kế, chủ đầu tư có thể xem tòa nhà đã hoàn thành từ mọi góc độ, kích thước và thậm chí có thể "đi" vào ngôi nhà để có góc nhìn trực quan về sản phẩm thiết kế, thậm chí có thể thay đổi màu sắc, sắp xếp lại nội thất, phát hiện các sai sót và đưa ra phương án khắc phục.
"Chúng tôi xác định rằng thị trường nội thất Việt Nam rất lớn. Và cơ hội nằm ở đó. Chúng tôi mang thương hiệu của Viettel, có thể sử dụng các sản phẩm do M3 sản xuất, vận chuyển qua Viettel Post, thanh toán qua ViettelPay… Chuỗi giá trị sẽ được chúng tôi phát triển và gia tăng qua những sản phẩm nội thất thông minh của mình" – Ông Duy nói.
Một lĩnh vực trọng tâm khác được VTK hướng đến là cung cấp giải pháp lĩnh vực ICT. VTK đã thành lập trung tâm đầu tiên trực thuộc Công ty mà không có thêm từ "tư vấn": Trung tâm ICT. Lý do, giờ đây VTK thực hiện toàn bộ quá trình từ tư vấn, lắp đặt, tích hợp, hoàn thiện… Trung tâm ICT sẽ đảm nhiệm các vấn đề về công nghệ và thiết bị công nghệ để phục vụ cho chiến lược nói trên.
"Những doanh thu truyền thống như thiết kế và kiểm định sẽ chiếm khoảng 75%, khoảng 25% còn lại sẽ là những nguồn doanh thu mới" – Ông Duy nói về mục tiêu doanh thu 350 tỷ đồng trong vòng 5 năm tới.