MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”

12-03-2022 - 16:58 PM | Thị trường

Từ vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”

Quan trọng nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu phải có sàng lọc, phải có lựa chọn khách hàng trước khi ký hợp đồng chứ không nên nghĩ ai cũng có thể mua được...

Vụ việc gần 100 container nhân điều gặp rủi ro khi xuất khẩu sang Ý đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn lại trong hoạt động xuất khẩu nông sản. Theo người trong ngành, không chỉ điều mà nhiều mặt hàng khác cũng từng bị lừa đảo.

Một hướng đặt ra là xem lại phương thức thanh toán quốc tế. Trước đây, khi phương thức thanh toán có bảo lãnh thịnh hành thì doanh nghiệp chủ yếu thanh toán bằng L/C, nhưng do phí cao nên có đến 80% doanh nghiệp dùng hình thức thanh toán nhờ thu D/P. Tuy nhiên, D/P được xem tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Song, ý kiến của một người lâu năm trong nghề cho rằng, đó không hẳn là điểm cốt lõi. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", và quan trọng nhất là đối tác.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, BizLIVE có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Giám đốc Công ty TANIMEX (C&N), người cũng đang bám sát diễn biến vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều Việt Nam diễn ra vừa qua.

Thưa ông, nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, ông đánh giá thế nào giữa hình thức thanh toán L/C và thanh toán D/P?

Mặc dù thanh toán L/C an toàn hơn nhưng lại tốn phí nên nhiều doanh nghiệp chọn thanh toán nhờ thu (D/P) không tốn phí.

Hình thức thanh toán D/P phổ biến nhất hiện nay là đặt cọc trước, ví dụ 10% trị giá hợp đồng hoặc trị giá lô hàng. Khi hàng quá cảnh mà khách hàng không đi nhận bộ chứng từ và không nhận hàng thì bị mất cọc, nhưng cách này cũng có rủi ro có thể người mua họ không nhận hàng do giá cả thị trường giảm hơn 10%. Vì vậy, cọc 10%, nhằm bù đắp rủi ro cho người xuất khẩu.

D/P có lợi thế là thủ tục đơn giản và quan trọng là không mất phí nên hiện nay có đến 80% - 90% doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều chọn D/P. Tuy nhiên, phương thức này thường bị thất lạc, bị làm giả bộ chứng từ…

Lâu nay doanh nghiệp xuất khẩu điều thỉnh thoảng cũng bị lừa đảo nhưng mức độ không đáng kể so với vụ việc gần 100 container vừa qua. Theo ông tại sao?

Thật ra có nhiều loại nông sản xuất khẩu cũng bị lừa đảo chứ không riêng gì điều. Trước đây có cả tàu gạo xuất khẩu bị lừa, rồi tiêu và cà phê cũng có bị lừa.

Sáng nay báo chí có đưa tin là có 04 container điều đã cập cảng bên Ý và đã bị giữ lại, có lẽ là sẽ không bị tổn thất lớn. Nhưng theo luật hàng hải thì bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều đến nhận hàng được. Song, mọi người phải hiểu là phải đó là bộ chứng từ hợp lệ. Người đi nhận hàng có trong tay bộ chứng từ hợp lệ thì bắt buộc cảng phải giao hàng nếu không giao hàng thì phạm luật.

Nếu người đi nhận xuất trình bộ chứng từ không hợp lệ mà vẫn được nhận hàng thì bên giao hàng có lỗi, còn hợp lệ rồi thì bắt buộc phải giao.

Ông vui lòng giải thích hợp lệ là như thế nào?

Bộ chứng từ hợp lệ là bill vận đơn đường biển phải sạch không được tẩy xóa.

Thứ hai, theo quy định người nhận phải có 05 loại giấy tờ mới được nhận hàng và quan trọng phải có bản gốc và trên từng tờ phải có ký hậu (ký hậu là ký lên trang số 04 phía sau của bill). Người nhận hàng phải ký vào đây, nếu người nhận hàng bán lô hàng này cho người khác thì phải ký tiếp vào đó. Đó là L/C tiền chuyển nhượng hay còn gọi là được bán bộ chứng từ.

Vì vậy ai tới nhận cũng được nhưng yêu cầu phải xuất trình bộ chứng từ hợp lệ.

Là người kinh doanh lâu năm trong ngành điều và là Chủ tịch VINACAS trong thời gian dài. Qua vụ việc này theo ông vấn đề nằm ở khâu nào? Sau câu chuyện này các doanh nghiệp điều rút ra được bài học kinh nghiệm gì?

Vấn đề của câu chuyện này có thể nằm ở khâu tàu biển, bên ngân hàng, công ty môi giới và người mua hàng hàng và chắc chắn người bị hại ở đây là nhà xuất khẩu Việt Nam.

Việc quan trọng nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều phải có sàng lọc, phải có lựa chọn khách hàng trước khi ký hợp đồng chứ không nên nghĩ ai cũng có thể mua được điều, kể cả những người không có uy tín, làm ăn không nghiêm chỉnh tới hỏi mua cũng bán. Chỉ lời 1 - 2 cent/pound cũng bán. Như vậy rủi ro sẽ rất cao.

Thứ hai, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” đội ngũ anh em làm ở phòng kinh doanh của công ty xuất khẩu phải có nghiệp vụ về làm bộ chứng từ thanh toán quốc tế. Họ phải biết tiếng Anh và đòi hỏi có nghiệp vụ ngoại thương, nhất là nghiệp vụ thanh toán quốc tế, có như vậy chủ doanh nghiệp sẽ đỡ lo hơn.

Sau câu chuyện này doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn có thể sử dụng hình thức D/P?

Cả thế giới đang sử dụng hình thức nhờ thu và mọi người đang làm bình thường. Nếu đối tác của chúng ta làm ăn nghiêm chỉnh thì ngay cả trường hợp bán chịu doanh nghiệp vẫn cứ bán, còn gặp đối tác không có uy tín kể cả L/C họ cũng quỵt tiền hàng bình thường. Quan trọng nhất là đối tác của chúng ta.

Thứ hai, nghiệp vụ của đội ngũ phòng kinh doanh phải vững.

Có ý kiến cho rằng khi chúng ta giao dịch quốc tế cần phải thuê luật sư xem xét góp ý các hợp đồng xuất khẩu?

Theo tôi không cần bởi vì hiện nay các tập đoàn lớn, các tổng công ty lớn họ đều có luật sư riêng.

Hiện có từ 80% - 90% doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều là doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phí thuê luật sư rất cao không kham nỗi, đôi khi họ làm việc cũng chung chung không cụ thể bằng những người gần gũi về nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu điều có hợp tác với đoàn luật sư của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nên có vấn đề gì xảy ra thì đoàn luật sư này sẽ theo địa chỉ đó mà tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này.


Theo Nguyễn Huyền

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên