Từ vụ ông Nguyễn Đức Chung xin tại ngoại: Quy định bảo lãnh tại ngoại khi đang bị tạm giam ra sao?
Theo luật sư Cường, nếu nhận được đơn xin tại ngoại của ông Nguyễn Đức Chung, Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKS cùng cấp sẽ xem xét, cân nhắc, giải quyết theo đúng pháp luật.
- 18-09-2020Đang làm thủ tục xin cho ông Nguyễn Đức Chung được tại ngoại
- 03-09-2020Tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP Hà Nội với ông Nguyễn Đức Chung
- 30-08-2020Thiếu tướng Tô Ân Xô: Sức khoẻ ông Nguyễn Đức Chung thời điểm bị bắt vẫn bình thường
Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn phải trên cơ sở các quy định pháp luật
Ngày 18/9, theo thông tin trên báo chí cho biết, gia đình ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã bị tạm đình chỉ công tác) đang làm thủ tục xin cho ông được tại ngoại để điều trị bệnh ung thư.
Trước đó, ngày 28/8, ông Nguyễn Đức Chung đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định khi bị khởi tố bị can, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.
Việc cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung sau khi khởi tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo luật sư Cường là có cơ sở.
Ngoài tội danh đã bị khởi tố, Bộ Công cho biết, ông Chung còn liên quan đến 2 vụ án khác cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm.
Cụ thể là vụ án tại Công ty Nhật Cường (Vụ án “Buôn lậu - Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng - Rửa tiền - Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”) và vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị khác.
Nam luật sư nêu rõ, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam chuyển sang cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can. Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn phải trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Trong đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo thi hành án.
Đối với trường hợp nào bị tạm giam, trường hợp nào cấm đi khỏi nơi cư trú, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện thay đổi đã được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rất rõ ràng.
Cụ thể, bị can, bị cáo có quyền đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác với biện pháp tạm giam.
Tuy nhiên yêu cầu đó có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hay không, phải căn cứ vào quy định pháp luật và phải dựa trên tính chất của vụ án.
Đối với vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước và 2 vụ án khác đang bị điều tra trách nhiệm đều là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng và thuộc diện vụ án cơ quan trung ương theo dõi giám sát.
Do đó, trong trường hợp cơ quan chức năng nhận được đơn xin tại ngoại của ông Nguyễn Đức Chung, Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp sẽ xem xét cân nhắc trên cơ sở đảm bảo quyền con người, quyền hợp pháp của bị can bị cáo và đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan công bằng, đúng pháp luật.
Để thay đổi biện pháp ngăn chặn thì gia đình ông Chung cần làm gì?
Để có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn, theo luật sư Cường, gia đình ông Nguyễn Đức Chung cần có đơn bảo lãnh tại ngoại. Đơn này phải có chữ ký của hai người thân thích và phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
Trong đơn phải nêu rõ lý do đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn, các tài liệu chứng cứ để chứng minh và cam kết sẽ có trách nhiệm giám sát bị can trong quá trình thay đổi biện pháp ngăn chặn
Sau khi nhận được đơn xin bảo lãnh tại ngoại, cơ quan điều tra sẽ thông báo cho Viện kiểm sát để cùng xem xét, quyết định. Trong trường hợp không đủ điều kiện để thay đổi biện pháp ngăn chặn thì sẽ có văn bản thông báo cho gia đình được biết.
Luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cho hay, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án sẽ hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị can khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
Ví dụ trường hợp bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam có thể thay thế sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam, Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khi đã hết thời hạn tạm giam, người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khoản 4, Điều 119, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định những trường hợp không bị tạm giam như sau:
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
a. Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
b. Tiếp tục phạm tội;
c. Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án;
d. Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
e. Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Tổ Quốc