MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ bé trai hóc nhãn phải sống thực vật: Bác sĩ chỉ cách sơ cứu cha mẹ nào cũng cần biết

26-07-2018 - 14:00 PM | Sống

Hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ, xử trí không khó nhưng nếu không biết sơ cứu đúng cách dễ khiến não tổn thương không phục hồi, thậm chí tử vong.

Mới đây vụ trẻ 2 tuổi hóc hạt nhãn và rơi vào tình trạng sống thực vật là hồi chuông đáng báo động.

BS. Phạm Ngọc Toàn - Khoa Cấp cứu (BV Nhi Trung ương) tư vấn, nếu trẻ hóc dị vật còn tỉnh táo, có ho được thì hãy khuyến khích bệnh nhân ho và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Trường hợp bệnh nhân ho không hiệu quả, cần làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực. Phương pháp này tư thế người cấp cứu là khác nhau giữa trẻ nhỏ và trẻ lớn.

Với trẻ nhỏ, người cấp cứu có thể đứng, hoặc ngồi lên ghế. Sau đó, đặt bệnh nhân nằm sấp lên cánh tay, cho đầu bệnh nhân chúi xuống, nghiêng về 1 bên, dùng 1 chân đỡ dưới cánh tay và thực hiện vỗ lưng 5 lần.

Lưu ý khi vỗ lưng theo chiều đẩy xuống phía dưới đầu, cổ. Sau 5 lần vỗ kiểm tra xem dị vật có ra hay không, sau đó lại làm tiếp.

Từ vụ bé trai hóc nhãn phải sống thực vật: Bác sĩ chỉ cách sơ cứu cha mẹ nào cũng cần biết - Ảnh 1.

Đặc biệt đáng chú ý, BS. Toàn khuyến cáo, ở trẻ nhỏ, các bác sĩ không khuyến khích làm Heimlich (đây là phương pháp ôm sau lưng xốc mạnh làm cho cơ hoành đẩy mạnh lên khiến cho dị vật thoát ra khỏi đường thở của nạn nhân, giúp cho họ thở lại được) vì nguy cơ tổn thương tạng mà chỉ khuyến cáo vỗ lưng, ấn ngực.

Khi xử trí, cần quan sát đánh giá xem dị vật ra chưa. Trường hợp sơ cứu thành công, dị vật ra được bên ngoài thì cũng nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Còn với trẻ lớn, BS. Toàn tư vấn nên đặt trẻ nằm vắt ngang qua đầu gối của người lớn theo tư thế đầu chúi xuống để vỗ lưng. Cần lưu ý, luôn vỗ lưng theo chiều mạnh xuống phía dưới.

"Nếu vỗ lưng không thấy dị vật ra, hãy cho trẻ nằm ngược lại, ngửa mặt lên, đầu chúi xuống dưới và ấn ngực ở vị trí 1/2 dưới của xương ức"- BS. Toàn hướng dẫn.

Còn nếu bệnh nhân không ho được và không còn tỉnh táo, gọi hỏi không đáp ứng, phải gọi người hỗ trợ.

Sau khi gọi người hỗ trợ, hãy làm các bước, đầu tiên là mở thông đường thở. Mở thông đường thở rất đơn giản, hãy đặt trẻ nằm ngửa, một tay giữ vào trán trẻ, một tay để dưới cằm, nâng cằm hơi ngửa lên cao.

Từ vụ bé trai hóc nhãn phải sống thực vật: Bác sĩ chỉ cách sơ cứu cha mẹ nào cũng cần biết - Ảnh 2.

Sau đó, cần nghe xem bệnh nhân có thở hay không. Nếu không còn thở hãy hà hơi, thổi ngạt theo nguyên tắc 2 lần hà hơi, 15 lần ép tim (Hà hơi phải thấy rõ được sự di động của ngực, thổi hơi vào miệng trẻ.

Ở ngoài cộng đồng bác sĩ khuyến khích hà hơi 5 lần rồi ép tim 15 lần, với tốc độ ép nhanh, khoảng 100 lần/phút).

