MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vũ công sàn nhảy, Nicolas Darvas đã trở thành vũ công trên sàn chứng khoán chỉ với chiếc hộp “thần kỳ”

Nicolas Darvas là nhà đầu cơ chứng khoán huyền thoại với “Luận thuyết cái hộp” (The Box Theory) nổi tiếng. Tuy vậy, điều ít ai biết được rằng trước khi trở thành “tượng đài” trong lĩnh vực chứng khoán thì công việc chính của Nicolas Darvas là…vũ công và việc rẽ ngang sang chứng khoán của ông tương đối tình cờ.

Sinh ra và lớn lên tại Hungari, Nicolas Darvas từng theo học ngành kinh tế và xã hội học tại đại học tổng hợp Budapest trước khi chạy trốn phát xít Đức sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 1943 rồi di cư sang Mỹ năm 1951.

Học hành vậy thôi nhưng đâu có được đến đầu đến đũa cho nên nghề nghiệp chính của Darvas là vũ công. Trong thập kỷ 50 của thế kỷ trước, Nicolas Darvas là vũ công nổi tiếng nhất trên tất cả các vũ trường ở New York. Công việc ấy đem lại cho Darvas những đồng tiền đầu tiên. Nhưng nghề này không giúp Darvas trở nên giàu có. Khán giả hoan nghênh và ngợi ca vũ công Nicolas Darvas về tài nghệ của anh, nhưng cũng chỉ đến như vậy.

Năm 1952, chủ một vũ trường đêm ở thành phố Toronto (Canada) gợi ý trả thù lao cho Darvas không phải bằng tiền mà bằng cổ phiếu của một công ty xây dựng gần như không ai biết đến tên là Brilund.

Darvas không chấp nhận kiểu trả thù lao này, nhưng để tỏ thiện chí với người chủ vũ trường nên đã nhận lại số cổ phiếu với giá trị 3.000 USD và gần như quên lãng chúng. Một thời gian sau, khi tình cờ xem lại giá trị số cổ phiếu này, Darvas ngạc nhiên nhận thấy giá trị của chúng đã tăng gấp ba lần.

Có thể may hơn khôn, có thể chỉ là một trường hợp ngoại lệ riêng lẻ, nhưng điều chắc chắn là Darvas đã có được nhận thức mới về kiếm tiền bằng đầu cơ chứng khoán: Nếu kiếm tiền bằng cách ấy dễ như vậy thì sao lại không làm? Đầu cơ chỉ là nghề phụ, trình diễn vũ điệu vẫn là nghề chính, như vậy chỉ có lợi chứ không bị thiệt. Darvas bắt đầu thm gia đầu tư chứng khoán, nhưng thời gian đầu này càng hăng hái và liều lĩnh thì lại càng thua đậm.

Bài học Darvas rút ra từ những thất bại này là, phải nghiên cứu quy luật biến động của giá chứng khoán, tìm ra mô hình giao động giá của chúng và những mối liên hệ tương tác trên sàn chứng khoán. Trong hồi ký của mình Darvas kể rằng, thời kỳ đó đã đọc hơn 200 cuốn sách về tài chính, tiền tệ và kinh doanh chứng khoán.

Những nhận thức thu lượm được từ sách báo, nghiên cứu và phân tích biến động giá chứng khoán và bài học từ những sai lầm và thất bại của chính mình đã giúp Darvas chinh phục được thế giới đầu cơ và biến sàn chứng khoán thành vũ trường cho riêng mình. Trong vòng có 8 năm từ phi vụ đầu tiên năm 1952, Darvas đã kiếm được gần 2,5 triệu USD từ đầu cơ chứng khoán, nhưng thật sự chỉ trong 18 tháng cuối cùng.

Darvas kiếm tiền trên TTCK bằng cách nào?

Darvas để ý thấy rằng trước khi tăng, giá cổ phiếu thường biến động lên xuống trong một hành lang nhất định giống như vũ công phải đi về góc sân khấu trước để lấy đà nhảy lên cao.

Giới hạn dưới và trên của hành lang này được Darvas so sánh như cái hộp thủy tinh mà quả bóng cao su nhảy lên đập xuống trong đó. Vì thế, Darvas gọi luận thuyết của mình là “Luận thuyết cái hộp”.

Cứ sau một lần tăng thì giá chứng khoán lại lấy đà tăng lên cấp độ mới và như vậy các hộp thủy tinh cứ chồng lên nhau thành chiếc kim tự tháp. Một khi quả bóng vượt quá đáy của chiếc hộp trên cao nhất thì cũng là lúc Darvas bán chứng khoán đi vì nó báo hiệu giá chứng khoán sẽ bắt đầu giảm.


Luận thuyết cái hộp của Darvas

Luận thuyết cái hộp của Darvas

“Luận thuyết cái hộp” của Darvas vẫn còn được áp dụng cho tới tận ngày nay trên thị trường chứng khoán, cho dù đó không phải là cách đầu cơ duy nhất của các nhà đầu cơ.

Theo Darvas, đầu cơ cái gì cũng vậy, điều quyết định đối với ông là giá tăng hay giảm chứ không phải đầu cơ dài hơi hay ngắn hạn. Một khi giá chứng khoản giảm xuống quá giới hạn đã định trước thì phải kiên quyết bán, chứ không chờ trong hy vọng rồi giá lại sẽ tăng lên cao hơn.

Đối với Darvas, trên sàn chứng khoán không có sự phân biệt giữa chứng khoán xấu và chứng khoán tốt, mà chỉ có chứng khoán với giảm giá hay tăng hay giá mà thôi.

Long Nhật (sưu tầm)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên