Tư vấn viên Tổng đài bảo vệ trẻ em 111: Nhiều bố mẹ hay chửi con "Mày chẳng được tích sự gì" theo thói quen nhưng đó là dấu hiệu bạo hành tinh thần
Tư vấn viên Tổng đài bảo vệ trẻ em cho hay: "Thượng đế cho chúng ta sản phẩm tuyệt vời là những đứa trẻ nhưng đa số cha mẹ lại không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng."
- 21-01-2022Bố bé gái 3 tuổi ở Hà Nội lần đầu được gặp con sau thời gian xa cách trong hoàn cảnh thương tâm: "Con tôi làm gì nên tội, sao hết lần này đến lần khác đối xử với cháu như vậy"
- 20-01-2022Vụ bé 3 tuổi bị 9 chiếc đinh găm vào sọ: Tiến sĩ nổi tiếng bàng hoàng "Đã đến lúc phải thành lập cơ quan Quản lý GIÁO DỤC GIA ĐÌNH"
- 20-01-2022Đoạn tin nhắn tiết lộ phản ứng của mẹ bé 3 tuổi khi biết tin con bị 9 cái đinh găm vào đầu
Trong thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra khiến nhiều người cảm thấy vô cùng phẫn nộ về trách nhiệm thật sự của những người làm bố, làm mẹ trong gia đình. Những đứa trẻ đáng thương bị bạo hành trong suốt một thời gian dài, không được cất tiếng nói về những vết thương mình phải chịu đựng.
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2020 có tới 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã hỗ trợ, can thiệp sâu cho 706 em, trong đó có 362 ca bạo lực.
Tại buổi tọa đàm "Trẻ bị bạo hành - Ai chìa tay cứu" do VnExpress tổ chức vào ngày 6/1, bà Lê Mai Quyên, Tư vấn viên Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 cho hay trung bình mỗi ngày họ tiếp nhận hơn 1.400 cuộc gọi và tư vấn gần 100 ca vì tổng đài không chỉ tiếp nhận trẻ bị bạo hành mà tất cả vấn đề liên quan đến vi phạm quyền trẻ em.
Bà kể: "Ví dụ chúng tôi từng tiếp nhận cuộc gọi bé gái 13 tuổi chia sẻ bị bà ngoại mắng, bắt ra đồng hái lạc khi cháu phải đi học. Cháu gọi đến khóc và sau đó chúng tôi can thiệp bằng cách gọi xuống địa phương. Thế nhưng khi cán bộ địa phương xuống bà giận cháu và con gái. Vì theo quan điểm của bà, bà muốn tốt cho cháu, mắng cho cháu nên người mà nó đi báo chính quyền, công an, tổng đài. Lúc đó, cán bộ trẻ em địa phương rất khó xử."
Để xác định mức độ bạo hành trẻ em, bà Quyên nêu ra những câu hỏi dấu hiệu về thể chất và tinh thần từ người báo để xác định bạo hành. Về thể chất, trẻ có vết thương không, vết thương thế nào, mức độ tổn thương ra sao, trẻ có xu hướng làm hại bản thân hay xu hướng tấn công người khác không.
Về tinh thần, hành vi sẽ tinh vi hơn nhiều. Không ít phụ huynh hay nói những lời theo thói quen chửi con "mày chẳng được tích sự gì", "cút xéo đi"... Theo bà, nhiều người nghĩ là thói quen, nhưng đó đều là dấu hiệu bạo hành tinh thần.
"Sau sự việc bé ở TP.HCM tử vong, có nhiều người gọi đến chia sẻ những câu chuyện tương tự. Một người gọi đến tôi nói rằng bạn của chị ấy tâm sự là hai năm nay, con chị bị chồng bạo hành. Người này bảo bạn gọi báo công an, Tổng đài 111, nhưng người bạn vẫn nghĩ đó là việc gia đình tự xử lý. Bản thân người gọi cũng nghĩ đó là việc nhà bạn.
Tôi mong các bạn hãy nghĩ đó không phải việc ai cả, đó là việc của mình, việc nhấc điện thoại gọi 111 là nên làm. Như anh Nam nói, nếu mọi người biết đến 111 nhiều, áp lực của tổng đài viên sẽ lớn hơn, nhưng đây là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi mong mỗi người là cánh tay nối dài để tổng đài giúp đỡ được nhiều trẻ em hơn", bà bày tỏ.
Pháp luật và bạn đọc