Với kỹ thuật ép tim, hà hơi thường cần 2 người, một người hà hơi và một người ép tim. Vị trí ép tim là ½ dưới của xương ức. khi ép, cánh tay đặt thẳng lên cầu ngực bệnh nhân, thực hiện 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt (trong cộng đồng có thể thực hiện 5 lần thổi ngạt).

Quá trình hà hơi, ép tim cần thực hiện liên tục, sau 1 phút lại đánh giá lại bệnh nhân có thở, có mạch hay chưa. Lưu ý liên tục làm đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Không dùng mẹo dân gian chữa hóc dị vật

Thời gian vừa qua, BVĐK tỉnh Bắc Ninh cũng tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp trẻ bị hóc dị vật là cục pin máy tính, hóc đồ chơi…

ThS.BS Nguyễn Anh Tân - Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa - thần kinh - các bệnh máu, BVĐK tỉnh Bắc Ninh cho biết: Ở cả 2 trẻ này khi chụp X-quang và nội soi tiêu hóa đều cho thấy hình ảnh có dị vật bằng kim loại, kích thước khoảng 2x2cm.

Trong trường hợp trẻ bị hóc dị vật, nội soi tiêu hóa qua đường miệng là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán và xử lí.

Tuy nhiên, trường hợp trẻ còn quá nhỏ, chưa có sự hợp tác với cán bộ y tế thì quá trình nội soi gặp khá nhiều khó khăn. Bệnh nhân nhỏ tuổi thì thực quản sẽ nhỏ hơn nhiều so với người lớn, trong khi ống soi cũng khá lớn, nếu trẻ không phối hợp thì sẽ rất khó để thực hiện.

Có những trường hợp như bé 43 tháng nói trên, bắt buộc phải gây mê mới có thể tiến hành nội soi gắp dị vật cho trẻ.

Cũng theo BS. Tân, nếu dị vật mà trẻ nuốt phải là thức ăn mềm, có thể tiêu hóa được thì khả năng sẽ không ảnh hưởng.

Nhưng khi dị vật là xương, hoặc các loại đồ bằng nhựa, kim loại hay thủy tinh, nếu không lấy được dị vật ra thì nguy cơ trẻ sẽ gặp nguy hiểm là rất lớn.

Nếu dị vật mắc vào đường hô hấp có thể ngay lập tức gây ngừng thở dẫn đến tử vong; còn nếu dị vật vào đường tiêu hóa, để quá lâu sẽ gây viêm dạ dày, loét dạ dày cấp; hoặc nếu trường hợp dị vật đi qua được dạ dày xuống lỗ hậu môn thì sẽ có thể gây tắc ruột và phải trải qua một cuộc phẫu thuật để lấy dị vật ra ngoài.

Khi trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh thường mắc một số sai lầm như cố gắng lấy tay móc miệng để trẻ nôn ra dị vật, hoặc làm dị vật trôi xuống dạ dày bằng việc vuốt lưng hay sử dụng một số mẹo dân gian như cho trẻ nuốt miếng rau, thìa cơm, hoa quả…

Những việc làm này có thể vừa không mang lại hiệu quả như mong muốn, vừa khiến tình trạng của trẻ bị trầm trọng hơn.

Vì vậy, trong quá trình chăm nuôi trẻ tại nhà, bố mẹ cần quan sát kĩ và tránh những đồ chơi quá nhỏ khiến trẻ có thể nuốt phải, bởi trẻ thường có thói quen lầm tưởng đồ vật là đồ ăn và cho vào miệng; với trẻ lớn hơn thì không nên đùa nghịch, cười đùa quá trong quá trình chơi.

Trong trường hợp trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh cần bình tĩnh để xác định tình trạng của trẻ.

Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở cần được xử lí bằng thủ thuật vỗ lưng ấn ngực nhiều lần cho đến khi trẻ hồng hào trở lại; còn nếu trẻ vẫn chưa ổn, phải sử dụng đến phương pháp thổi ngạt, cấp cứu ngưng thở, ngưng tim cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được xử lí kịp thời.

Tránh những sai lầm có thể khiến tình trạng của trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Theo D.Hải - N.Hồng

Sức khỏe đời sống

Trở lên trên